Hơn 9 năm được giao đất nhưng vẫn chưa thể hình thành, gần đây Dự án bệnh viện tại phường Cát Lái, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh được đưa ra chào bán công khai trên mạng với giá 550 tỷ đồng. Điều này khiến người dân địa phương mất dần hy vọng sẽ thoát cảnh quá tải tại các bệnh viện ở khu vực trung tâm và sớm được khám chữa, bệnh tại chỗ…
Ngay sau khi được các sở, ngành chức năng tham mưu, ngày 8/10/2014 UBND TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định cho Công ty CP Đầu tư Pháp Thiện thuê khu đất hơn 2,1ha trong Dự án khu dân cư 152ha ở phường Cát Lái thuộc quận 2 (nay là TP Thủ Đức) để đầu tư xây dựng Bệnh viện Cát Lái với quy mô 250 giường. Thời gian thuê được UBND thành phố ấn định là 50 năm, trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.
Ngày 28/10/2014 UBND quận 2 đã bàn giao khu đất trên cho Công ty Pháp Thiện. Trong văn bản gửi Công ty Pháp Thiện vào ngày 30/10/2014, Sở Y tế thành phố khẳng định, việc đầu tư xây dựng bệnh viện tại dự án khu dân cư trên phù hợp với quy hoạch mạng lưới khám chữa bệnh của ngành Y tế, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối của thành phố. Sở Y tế còn thông tin, trong đề án quy hoạch phát triển ngành Y tế TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 được UBND thành phố phê duyệt đã xác định nhu cầu đầu tư cụm y tế cửa ngõ phía Đông có khu đất xây dựng Bệnh viện Đa khoa Cát Lái với quy mô 250 giường. Do đó Sở Y tế thống nhất chủ trương xây dựng bệnh viện trên.
Được giao đất, nhưng Công ty Pháp Thiện đã không triển khai dự án bệnh viện, không đưa đất vào sử dụng, không thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai. Hơn 3 năm sau, ngày 6/2/2018 Công ty Pháp Thiện đã có văn bản đề nghị điều chỉnh quy mô đầu tư xây dựng bệnh viện xuống còn 110 giường. Lý do được chủ đầu tư này đưa ra là bị ảnh hưởng bởi tình hình giao thông trước mắt cũng như lâu dài. Vị trí khu đất xây bệnh viện nằm trên trục đường chính lưu thông ra vào Cảng Cát Lái nên thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông cả ngày lẫn đêm nên hiệu quả đầu tư bệnh viện sẽ không đạt. Dù đề xuất trên đã gây phá vỡ quy hoạch phát triển mạng lưới khám chữa bệnh của thành phố, Sở Y tế vẫn ủng hộ phương án giảm hơn một nửa số giường bệnh đối với dự án này. Đó là chưa nhắc đến chuyện vi phạm về đất đai và cả việc chủ đầu tư vẫn giữ nguyên quy mô diện tích sử dụng đất trong khi xin giảm quy mô giường bệnh.
Do dự án chậm triển khai, nên ngày 4/3/2019 UBND TP Hồ Chí Minh đã có quyết định gia hạn thời gian sử dụng đất 24 tháng. Quyết định này đã xác định rõ, nếu hết thời gian gia hạn mà Công ty CP Đầu tư Pháp Thiện vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước sẽ thu hồi đất không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất (trừ trường hợp bất khả kháng) theo quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai 2013. Tuy vậy, khi quá thời gian được gia hạn, Công ty Pháp Thiện vẫn không đưa đất vào sử dụng, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định. Song dự án này đã không bị thu hồi theo yêu cầu trong quyết định gia hạn trước đó của UBND thành phố cũng như theo quy định của pháp luật về đất đai và đầu tư.
Bẵng đi nhiều năm, đến khi dự án bệnh viện trên đã hết cả thời gian gia hạn sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) thành phố mới bất ngờ thực hiện thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quyết định cho thuê đất của UBND thành phố vào năm 2014. Căn cứ vào hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính này, từ ngày 21/9/2022 đến 17/10/2022 Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định, thông báo cho phép Công ty Pháp Thiện được nộp tiền thuê đất cho cả thời gian thuê. Trong đó chủ đầu tư được miễn 50% tiền thuê đất, chỉ phải nộp 92 tỷ đồng. Ngày 20/3/2023, Công ty Pháp Thiện đã được Sở TNMT thành phố cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất cho toàn bộ diện tích trên.
Liên hệ với Công ty Pháp Thiện, đại diện công ty này đã thẳng thừng từ chối cung cấp thông tin cho phóng viên. Phản hồi với báo chí về cách giải quyết không bình thường đối với dự án trên, đại diện Sở TNMT cho biết hiện sở đang chủ trì, phối hợp với các Sở ngành liên quan và UBND TP Thủ Đức rà soát, tham mưu trình UBND thành phố xem xét, quyết định với khu đất dự án theo quy định tại điểm i khoản 1, Điều 64 của Luật Đất đai 2013. Điều này có nghĩa dự án sẽ được các cơ quan chức năng xử lý theo hướng thu hồi đất do chủ đầu tư không đưa đất vào sử dụng. Nhưng việc quyết định xử lý như thế nào đối với dự án này vẫn còn phải chờ UBND thành phố.