Các điểm bỏ phiếu sớm đầu tiên tại New York, Mỹ đã chứng kiến lượng cử tri lũ lượt kéo về và xếp thành hàng dài để tham gia bầu cử vào ngày 24/10. Song ở nhiều nơi, các cử tri vẫn cho biết họ vẫn chưa chắc chắn với lựa chọn của mình.
Ruth, một cử tri trung tuổi ở bang Florida, trước đây đều bầu cho đảng Cộng hòa, nhưng chưa biết chọn ai trong cuộc bầu cử năm nay.
Ruth, một người đào tạo về phần mềm, cho biết trong 4 năm qua, bà ngày càng không thích Tổng thống Donald Trump. "Tôi chỉ nghĩ về khía cạnh con người, ông ấy không phải người tốt", bà nói.
Tại nhiều điểm bỏ phiếu ở New York, cử tri phải chờ đợi trong nhiều giờ liền. Bên ngoài Thư viện Công cộng Yonkers, người đi bầu cử đứng kín làn đường dành cho người đi bộ để chờ đến lượt bỏ phiếu. |
Hồi tháng 2, bà Ruth đã chuyển sang ủng hộ cho đảng Dân chủ. Ban đầu bà thích nghị sĩ Tulsi Gabbard, nhưng sau đó chuyển sang ủng hộ cho thượng nghị sĩ Amy Klobuchar trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng này. Tuy nhiên, đến giờ, bà không chắc sẽ bỏ phiếu cho ứng viên Joe Biden. "Tôi hiểu bang Florida quan trọng như thế nào đối với cuộc bầu cử và tôi thực sự cảm thấy gánh nặng khi nghĩ lá phiếu của mình quan trọng", bà Ruth nói. "Tôi nghĩ mình luôn muốn bỏ phiếu, nhưng lần này cảm thấy nó thật nặng nề".
New York hiện chỉ có 280 điểm bỏ phiếu sớm. Cử tri được phép đi bầu cử cho đến hết ngày 1/11, sau đó các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa trong 1 ngày trước khi hoạt động trở lại vào ngày bầu cử 3/11. Vào năm 2019, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo đã ký thông qua luật cải cách bỏ phiếu cho phép hoạt động bỏ phiếu sớm lần đầu tiên trên toàn bang. |
Những "ẩn số" như bà Ruth có thể tác động rất lớn tới kết quả bầu cử tổng thống. Như năm 2016, các cử tri quyết định chọn phe vào tuần cuối cùng trước ngày bầu cử ở bang Wisconsin đã giúp Trump giành chiến thắng trước ứng viên Hillary Clinton, với tỷ lệ ủng hộ lần lượt là 59% và 30%, và nhận được 10 phiếu đại cử tri quan trọng.
Thời gian bỏ phiếu sớm của New York ngắn hơn so với nhiều tiểu bang khác. Người dân California bắt đầu bỏ phiếu gần một tháng trước ngày bầu cử, trong khi quãng thời gian bỏ phiếu sớm tại Virginia kéo dài tới 45 ngày. |
Những cử tri chưa quyết định "rất quan trọng khi các cuộc bầu cử sắp kết thúc", theo Michael Frias, giám đốc điều hành công ty dữ liệu đảng Dân chủ Catalist.
"Vấn đề là không rõ điều gì khiến họ chưa quyết định hay họ có bỏ phiếu hay không. Và cũng không rõ điều gì trong chiến dịch tranh cử có thể khiến họ thay đổi", Yanna Krupnikov, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Stony Brook, nói.
Trong cuộc bầu cử sơ bộ tại New York vào tháng 6, hơn 118.000 người đã đi bỏ phiếu sớm, chiếm khoảng 6,7% tổng số phiếu. |
William, ông bố 27 tuổi có hai con ở Missouri, cho biết anh muốn Biden thắng vào tháng 11, nhưng không chắc có thực sự muốn bỏ phiếu cho ứng viên Dân chủ, đặc biệt khi đang sống ở bang được xem như "căn cứ địa" của đảng Cộng hòa. William chia sẻ anh đã thích thượng nghị sĩ Bernie Sanders hơn. "Tôi không thể nói cho bạn về một chương trình chính sách nào của Biden ngoài việc ông ấy không nói những điều ác ý trên Twitter", anh nói.
Về phần Ruth, bà cho biết đã giao cho mình "bài tập về nhà" trong những ngày trước thềm bầu cử, trong đó bà sẽ nghiên cứu về hai đảng để cố gắng chọn một trong ứng viên. "Tôi sẽ cố gắng không để cảm xúc cá nhân ảnh hưởng tới quyết định bỏ phiếu", bà nói.
