Một tháng sau khi các bệnh viện dã chiến hoạt động, bác sĩ Ma Yonggang cuối cùng cũng nhìn thấy những chiếc giường trống vì có ít bệnh nhân hơn.
Khi Ma lần đầu được triệu tập đến cơ sở y tế dựng lại từ một sân vận động vào ngày 4/2, nơi đây vẫn là một công trường đang lắp đặt dở giường bệnh và hệ thống dây điện.
Bỏ lại vợ con ở quê nhà Sơn Đông vào dịp Tết Nguyên đán, bác sĩ 43 tuổi cho biết ông cảm thấy "sợ hãi và lo lắng" mỗi khi nhận cuộc gọi từ Bệnh viện Wuchang lúc nửa đêm.
Đến nay tình hình dần được cải thiện. Lượng bệnh nhân điều trị viêm phổi giảm hẳn từ mức cao 760 người vào giữa tháng 2 xuống còn 320 người vào đầu tuần này.
"Chúng tôi từng cho từ 30 đến 40 bệnh nhân xuất viện mỗi ngày, số bệnh nhân nhập viện chỉ khoảng chục người, hoặc chẳng có ai. Đó là thời điểm mọi thứ dần thay đổi", bác sĩ Ma nói.
Bác sĩ tại bệnh viện Chữ thập đỏ Vũ Hán nói chuyện trong hành lang vào giờ nghỉ. Ảnh: AFP |
"Hiện giờ số người nhập viện rất ít và mỗi ngày có khoảng 3 đến 4 bệnh nhân bình phục", ông bổ sung.
Những gì ông mô tả tương đồng với số liệu của chính phủ. Các ca nhiễm Covid-19 mới tại Vũ Hán đang giảm xuống rõ rệt. Thành phố công nghiệp lớn với 11 triệu dân trải qua căn bệnh nguy hiểm kể từ cuối tháng 12 năm ngoái.
Song tình hình không phải luôn khả quan như hiện tại.
Trong những tuần đầu của vụ dịch, truyền thông quốc tế liên tục ghi nhận hình ảnh dòng người xếp hàng tại các bệnh viện. Cơ sở y tế thường xuyên thiếu giường.
Được dựng lại từ sân vận động, trường học và trung tâm văn hóa, 16 bệnh viện dã chiến của Vũ Hán có mục đích giảm bớt gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe thành phố vốn đã quá tải.
Song ban đầu các cơ sở này cũng chịu cảnh thiếu thốn vật tư y tế giống như bệnh viện tuyến trên được chỉ định điều trị Covid-19.
Bệnh viện dã chiến có trang thiết bị đơn giản, chẩn đoán và điều trị một cách cơ bản cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ.
"Khi mới mở cửa, cơ sở vật chất ở đây chỉ là để kiểm soát dịch bệnh, vì vậy điều kiện sinh hoạt cho các bệnh nhân và y bác sĩ khá tệ", bác sĩ Ma cho biết.
Ông cũng thừa nhận điều kiện không đáp ứng được kỳ vọng của các bệnh nhân. Nhiều người nghĩ rằng mình sẽ được điều trị trong phòng riêng thay vì ở cùng người khác.
"Khi đến nơi và nhận ra các bệnh nhân ở chung một phòng lớn, họ bắt đầu nghi ngại liệu mình có được chữa khỏi hay không", bác sĩ kể lại.
"Giờ thì mọi thứ được cải thiện hơn nhiều. Chúng tôi có khu vực tập thể dục và nhà tắm, có cả máy sưởi trong nhà và nhân viên phục vụ đồ ăn", ông nói.
Bác sĩ tại Vũ Hán được đồng nghiệp xịt khử trùng vào ngày 3/2. Ảnh: AFP |
Trung Quốc đại lục có hơn 80.000 ca dương tính nCoV, trong đó 3.000 người đã tử vong, chủ yếu là ở thành phố Vũ Hán. Giới chức y tế Trung Quốc và phái đoàn chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết ít nhất 3.000 nhân viên y tế nước này lây chéo virus từ bệnh nhân. Khoảng 11 người đã qua đời.
May mắn chưa có y bác sĩ nào tại nơi ông Ma làm việc nhiễm bệnh. Cái chết ở tuổi 34 của bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng vào tháng trước để lại nỗi phẫn nộ trong dư luận, đặc biệt là khi anh từng bị xử phạt vì cảnh báo về căn bệnh mới vào tháng 12 năm ngoái.
"Chúng tôi cảm thấy cực kỳ đau buồn vì sự ra đi của anh ấy. Chúng tôi sẽ luôn trân trọng bác sĩ Lý và các đồng nghiệp, học hỏi từ họ cũng như hết mình cống hiến cho cuộc chiến chống virus", ông nói.
Cấp trên của bác sĩ Lý là bác sĩ Mai Trọng Minh cũng đã tử vong do Covid-19.
Dù lo ngại về nguy cơ lây nhiễm, bác sĩ Ma vẫn cam kết sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình đến cuối cùng.
"Là một nhân viên y tế tại Vũ Hán, trách nhiệm lịch sử này đổ dồn lên vai chúng tôi", ông nói.
Thục Linh (Theo AFP)
Bệnh nhân Covid-19 ở Vũ Hán tử vong sau 5 ngày xuất viện Một bệnh nhân Covid-19 là nam giới 36 tuổi ở Vũ Hán, Trung Quốc đã chết vì suy hô hấp chỉ 5 ngày sau khi ... |
Bác sĩ Hàn Quốc xin chi viện áo phẫu thuật Y bác sĩ tại Trung tâm y tế Pohang kêu gọi đồng nghiệp quyên góp áo choàng cũ để tiếp tục cuộc chiến chống Covid-19. |
Bác sĩ Vũ Hán tử vong vì nhiễm nCoV Bác sĩ Giang Học Khánh thuộc Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán qua đời sáng nay sau khi nhiễm nCoV. |