Nhiều ý kiến cho rằng khi chiến sự ở Ukraine kết thúc, giá dầu có thể hạ nhiệt.

Ngày 16/7, giá dầu thế giới bất ngờ tăng nhẹ. Chốt phiên giao dịch tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 8 tăng 1,81 USD, tương đương 1,89% lên mức 97,59 USD/thùng. Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent biển Bắc giao sau đã rời mốc 100 USD còn 99,49 USD/thùng sau khi giảm tới 7,61 USD (7,1%).

Diễn biến giá dầu được cho là do chịu ảnh hưởng của đồng USD tăng giá mạnh. Trong tuần qua, đồng bạc xanh bật tăng mạnh ở mức 0,91%. Việc đồng USD tăng giá làm gia tăng sức ép lên giá dầu - loại hàng hóa giao dịch bằng đồng USD.

Tuy nhiên, mức giảm này còn xa so với giá dầu trung bình năm 2021 (68,17 USD) và trước đại dịch COVID-19 vào năm 2019 (56,99 USD), theo Macrotrend. Có đủ lý do để các nhà dự báo cho rằng giá dầu sẽ không giảm sâu, thậm chí có nguy cơ tăng trở lại. Nhất là khi trước đó, giá dầu đã liên tục tăng phi mã có thời điểm lên đến 130 USD/thùng.

106905973-1625223614118-gettyimages-1232575215-oildemand-17260650

Ngày 16/7, giá dầu thế giới bất ngờ tăng nhẹ.

Nhiều yếu tố phức tạp

Nguyên nhân trước mắt khiến giá dầu giảm được cho là phản ứng thị trường trước nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, các ngân hàng trung ương lớn, như FED thắt chặt chính sách tiền tệ đối phó với lạm phát tăng kỷ lục, đồng USD mạnh lên.

Nhưng nhiều yếu tố phức tạp đã khiến giá dầu biến động trong thời gian gần đây. Các nước phương Tây đang thảo luận khả năng áp trần giá với dầu thô Nga ở mức 40-60 USD/thùng, ảnh hưởng đến triển vọng thị trường. Nguy cơ COVID-19 tái bùng phát – với việc xuất hiện dòng biến thể mới lây nhiễm nhanh hơn và có khả năng miễn kháng thể tốt hơn cũng có thể khiến các chính quyền thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

Bên cạnh đó, trữ lượng dầu khí thế giới vẫn nằm trong xu hướng sụt giảm, công suất khai thác dự phòng hạn chế, tồn kho sản phẩm dầu mỏ OECD giảm đang là những yếu tố khiến giá dầu không giảm quá sâu.

Vì vậy, nhìn chung, các chính sách kiềm chế lạm phát và lo ngại về suy thoái kinh tế đang có tác động đến nhu cầu năng lượng và có thể khiến giá dầu giảm, nhưng chưa rõ tác động của những điều này về lâu dài.

Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ nhận định, giá dầu toàn cầu có thể tăng tới 40% lên mức 140 USD/thùng nếu không thực hiện kiềm chế giá dầu mỏ của Nga cùng với các biện pháp miễn trừ trừng phạt cho phép bàn giao những lô dầu có giá dưới mức trần đề ra.

Quan chức này cho biết, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ thảo luận về việc triển khai đề xuất kiềm chế giá mà Washignton đưa ra và tình hình phát triển kinh tế toàn cầu với người đồng cấp Nhật Bản Shunichi Suzuki trong cuộc gặp diễn ra ngày 12/7 tại Tokyo.

Mục tiêu là định ra một mức giá trần đảm bảo bao trùm chi phí sản xuất của Nga để Moskva tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ nhưng mức trần này cũng không quá cao để làm lợi cho Nga.

Xung đột Nga - Ukraine tác động đến giá dầu thế nào?

Xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt đã chi phối không nhỏ đến giá dầu. Khi hàng loạt biện pháp hạn chế nhắm vào năng lượng Nga - nhà xuất khẩu lớn với thị trường châu Âu và thế giới, dòng chảy năng lượng bị đứt quãng.

