Hơn 15.000 người Libya thiệt mạng hoặc mất tích chỉ sau một đêm lũ, một minh chứng rõ ràng cho hậu quả khủng khiếp xảy ra khi nhiệt độ Trái đất đang ấm dần lên tại những nơi mà cơ sở hạ tầng cũ kỹ và tình trạng bất ổn chính trị kinh niên.

Trận lũ lụt lịch sử ngày 10-9 đã gây thiệt hại nặng nề cho Derna, thành phố cảng miền Đông Libya ảnh 1

Trận lũ lụt lịch sử ngày 10-9 đã gây thiệt hại nặng nề cho Derna, thành phố cảng miền Đông Libya

Bắt giữ 8 quan chức liên quan

Ngày 25-9, ông Al-Seddik al-Sur, Tổng công tố Libya đã ra lệnh bắt giữ 8 quan chức trong khuôn khổ cuộc điều tra về thảm họa lũ lụt làm hàng nghìn người thiệt mạng gần đây. Văn phòng Tổng công tố Libya cho biết các quan chức nói trên bị buộc tội “quản lý kém” và bất cẩn, cùng một số tội danh khác. Trong số này, 7 người đang hoặc từng đảm trách các vị trí về quản lý nguồn nước và đập ngăn nước. Nổi bật là Thị trưởng Derna, ông Abdulmonem al-Ghaithi, người đã bị cách chức ngay sau thảm họa.

Trận lũ lụt lịch sử ngày 10-9, mà nhiều nhân chứng ví như trận động đất lớn, đã làm vỡ 2 con đập. Vụ việc xảy ra sau khi một trận bão nhiệt đới quét qua khu vực quanh Derna, thành phố cảng miền Đông Libya. Theo Liên hợp quốc, hơn 5.000 người Libya đã thiệt mạng trong trận lũ lụt và hơn 10.000 người vẫn mất tích. Nhiều người bị cuốn theo dòng nước lũ, cùng với toàn bộ nhà cửa của họ.

Sau khi mở cuộc điều tra, Tổng công tố al-Sur cho biết hai con đập ở thượng nguồn Derna đã bị nứt từ năm 1998. Tuy nhiên, việc sửa chữa do một công ty của Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành vào năm 2010 đã phải dừng lại sau vài tháng vì xảy ra cuộc xung đột tại Libya năm 2011.

Theo Văn phòng Tổng công tố, cuộc điều tra tập trung vào hợp đồng bảo dưỡng đập giữa công ty của Thổ Nhĩ Kỳ với cơ quan phụ trách nguồn nước của Libya.

Con đập đầu tiên bị vỡ trong thảm họa này là đập Abu Mansur, cách Derna 13km, nơi có thể trữ 22,5 triệu m3 nước. Nước lũ sau đó đã làm vỡ đập thứ hai là Al Bidlad, có sức chứa 1,5 triệu m3 nước và chỉ cách thành phố này 1km. Hai đập này đều do Công ty Yugoslav xây dựng từ những năm 1970, vốn không phải là đập trữ nước mà là để bảo vệ Derna khỏi lũ lụt.

Lý giải con số thương vong quá lớn

Bất ổn chính trị, một thập kỷ nội chiến, cơ sở hạ tầng xuống cấp và hệ thống ứng phó khẩn cấp yếu kém đều góp phần gây ra thảm kịch ở Libya. Trùng hợp, mảnh đất này cũng hứng chịu cơn bão nguy hiểm và gây thiệt hại lớn nhất ở khu vực Địa Trung Hải do tình trạng biến đổi khí hậu gây nên.

Ông Ciarán Donnelly, Phó Chủ tịch về ứng phó khủng hoảng tại Ủy ban Cứu hộ Quốc tế, một tổ chức phi lợi nhuận giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa nhân đạo, cho biết: “Những gì xảy ra ở Derna là điều chúng ta sẽ thấy ngày càng nhiều ở các quốc gia như Libya. Những vùng đất xung đột đó dễ bị tác động trước biến đổi khí hậu do sự yếu kém của các dịch vụ xã hội và cơ sở hạ tầng được không được bảo trì”.

Người ta đã dự báo về tác động nguy hiểm của cơn bão đối với Libya trước khi nó đổ bộ 3 ngày, do trên đường đi nó đã tàn phá Hy Lạp thế nào. Nhưng dự báo cũng không ngăn được thảm họa. Nhân chứng ở Libya cho biết, họ đã nhận được những cảnh báo trái ngược nhau trong vài giờ trước cơn bão. Thông tin trái ngược đó một phần xuất phát từ hai chính phủ Libya - một ở phía đông, một ở phía tây - do tranh giành quyền lực nên không có sự phối hợp để ứng phó khẩn cấp. Người dân dọc theo Wadi Derna, con sông chảy qua thành phố ven biển Derna trước khi chảy vào Địa Trung Hải không hề nhận được lệnh sơ tán khẩn cấp.

Theo báo cáo mới nhất từ các nhà khoa học thuộc Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu do Liên hợp quốc hậu thuẫn, khoảng 70% các thành phố ở châu Phi được đánh giá là rất dễ bị tổn thương trước những cú sốc khí hậu. Libya là một trong số ít các bên ký kết Thỏa thuận Paris 2015 nhưng chưa bao giờ đệ trình kế hoạch khí hậu lên Liên hợp quốc. Những tài liệu này phác thảo những tổn thương của các quốc gia đối với biến đổi khí hậu cũng như kế hoạch giảm lượng khí nhà kính. Hoàn thành tài liệu là một bước cần thiết để cho các nhà tài trợ quốc tế thấy quỹ khí hậu sẽ được chi tiêu như thế nào. “Thực tế là đối với các quốc gia như Libya, việc tiếp cận nguồn tài trợ khí hậu hiện là một thách thức khá lớn. Vùng an toàn đối với các tổ chức tài chính quốc tế là được làm việc với các cơ quan hành chính ổn định và điều đó thường không xảy ra ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi xung đột và tình trạng mong manh”, ông Ciarán Donnelly phân tích.

Đối với bà Al-Sherif, một tình nguyện viên cứu hộ đang ở Derna, bà đã có cả chục năm giúp người dân vùng xung đột nhưng cảm giác thật đáng sợ khi đi trên đống đổ nát ở vùng lụt mới đây. “Cơ sở hạ tầng không được duy trì, các thành phố bị bỏ quên, không có quy hoạch phù hợp và các yếu tố khí hậu không được xem xét. Đây sẽ là một bài học cho chúng tôi và cho toàn thế giới”, bà nói.

https://www.anninhthudo.vn/bai-hoc-tu-tham-hoa-lu-lut-o-libya-post552883.antd

Yến Chi / ANTD