Nhân viên hỗ trợ tại các điểm bỏ phiếu ở Manhattan và Bronx đã hướng dẫn cử tri thực hiện các quy định giãn cách xã hội, bao gồm việc rửa tay bằng dung dịch sát trùng và hạn chế tiếp xúc gần. |
Dù vẫn còn nhiều cử tri chưa quyết định giống Ruth hay William, nhiều nhà quan sát nhận định số lượng "ẩn số" năm nay ít hơn cuộc bầu cử năm 2016. "Mọi người có lẽ đã hiểu hơn về lựa chọn của họ lần này", John Miles Coleman, phó tổng biên tập trang Sabato’s Crystal Ball của Trung tâm Chính trị Đại học Virginia, cho hay.
Theo phân tích của Nate Silver thuộc FiveThirtyEight, trang web chuyên phân tích các dữ liệu thăm dò, khoảng 13% cử tri trong ngày bầu cử năm 2016 chưa quyết định hoặc có ý định bỏ phiếu cho ứng viên đảng thứ ba, trong khi giai đoạn đầu cuộc bầu cử, con số này lên tới 20%. Tỷ lệ này lớn hơn nhiều so với 4 năm trước đó, khi chỉ có 4% cử tri chưa quyết định lựa chọn giữa Barack Obama và Mitt Romney vào thời điểm bỏ phiếu.
Cuộc bầu cử năm 2020 có phần giống năm 2012 hơn 2016, khi các cuộc khảo sát chỉ ra đa số cử tri nói họ đã quyết định và sẽ không thay đổi. "Điều này giúp giảm khả năng xảy ra biến động lớn đối với một ứng viên vào cuối chặng đua hoặc sẽ là một biến động muộn", Dave Wasserman, biên tập viên của Cook Political Report, nhận định.
Phụ tá hỗ trợ bầu cử Ronald Green tiến hành vệ sinh phòng bỏ phiếu ở Quảng trường Madison. |
Wasserman thêm rằng năm nay các cử tri chưa quyết định chủ yếu ở nhóm người trẻ và người Mỹ gốc Tây Ban Nha.Trong khi đó, Coleman nhận định các cử tri không thích cả hai ứng viên năm nay sẽ là một bộ phận quan trọng của nhóm chưa quyết định. Năm 2016, nhóm này đã góp phần mang tới chiến thắng cho Trump, nhưng lần này họ có vẻ nghiêng về Biden, theo Emily Stewart, biên tập viên của Vox.
Sam Evans, 26 tuổi, từng phục vụ trong lực lượng Không quân Mỹ và hiện sống ở Oregon, nằm trong nhóm không thích cả hai ứng viên. Anh cho biết mình rất không thích Trump nhưng cũng thấy "ghê tởm" các thành viên Dân chủ, đồng thời cảm thấy họ đấu tranh không đủ cho các vấn đề mà anh quan tâm. "Tôi sẽ tôn trọng đảng Dân chủ nhiều hơn nếu họ cũng đồng lòng đấu tranh như cách mà Cộng hòa làm", Evans nói.
Evans thêm rằng anh muốn Biden thắng, nhưng không biết liệu có bỏ phiếu cho ông ấy hay không. "Tôi không cảm thấy ông ấy có thể giành được lá phiếu của tôi. Nhưng dù cả triệu năm nữa, tôi cũng bao giờ bỏ phiếu cho Trump", anh nói.
Bill Fleming, 27 tuổi ở Atlanta, cho biết anh bỏ phiếu cho đảng thứ ba trong cuộc bầu cử năm nay, bởi không tin Trump và Biden có khác biệt về cách điều hành đất nước.
Kami, 28 tuổi, đến từ Texas, tới giờ vẫn chưa quyết định bỏ phiếu cho ai. Cô không để tâm nhiều tới chính trị, nhưng rất quan tâm tới chăm sóc sức khỏe. Cô cho biết mình đang nghiêng về Biden nhiều hơn, nhưng điều này có thể thay đổi. "Tôi có cảm giác Trump đang cất giấu điều bất ngờ gì đó", Kami nói.
Những cử tri chưa quyết định thường là người quyết định sau cùng và mọi người sẽ không biết lá phiếu của họ quan trọng ra sao cho tới khi bầu cử kết thúc, theo Stewart, biên tập viên của Vox. Tổng thống Trump từng thắng lớn với nhóm cử tri quyết định muộn trong cuộc bầu cử năm 2016. Nhiều người cho rằng kịch bản này khó có thể lặp lại. Nhưng không có gì là không thể.