Hôm 31/5, giá dầu đã chạm mức cao nhất trong hai tháng sau khi lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga được thông qua. Tại các sàn giao dịch London và New York, giá dầu Brent Biển Bắc chạm mức 123,37 USD/thùng (+1,36%) và giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) là 117,28 USD, tương đương mức tăng 0,3%.

Moskva, trong nỗ lực tìm thị trường thay thế và trả đũa các biện pháp trừng phạt, cũng cắt giảm nguồn năng lượng đến các nước “không thân thiện” và chuyển sang bán năng lượng giá rẻ hơn cho các nước khác. Các khách hàng châu Âu cũng tìm đến nhà cung cấp mới. Nhưng với sự khác biệt về cơ cấu hậu cần, năng lực sản xuất và nhu cầu, những thị trường mới này chưa đủ sức để “lấp chỗ trống” ban đầu, điều sẽ tiếp tục khiến giá năng lượng chịu áp lực.

Các quốc gia OPEC, sản xuất khoảng 30% lượng dầu thô của thế giới, đồng ý tăng sản lượng trong cơn sốt giá, nhưng không tăng ở mức mà các nhà nhập khẩu yêu cầu. Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất có công suất dự phòng, nhưng từ chối tăng sản lượng vì cho rằng khoảng cách giữa cung và cầu đang thu hẹp, và giá cao chỉ đơn giản phản ánh sự hoảng loạn của một bộ phận người mua. Trong khi đó, các quốc gia OPEC+ như Nigeria và Angola đã giảm sản xuất trong đại dịch, nên không thể tăng kịp sản lượng một cách đầy đủ.

Thậm chí, để gia tăng nguồn cung bù đắp sự thiếu hụt của dầu Nga trên thị trường, Mỹ đã có động thái nới lỏng trừng phạt Venezuela – một trong những quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Cụ thể, ngày 17/6, Mỹ quyết định dỡ bỏ trừng phạt đối với ông Carlos Erik Malpica Flores, cựu Bộ trưởng Tài chính Venezuela, một người thân cận của Tổng thống Nicolas Maduro. Đồng thời, cho phép tập đoàn dầu lửa Chevron của Mỹ đàm phán với công ty dầu mỏ quốc gia Venezuela.

Các nước phương Tây dù muốn giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga, nhưng việc chuyển đổi sẽ phải mất thời gian ít nhất là cho đến hết năm nay. Và trong thời gian đó, thị trường có thể tiếp tục trải qua các đợt biến động giá khác.

image-34-17401553

Câu hỏi được nhiều người quan tâm là bao giờ giá dầu "bình thường mới".

Giá dầu sẽ bình ổn khi xung đột quân sự kết thúc?

Xung đột Nga - Ukraine được nhắc đến trong nhiều bản tin và dự báo về tình hình giá năng lượng. Tuy nhiên, để giá dầu thực sự trở về “bình thường mới”, sẽ cần nhiều hơn ngoài việc chiến sự kết thúc.

Các bên trên chiến trường và cả những bên liên quan (Mỹ, NATO) sẽ cần đi đến một cục diện địa chính trị ổn định. Đó có thể là một thỏa thuận kết thúc chiến tranh bao gồm việc Ukraine đồng ý ở ngoài NATO, Nga đồng ý với việc Kiev xin gia nhập EU và những điều kiện khác. Hoặc diễn biến trên chiến trường ngã ngũ và nghiêng hẳn về một bên dẫn đến việc bên kia phải nhượng bộ. Hoặc cả hai bên đều trở nên kiệt quệ và tiếp tục duy trì thế trận giằng co trong một thời gian dài.

Khi đó, các lệnh trừng phạt với năng lượng Nga dừng lại hoặc được dỡ bỏ dần dần sẽ giúp thông suốt nguồn cung và thị trường trao đổi dầu khí của thế giới.

