Khi trộm vào nhà, tài sản và tính mạng của những người trong gia đình bị đe dọa, gia chủ phải đứng giữa 2 lựa chọn bị tấn công hoặc phải tấn công lại. Ranh giới của hành vi hợp pháp và phạm pháp vì thế rất mong manh…
Hiến pháp 2013 quy định về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và bảo vệ quyền sở hữu của công dân. Theo đó, Điều 22 quy định: Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định. Điều 32 nêu rõ: Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác.
Tuy nhiên trong nhiều trường hợp kẻ trộm vào nhà xâm phạm về chỗ ở, tài sản và thân thể của gia chủ và những người thân trong gia đình, chủ nhà lại trở thành người phạm tội còn kẻ trộm lại trở thành nạn nhân.
Nhận định dưới góc độ pháp lý, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay: "Hiến pháp quy định quyền tự do cơ bản của công dân trong đó có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe... Vì thế, trong tình huống trộm đột nhập vào nhà thì tên trộm đó đã xâm phạm vào “quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở” của công dân và còn có nguy cơ đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của gia chủ...
Trong trường hợp này pháp luật cho phép chủ nhà được quyền bắt “người phạm tội quả tang”, được quyền khống chế bắt giữ, tước vũ khí của kẻ gian. Nếu kẻ gian tấn công chủ nhà thì chủ nhà được phép phòng vệ chính đáng, nghĩa là được phép chống trả một cách cần thiết để triệt tiêu sức tấn công của kẻ gian nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của mình và của người khác, nhằm giảm thiệt hại do kẻ gian có thể gây ra".
Luật sư Đặng Văn Cường.
Luật sư Cường nhấn mạnh, chưa bao giờ pháp luật Việt Nam cho phép chủ nhà được phép đánh trộm, giết trộm đột nhập (tấn công tiêu diệt tên trộm trước) khi tên trộm đó không có hành vi tấn công chủ nhà (đột nhập chỉ nhằm mục đích trộm cắp tài sản). Nói cách khác, chủ nhà chỉ được dùng bạo lực để triệt tiêu bạo lực của kẻ gian hoặc để khống chế bắt giữ kẻ gian; tuyệt đối không được dùng vũ lực để gây thương tích hoặc sát hại kẻ gian khi kẻ đó không gây nguy hiểm cho chủ nhà.
Ngoài ra, khi khống chế bắt giữ được kẻ gian thì phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc công an để xem xét giải quyết. Nếu bắt được kẻ gian mà nhốt lại đánh đập hoặc bắt giữ mà không báo cho chính quyền địa phương thì hành vi đó là vi phạm pháp luật, xâm hại quyền tự do thân thể, tự do đi lại của công dân. Trong những trường hợp này nhiều người đã bị khởi tố về tội Bắt giữ người trái pháp luật.
Pháp luật không chỉ bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của chủ nhà mà cũng bảo vệ cả tính mạng, sức khỏe, tài sản của kẻ đột nhập. Hành vi đột nhập chỗ ở là hành vi trái pháp luật, hành vi này sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nhưng không đồng nghĩa với chủ nhà coi họ không phải là con người, có thể tùy tiện ra tay sát hại họ. Việc điều tra, truy tố, xét xử và áp dụng hình phạt là thẩm quyền của cơ quan chức năng, chứ không thể tùy tiện tự xử như một số trường hợp vừa xảy ra. Nói cách khác, không thể sử dụng một hành vi vi phạm pháp luật để giải quyết, đáp trả một hành vi vi phạm pháp luật. Việc bắt giữ người, giam giữ người, áp dụng các chế tài, hình phạt chỉ được thực hiện theo một trình tự thủ tục luật định và theo thẩm quyền mà pháp luật đã quy định.
Nhiều trường hợp người dân ít hiểu biết pháp luật đã tập trung đông người để đánh trộm, giết trộm, đốt phá tài sản là xe máy, phương tiện của tên trộm dẫn đến hậu quả đau lòng. Nhiều người đã bị khởi tố về tội Giết người, tội Cố ý gây thương tích, tội Hủy hoại tài sản hoặc tội Bắt giữ người trái pháp luật... chỉ vì bắt trộm không đúng cách, không đúng luật, quá khích dẫn đến hành động tự xử... Bộ luật Hình sự 2015 mới bổ sung thêm một trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự khi bắt kẻ gian, vì vậy nếu vô ý gây thương tích cho kẻ gian trong quá trình vật lộn bắt kẻ gian thì sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự.
Điều 24, Bộ luật Hình sự 2015 quy định trường hợp gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội là trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự. Để được loại trừ trách nhiệm hình sự thì người gây thiệt hại cho người phạm tội phải là người đang bắt người phạm tội quả tang, đồng thời hành vi bắt giữ này chỉ được sử dụng vũ lực mà không còn cách nào khác thì mới được loại trừ trách nhiệm hình sự. Nếu lợi dụng việc bắt giữ người phạm tội quả tang mà dùng vũ lực để gây tổn hại cho họ rõ ràng là vượt quá mức cần thiết thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
“Tóm lại, với quy định của pháp luật hiện hành, nếu trộm đột nhập vào nhà thì gia chủ được phép bắt giữ, nếu tên trộm có hành vi đe dọa tới tính mạng, sức khỏe của gia chủ hoặc của người khác thì những người bắt giữ được quyền sử dụng vũ lực để khống chế bắt giữ.
Trong trường hợp này nếu gây thiệt hại cho tên trộm thì cũng sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự theo Điều 24, Bộ luật Hình sự 2015. Nếu tên trộm không gây nguy hiểm cho chủ nhà và người khác mà chủ nhà và người khác lại tự ý sử dụng vũ lực để tấn công, gây thương tích hoặc sát hại kẻ đột nhập thì có thể bị xử lý về tội Giết người hoặc tội Cố ý gây thương tích, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra và tùy thuộc vào hành vi cụ thể.
Nếu trong lúc vật lộn, chống lại sức tấn công của tên trộm mà tên trộm thiệt mạng thì chủ nhà cũng sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự theo Điều 24. Còn nếu tên trộm không tấn công đe dọa chủ nhà bà chủ nhà lại dùng vũ lực, vũ khí sát thương, giết tên trộm thì hành vi của chủ nhà là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật”, luật sư Đặng Văn Cường kết luận.
Việt Hương
Bắt nhóm người trộm 30 con chó mỗi đêm Mỗi đêm nhóm trộm chó dùng bộ kích điện, nỏ cao su bắt hơn 30 con chó ở Hà Tĩnh mang về làm thịt bán ... |
Cảnh sát bắt trộm xe đạp, không ngờ xe đạp của mình lại bị mất trộm Một cảnh sát ở Trung Quốc đã bị đánh cắp chiếc xe đạp đi thuê, sau khi mải bắt nghi phạm trộm xe điện trên ... |
Nông dân đánh chết trộm chó ở Hà Nội có thể bị phạt từ 7 đến 15 năm tù Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, người nông dân đánh chết trộm chó ở Phú Xuyên - Hà Nội có thể bị phạt tù từ ... |