Chúng tôi phỏng vấn một người cha đánh con. 

cha mẹ bạo hành

Chúng tôi phỏng vấn một người cha đánh con.

Đó là một gia đình ở Đồng Tháp, người cha làm thợ mộc, đánh con rất nhiều. Hàng xóm kể họ đã quen với việc đứa trẻ thấy ba là nem nép. Một lần, bé gái 2 tuổi bò chơi bờ kênh, bị rơi xuống nước. Con bé chị 6 tuổi tự nhảy xuống cứu em.

Người ta không tìm thấy đứa nhỏ. Em bé lớn được vớt lên. Song em chỉ nói được một câu “Ba ơi đừng đánh con”, rồi tím tái từ từ. Nước tràn vào phổi nhiều, không cấp cứu được cho bé.

Khi chúng tôi phỏng vấn, người cha nói: “Sao nó ngu thế, không gọi người lớn?”.

Không riêng tại vùng nông thôn như đồng bằng sông Cửu Long, nhiều cha mẹ ở thành phố, như TPHCM mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, coi việc đánh con là bình thường.

Nhiều người làm cha, mẹ vẫn hồn nhiên trả lời theo logic: Nói nhẹ nó không nghe, phải nói lớn. La mắng nó không nghe, nên đánh nhẹ. Đánh nhẹ nó không nghe thì phải đánh nặng.

Có gia đình, đứa trẻ bị đánh nhiều quá bỏ nhà đi. “Chỉ có mấy người hung dữ mới đánh con, còn tôi chủ yếu để dạy nó nên người”, ông bố bảo thế.

Liệu có phải vì sự “hồn nhiên” đó của cha mẹ bao năm qua, mà những câu chuyện bạo hành tàn nhẫn với trẻ em chỉ làm cho cộng đồng đau xót phẫn nộ trong vài ngày rồi thôi. Các theo dõi và nghiên cứu cho thấy dường như không có nhiều hành vi bạo hành với trẻ giảm bớt.

Những cha mẹ đang đọc bài này liệu dám khẳng định rằng mình chưa từng đánh, mắng trẻ con thì tôi xin thành thật chúc mừng.

Những người còn lại, cần tự đặt câu hỏi: Chúng ta có đang là những người bạo hành trẻ em theo nhiều cách hay không?

Các tình tiết của những vụ bạo hành tàn nhẫn trên báo khiến chúng ta phát sinh tâm lý tự lừa dối: “Độc ác quá, mình không bao giờ làm thế”. Nhưng nếu bạn đánh hay mắng con theo kiểu “thông thường” thôi, rất có thể là bạn đã bạo hành trẻ em. Liệu có ai đang quát mắng con mà tự hỏi mình rằng con sẽ học được điều gì lúc này, hay họ chỉ đang ngập chìm trong cơn nóng giận dâng lên. Nóng giận vì hôm nay có việc khó chịu ở cơ quan, vì bị thua cờ bạc, vì bị bực mình với vợ, chồng, vì “khó ở” trong người…

Trẻ con sau những lời gây tổn thương chỉ cảm thấy sợ hãi, oán ghét và chúng hiểu rằng: bạo lực luôn giải quyết được vấn đề.

Bạo hành với trẻ em không phải khi nào cũng thể hiện bằng những vết thương hiện hình, có thể nhìn thấy. Rất nhiều sự mắng mỏ, chì chiết, đay nghiến của cha mẹ hàng ngày với con trẻ cũng là hành vi bạo lực, bạo hành tinh thần. Tôi còn nhớ 5 em nhỏ nhảy xuống nước tự vẫn ở Thái Bình cách đây vài năm, để lại thư tuyệt mệnh với những lời rằng cháu cảm thấy “vô cùng nhục nhã. Ở nhà cha mẹ chửi mắng, ở trường cô giáo mỉa mai”.

Mắng chửi, mỉa mai hay chì chiết, đay nghiến trẻ em là một cách cha mẹ, thầy cô hay làm mỗi khi trẻ phạm lỗi mà người lớn cảm thấy không nghiệm trọng đến mức phải đánh. Nhưng hầu hết những người tôi đã phỏng vấn hay nói chuyện đều cho rằng mắng chửi hay những lời mỉa mai vẫn làm họ nhớ đến tận giờ. Chúng ta từng cay đắng thế nào khi bị mắng chửi mỉa mai lúc còn bé? Tại sao chúng ta lại dễ dàng quên điều đó để buông ra những lời mắng chửi mỉa mai con trẻ dễ dàng?

Những câu chuyện về trẻ bị bạo hành chắc hẳn ai cũng đã từng đọc. Thế nhưng rất nhiều người vẫn cho phép mình đánh mắng khi trẻ không làm vừa lòng mình. Và chúng ta vẫn biện minh là “đánh, mắng trong khuôn khổ giáo dục”.

Chúng ta kiềm chế được mức độ nặng nhẹ của việc đánh mắng? Không - một khi chúng ta đã tức giận nhấc tay lên để đánh trẻ hay mắng trẻ, chúng ta đã chính thức đánh mất sự kiềm chế. Cơn giận biến bạn thành kẻ bạo hành.

Luật hình sự Điều 104 về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác nêu rõ: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; Hoặc dưới 11% nhưng đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm, hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Bạn có thể bình luận như thể những vụ bạo hành trẻ em bởi chính cha mẹ - như vụ việc đang gây phẫn nộ dư luận nhiều ngày qua - là cá biệt. Nhưng tôi cũng có lý do để tin rằng nó có một gốc rễ văn hóa, “yêu cho roi cho vọt” là một tâm lý phổ biến. Và chúng ta nên bắt đầu nhìn ra những gia đình xung quanh, hay nhìn vào chính mình ngay lúc này, để tìm hiểu xem có thứ tâm lý ấy tồn tại hay không.

Không phải vết thương nào cũng có thể lành, đặc biệt là vết thương trong tâm hồn.

bao hanh tu cha me Cha mẹ bạo hành, đánh con có thể bị đi tù hoặc tước quyền nuôi con

Vụ việc cha ruột cùng với mẹ kế bạo hành con trai 10 tuổi trong thời gian dài khiến cháu bị rạn xương sườn, người ...

bao hanh tu cha me Bảo vệ trẻ em… vẫn nằm trên giấy

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng việc bảo vệ trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương nhất - cơ bản ...

/ Trần Ban Hùng/VnExpress