Bên cạnh đó, theo WEF, các nước EU cũng đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung, giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga. Vào ngày 8/3, Liên minh châu Âu đã công bố kế hoạch chấm dứt nhập khẩu năng lượng của Nga vào năm 2030. Điều này có thể khiến chi phí năng lượng tăng cao, nhưng EU cho biết họ sẽ bảo vệ các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong khối bằng cách sử dụng các quy định về giá, viện trợ của nhà nước và thuế.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã đưa ra một kế hoạch 10 điểm, nói về cách châu Âu có thể giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga. Điều này liên quan sự kết hợp giữa tối đa hóa việc lưu trữ khí đốt, tìm nguồn cung cấp khí đốt từ các nơi khác và tăng lượng điện năng được tạo ra từ các nguồn tái tạo và phát thải thấp.

Frans Timmermans, người đứng đầu Thỏa thuận Xanh của EU cho biết: “Năng lượng tái tạo là một nguồn năng lượng rẻ, sạch và có tiềm năng vô tận và thay vì tài trợ cho ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch ở những nơi khác, chúng tạo ra việc làm ở đây”.

Không khả quan

Những kịch bản trên dù vậy khó có thể xảy ra, hoặc khó xảy ra trong thời gian ngắn. Mỹ và phương Tây luôn đối trọng với Nga. Dù trước xung đột Ukraine, các nước đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt về kinh tế và ngoại giao với Nga. Moskva cũng không ngần ngại đáp trả.

Hơn nữa, các nước châu Âu cũng không thể thay đổi các biện pháp trừng phạt năng lượng Nga trong một sớm một chiều, sau thời gian dài thảo luận và tranh cãi. Việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt cũng có thể đi kèm những điều kiện Moskva không dễ chấp nhận.

Trên chiến trường, trong khi Ukraine liên tục kêu gọi các nước cung cấp vũ khí và lập kế hoạch phản công, Nga cũng tiếp tục thúc đẩy các mục tiêu của mình ở phía Đông. Không chỉ là những mục tiêu ở Ukraine, Moskva muốn thay đổi phân cực thế giới, không còn thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo, và dường như sẽ không dừng lại cho đến khi đạt được.

Ngay từ những ngày đầu xung đột, nhiều nhà phân tích đã dự đoán chiến sự có thể kéo dài ít nhất đến cuối năm nay, và xa hơn là đến hàng năm tới. Hiện chưa có dấu hiệu một nỗ lực đàm phán ngoại giao đáng kể ở cấp cao nào đang được nối lại, điều cần thiết để dẫn đến một thỏa thuận kết thúc xung đột.

Một cánh cửa khác có thể dẫn đến thu hẹp khoảng cách cung cầu năng lượng và góp phần bình ổn giá là năng lượng xanh. Sau Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), chuyển đổi xanh và hành trình phát triển mạng lưới năng lượng tái tạo được chú ý hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này là một quá trình dài và tốn kém, chịu tác động không nhỏ của các yếu tố kinh tế chính trị.

Cuối tháng 6, một số thành viên của Liên minh châu Âu (EU) công bố kế hoạch khẩn cấp để tăng cường sử dụng nhiên liệu than trong bối cảnh thiếu khí đốt của Nga, cho rằng năng lượng sản xuất từ ​​than đá có thể giúp họ đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông tới. Sự thay đổi diễn ra sau khi nhà cung cấp khí đốt Gazprom của Nga cắt giảm 60% nguồn cung thông qua đường ống Nord Stream (với lý do công ty bảo trì Siemens của Đức không thể trả lại các đơn vị bơm sau khi đưa đi sửa chữa ở Canada, do các lệnh trừng phạt Nga của Ottawa. Các quan chức châu Âu dù vậy xem quyết định này là mang tính chính trị).

Điều này không nhất thiết thể hiện các nước đang “đảo ngược” hoàn toàn xu hướng xanh hóa, nhưng thể hiện những khó khăn thị trường có thể gặp phải khi cơ cấu năng lượng chuyển đổi, đi kèm với những sự kiện bất ngờ. Đưa năng lượng xanh vào bài toán thị trường như thế nào vì vậy vẫn là một dấu hỏi.

Phương Anh / VTC News