Tại một số điểm bỏ phiếu, lượng cử tri quá lớn buộc một số người phải tập trung bên ngoài và trên đường phố để đảm bảo giữ khoảng cách 2 m. |
"Chúng tôi chưa thể biết cuộc bầu cử sẽ kết thúc như thế nào. Để nói rằng các cử tri chưa quyết định sẽ không tạo ra vấn đề gì lớn, chúng tôi sẽ phải biết chính xác họ phân bổ ở các tiểu bang như thế nào", Krupnikov cho hay.
Kim Roberts, cử tri 54 tuổi ở Florida, nói với những người thăm dò rằng bà chưa quyết định. Bà Robert luôn là cử tri trung thành với đảng Dân chủ, trước cuộc bầu cử năm 2016, thời điểm quyết định chuyển sang ủng hộ Trump. Nhưng Robert chia sẻ năm nay nhiều khả năng bà vẫn bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa, khi không đánh giá cao phần thể hiện của ứng viên Biden.
Cử tri xếp hàng chờ tại điểm bỏ phiếu ở Houston Street. Hoạt động bỏ phiếu trực tiếp cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã bắt đầu trên khắp tiểu bang New York từ ngày 24/10 tại các điểm bỏ phiếu bao gồm Quảng trường Madison ở Manhattan và Trung tâm Barclays của Brooklyn, nơi đội bóng rổ Brooklyn Nets thi đấu. |
Giới quan sát thêm rằng có thể cử tri chưa quyết định sẽ không đi bỏ phiếu. Giống như Kami, cô từng không bỏ phiếu năm 2016. "Tôi không nghĩ đó là vấn đề gì lớn", cô nói. Nhưng Kami tin năm nay mình sẽ đi bỏ phiếu.
Nhiều chuyên gia cho rằng các đảng nên tập trung nhiều hơn vào nhóm ủng hộ vững chắc của họ, trong khi một số khác khuyên nên hướng tới các cử tri dao động và nhóm có thể thuyết phục. Tuy nhiên, làm thế nào để có thể thuyết phục các cử tri chưa quyết định không phải là vấn đề dễ dàng, theo Emily Stewart. Biên tập viên của Vox chia sẻ từng nói chuyện với nhiều cử tri chưa quyết định và nhận thấy nhiều người không thích Trump, nhưng cũng không có cái nhìn tích cực với Biden.
Dòng người chờ đợi để bỏ phiếu kéo dài gần nửa km bên ngoài Quảng trường Madison của Manhattan, nơi lần đầu được dùng làm địa điểm bỏ phiếu. |
Đó là trường hợp của Dwight Flakes, cử tri da màu 40 tuổi ở Cleveland, người cho rằng chiến dịch của ứng viên Dân chủ rất "hời hợt" với cử tri da màu. "Tôi cảm thấy phiền với những người nói rằng hãy bỏ phiếu cho Biden để đưa Trump rời khỏi đây. Mọi người đang quên mất những điều từng giúp đưa Trump vào Nhà Trắng. Họ cũng quên mất những gì thực tế đang xảy ra", Flakes nói.
Flakes cho biết không thích Trump nhưng cũng không bỏ phiếu cho Biden chỉ vì muốn phản đối Tổng thống. "Joe Biden nói rằng ông ấy có thể làm việc với những người của đảng đối lập. Đến bao giờ ông ấy mới hiểu họ không bao giờ quan tâm tới việc bắt tay với Joe Biden?", Flakes cho hay.
Cuộc khảo sát của Vice News/Ipsos thực hiện hồi cuối tháng 9 tới đầu tháng 10 cho thấy gần 3/4 người tham gia cho biết họ tin nền Dân chủ Mỹ đã bị "phá vỡ" và 2/3 nói rằng các chính trị gia và đảng phái "không quan tâm tới người dân như họ". Tuy nhiên, hơn 80% nói rằng họ nhiều khả năng vẫn đi bỏ phiếu.
Biên tập viên Emily Stewart cho rằng sẽ không ai biết điều gì có thể thay đổi quyết định của các cử tri chưa bỏ phiếu. Stewart cho biết từng nói chuyện với Sarah, một phụ nữ ngoài 30 tuổi ở Wisconsin, người chưa quyết định bỏ phiếu cho ai. Nhưng mới đây khi gọi điện lại, Sarah cho biết cô đã quyết định và bỏ phiếu qua thư.
Sarah chia sẻ cô thay đổi suy nghĩ nhờ vào bài đăng Facebook có nội dung: "Phiếu bầu không phải là món quà valentine, bạn không thể hiện tình yêu với ứng viên. Đó là nước cờ cho thế giới mà bạn muốn sống". Tuy nhiên, Sarah không bao giờ nói cô đã chọn ai trong cuộc bầu cử này.
Phóng viên (t/h)