Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng việc bảo vệ trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương nhất - cơ bản vẫn chỉ nằm trên giấy mà thiếu những hành động cần thiết, biện pháp để ngăn chặn
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, nhấn mạnh: Con người, kể cả người dưng lẫn người thân, khi hành hạ trẻ em, là do đối tượng không có ý thức về quyền con người và thiếu đạo lý trong hành xử.
* Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về vấn đề bạo hành trẻ em đang diễn ra hiện nay?
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng
- ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Bạo hành trẻ em là vấn nạn toàn cầu. Nhưng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vấn nạn này có xu hướng gia tăng mạnh mẽ nhất. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại thân thể nghiêm trọng, dưới nhiều hình thức và ở mọi độ tuổi. Trẻ có thể bị hành hạ tại bất cứ đâu như ở nhà hay trường học và do nhiều đối tượng gây ra. Trong đó, thật đáng buồn khi phần lớn các vụ việc là do người thân trong gia đình, giáo viên gây ra.
Theo báo cáo chuyên đề Can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực thông qua đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 1800 1567 của Cục Trẻ em, giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 5-2017, trong tổng số 698 ca trẻ em bị bạo lực có tới 91,7% bị bạo lực thân thể; trẻ em từ 0-10 tuổi chịu bạo lực nhiều nhất (chiếm 56,9%); tỉ lệ trẻ em bị bạo lực trong gia đình là cao nhất (63,2%); trường học là 20,1%.
* Hàng loạt vụ bạo hành trẻ em rất dã man diễn ra thời gian qua như bảo mẫu trường mầm non tư thục Mầm Xanh (TP HCM) hành hạ trẻ; hay mới đây là vụ cha ruột hành hạ dã man con (Hà Nội) khiến dư luận vô cùng phẫn nộ, bức xúc. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?
- Vụ bảo mẫu ở trường mầm non tư thục Mầm Xanh và vụ người cha hành hạ con ở Hà Nội cho thấy ý thức về quyền con người của thân nhân trong gia đình lẫn người ngoài xã hội chưa cao, thiếu một vấn đề rất trọng yếu của cuộc đời, đó là đạo lý: đạo lý trong nhà trường cũng như trong gia đình.
Cô giáo ở trường thường được ví như mẹ hiền, cũng hành hạ những học sinh thân yêu của mình. Những người đẻ ra con cũng hành hạ trẻ chính con đẻ của mình. Rõ ràng đạo lý truyền thống đã bị xâm phạm rất nghiêm trọng.
Từ xưa đến nay vẫn nói "hổ dữ còn không ăn thịt con" nên không bao giờ cha mẹ hành hạ con cái, nhất là con đẻ của mình. Tuy nhiên, ông bố ở Hà Nội đã bạo hành dã man không chút xót thương, không chút tình người với chính con trai mình. Vết thương nặng mà cháu bé phải chịu không chỉ về mặt thể xác mà còn là tinh thần. Tôi không hiểu khi người bố đánh con dã man như thế thì có thể sống tốt với ai đây?
Do đó, tôi đề nghị các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan công an, cần điều tra và sớm khởi tố vụ án, khởi bị can đối với người bố này để xử lý hình sự nhằm răn đe người khác.
Cháu bé bị chính bố ruột của mình hành hạ dã man tại Hà Nội gây phẫn nộ trong dư luận Ảnh: Huy Thanh
* Thưa ông, rõ ràng việc những đứa trẻ đang không an toàn ở bên ngoài xã hội cũng như ngay trong chính gia đình của mình, đây là điều rất đáng lo ngại. Chúng ta cần có giải pháp như thế nào để ngăn chặn tình trạng này?
- Chúng ta bảo vệ trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương nhất - nhưng cơ bản tất cả vẫn chỉ nằm trên giấy, mà thiếu đi những hành động cần thiết, biện pháp căn bản để ngăn chặn. Trong Luật Trẻ em có đến 17 cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ bảo vệ trẻ em nhưng dường như chẳng cơ quan nào thấy trách nhiệm của mình.
Rõ ràng việc thực hiện Luật Hôn nhân Gia đình, Luật Giáo dục đang có vấn đề, quá trình thực hiện pháp luật chưa đến nơi đến chốn; ý thức tôn trọng pháp luật kém; công tác quản lý giáo dục, kết hợp giữa gia đình và nhà trường còn lỏng lẻo.
Một điều cũng cần phải nói thêm rằng chúng ta đã không thanh tra, kiểm tra một cách nghiêm túc đối với các cơ sở trông giữ trẻ. Rồi tòa án khi xét xử ly hôn, phân định quyền nuôi con cho cha hoặc mẹ, đã không ghi vào bản án việc tuân thủ Luật Hôn nhân Gia đình và cần thiết thì tòa án có thể tước quyền nuôi con nếu người bố (hoặc mẹ) hành hạ con mình.
Rõ ràng chúng ta đang không có những chế tài hoặc định hướng cụ thể về mặt pháp luật nên những đứa trẻ vẫn cứ bị bạo hành. Và điều này cần được xem xét để có giải pháp ngăn chặn hành vi bạo hành trẻ em.
Để bảo vệ trẻ em, chúng ta cần phải hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp luật; quy trách nhiệm rõ hơn đối với người đứng đầu các ngành, các cấp, kể cả các cơ sở giáo dục, gia đình; phải xử lý hết sức nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Phải xắn tay hành động "Đã đến lúc chúng ta không chỉ dừng lại ở kêu gọi sự sẻ chia mà cần yêu cầu mỗi cơ quan, tổ chức, bậc cha mẹ, anh chị phụ trách phải xắn tay hành động, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em cùng những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em"- Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết. |
Bộ Lao động khai trương tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em Tổng đài điện thoại bảo vệ trẻ em 111 được hình thành nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi bạo hành, xâm ... |
Sau cái ác Trong suốt hơn 10 năm làm luật sư bảo vệ trẻ em, tôi chứng kiến rất nhiều vụ việc ám ảnh. |