Dù có trữ lượng dầu mỏ khổng lồ nhưng quốc gia Bắc Âu này từ lâu đã tiên phong trong quá trình chuyển đổi từ xe sử dụng động cơ đốt trong ICE sang xe điện EV.
Xe điện không còn là một điều mới mẻ tại Na Uy, chúng đã trở thành hình ảnh quen thuộc trên mọi nẻo đường. Và đến nay, quốc gia Bắc Âu gần như đã loại bỏ hoàn toàn xe động cơ đốt trong (ICE) chạy xăng và diesel khỏi thị trường xe mới.
Theo Hiệp hội xe điện Na Uy (NEVA), nhờ các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ kéo dài suốt nhiều năm của Chính phủ, từ miễn thuế VAT đến phí đường thấp hơn và cho phép đi vào làn ưu tiên, doanh số bán xe điện của quốc gia này đã tăng từ dưới 1% vào năm 2010 lên 88,9% tổng doanh số bán xe mới trong năm ngoái.

Dữ liệu do Cục Quản lý Đường bộ công cộng Na Uy công bố, tính riêng năm 2025, con số này đã vượt ngưỡng 93%, biến Na Uy trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về tỷ lệ xe điện.
Tại Oslo - thủ đô của Na Uy, cứ 10 xe đang lưu thông thì 4 chiếc là xe điện hoàn toàn. Không khí trong lành hơn, tiếng ồn giao thông giảm rõ rệt và điều đáng nói là người dân không phải chịu nhiều chi phí hơn.
Còn tại một số thành phố lớn, khoảng 30% tổng số xe ô tô chở khách trên đường hiện nay là xe điện hoàn toàn. “Họ thực sự yêu thích việc lái xe điện,” bà Christina Bu, Tổng thư ký NEVA nói với CNBC.
Thành công đến từ chính sách kiên định và đầu tư bài bản
Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Na Uy Cecilie Knibe Kroglund, thành quả này không phải tình cờ. “Chúng tôi có các chính sách dài hạn và nhất quán, với hàng loạt ưu đãi thiết thực cho người sử dụng xe điện từ miễn thuế cho người mua đến đầu tư mạnh vào hạ tầng sạc,” bà nói.
"Không chỉ miễn thuế xe điện mà còn tăng thuế ngày càng cao đối với xe ô tô sử dụng động cơ đốt trong. Vì vậy, trong khoảng ba năm trở lại đây, thuế mua xe nói chung đã tăng gấp đôi và vốn đã rất cao rồi. Thậm chí, những chiếc xe gây ô nhiễm sẽ bị cấm kinh doanh ở Na Uy”, bà Bu của NEVA cho biết.

Một số chính sách nổi bật tại Na Uy gồm: Miễn thuế VAT và thuế mua xe cho xe điện, giảm phí đường bộ và phí đỗ xe điện thấp hơn, xe điện được phép đi vào làn xe buýt, mạng lưới trạm sạc công cộng phủ rộng toàn quốc. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình Na Uy cũng có thể sạc xe tại nhà.
Na Uy hiện đã có hơn 10.000 trạm sạc nhanh. Tuy nhiên, việc triển khai các trạm sạc này chưa đồng đều trên khắp cả nước với phần lớn số lượng trạm sạc tập trung ở miền Nam. Dẫu vậy, mạng lưới ngày càng dày đặc này đã xua tan lo ngại trước đây rằng lưới điện không thể đáp ứng nhu cầu sạc.
Một yếu tố đáng chú ý khác là không có sự vận động hành lang mạnh mẽ từ các hãng ô tô truyền thống tại Na Uy. Điều này giúp chính phủ thực hiện các chính sách xanh nhưng năm qua mà không bị cản trở bởi lợi ích doanh nghiệp.
Không phải không có tranh cãi
Tuy nhiên, hành trình trở thành quốc gia đi đầu thế giới về việc áp dụng xe điện của Na Uy cũng không tránh khỏi những lời chỉ trích. Nhiều người lo ngại số lượng trạm sạc nhanh ngày càng tăng khiến lưới điện có thể không đáp ứng được.
Bên cạnh đó, nhiều nhà lập pháp cho rằng các ưu đãi xe điện đang thiên vị nhóm thu nhập cao, những người có khả năng sở hữu xe và nhà riêng để sạc. Đồng thời, việc đổ dồn đầu tư vào ô tô điện cũng có thể làm lu mờ các hình thức di chuyển bền vững hơn như đi bộ hay xe đạp.
Mặt khác, dù đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2030, nền kinh tế Na Uy vẫn phụ thuộc lớn vào việc xuất khẩu dầu khí, tạo ra sự mâu thuẫn giữa tham vọng xanh và thực tế phát thải.
Tương lai là xe buýt điện và xe tải không phát thải
Nhìn về phía trước, chính phủ Na Uy đang đẩy mạnh điện hóa các phương tiện vận tải công cộng và hàng hóa. Bà Kroglund cho biết đến năm 2025, toàn bộ xe buýt trong đô thị sẽ chuyển sang dùng điện. Ngoài ra, 75% xe tải hạng nặng mới cũng sẽ sử dụng năng lượng tái tạo vào cuối thập kỷ này.
“Khoảng 30% lượng phát thải ô nhiễm tại Na Uy đến từ ngành giao thông vận tải. Chúng tôi cần phải hành động dứt khoát hơn nữa,” bà nói.