Ngoài các biện pháp an ninh tối đa, các cánh cửa trong trại giam này đều được cách âm để ngăn chặn những phần tử Hồi giáo bị cầm tù cố gắng cực đoan hóa các tù nhân khác. Đầu tháng 2-2022, Bộ trưởng Tư pháp Anh Dominic Raab đã có chuyến thăm trại giam Frankland ở Durham (miền Bắc nước Anh) đặc biệt này. Bên trong nó còn có một trung tâm biệt giam hay còn gọi là “nhà tù trong nhà tù”. Giống như một khu an dưỡng có an ninh ở mức cao, trại giam còn có một đơn vị tình báo chống khủng bố đi kèm.
Hành lang và phòng trong khu biệt giam đầu tiên chuyên dành cho tù nhân khủng bố ở Anh |
Lựa chọn khả dĩ nhất với tù nhân khủng bố
Thoáng nhìn, phòng giam dành cho đối tượng khủng bố ở Anh không có vẻ gì đặc biệt. Nó có diện tích khoảng 2,5m x 1,5m, giường đơn, nệm mỏng màu xanh, toilet, bồn rửa, bàn gỗ. Nhưng cửa ra vào và cửa sổ đều được cách âm. Vì là nhà tù chuyên dụng đầu tiên của nước Anh nên các biện pháp an ninh được thiết kế tối đa để giam giữ những kẻ cực đoan cũng như ngăn chặn các tư tưởng cực đoan truyền bá ra ngoài.
Tù nhân của nơi này có một số nhân vật khét tiếng mà báo chí truyền thông đã khai thác nhiều. Trong số đó có Hashem Abedi, kẻ đang chịu án chung thân do đã giúp chế tạo bom trong vụ đánh bom liều chết ở buổi biểu diễn ca nhạc tại sân vận động Manchester Arena hồi tháng 5-2017. Một quản lý trại giam cho biết, cơ sở này là “lựa chọn khả dĩ nhất” để xử lý các tù nhân vì mục tiêu “bảo vệ nhiều người khỏi số ít các phần tử nguy hiểm”.
Trong nhiều năm, người ta vẫn nghĩ trại giam tại Frankland (được thành lập năm 2017) là cơ sở duy nhất thuộc loại này đang hoạt động ở Anh. Nhưng thực tế, trại giam khác là Woodhill ở Milton Keynes hiện đang hoạt động với mô hình tương tự và một khu biệt giam khác tại nhà tù Full Sutton gần York đang ở chế độ chờ đi vào hoạt động. Bộ trưởng Tư pháp Anh Dominic Raab tiết lộ, nhà chức trách đang có kế hoạch mở rộng hơn. Động thái này diễn ra sau một số vụ tấn công khủng bố xuất phát từ các đối tượng trong nước như Usman Khan (kẻ đã sát hại 2 người trong vụ tấn công trên cầu London vào tháng 11-2019) hay Sudesh Amman (đối tượng dùng dao gây náo loạn Streatham, Nam London vài tháng sau đó). Đó là chưa kể ngoài gần 220 tội phạm khủng bố hiện đang ở trong các nhà tù ở Vương quốc Anh, một số lượng tương tự được coi là “có nguy cơ bị cực đoan hóa”.
“Các trung tâm biệt giam rất quan trọng trong việc cô lập những kẻ phạm tội cực đoan nhất, những kẻ tìm cách đầu độc tâm trí của các tù nhân khác bằng ý thức hệ đồi bại của chúng. Tôi muốn giúp các nhà tù dễ dàng đưa những kẻ săn mồi nguy hiểm này vào các trung tâm biệt giam để ngăn chúng tuyển mộ thêm phần tử khủng bố. Rõ ràng vai trò của các trung tâm biệt giam như thế sẽ tăng lên” - Bộ trưởng Raab tuyên bố.
Hashem Abedi, một trong số tội phạm khủng bố đang ở trong khu biệt giam ở trại Frankland gần Durham, miền Bắc nước Anh |
Giống khu an dưỡng có an ninh ở mức cao
Nhìn từ bên ngoài, trại giam Frankland nằm dọc con đường có hàng rào cây cối yên tĩnh, giống như một công ty vô danh. Du khách đến trung tâm biệt giam trong nhà tù phải đối mặt với vô số kiểm tra an ninh công nghệ cao như: lấy dấu vân tay, máy quét kiểu sân bay, khám xét vật dụng nguy hiểm có thể mang theo người… Các nhà vận động nhân quyền đã ví các trung tâm biệt giam này giống như cơ sở giam giữ tại trại X-Ray ở vịnh Guantanamo, nhưng ban giám thị Frankland cho hay, những người ở đây đã coi các quy định như thói quen hàng ngày. “Hầu hết những đối tượng này đều được đối đãi tốt. Có người dọn dẹp phòng cho họ và đảm bảo mọi thứ ngăn nắp, họ cũng có người phụ trách đồ ăn riêng” - một nhân viên quản giáo cho biết. Tù nhân có thể gọi nguyên liệu và tự nấu bữa ăn cho mình. Đồ dùng của họ bằng nhựa màu đỏ tươi, được đánh số và cất trong tủ kính treo trên tường ở văn phòng quản giáo. Vì thế nó phải được trả lại sạch sẽ sau khi sử dụng.
Hành lang ở đây là những bức tường gạch màu be và được giám sát bằng camera. Tất cả đều sạch sẽ với cửa ra vào được sơn màu xanh lá cây, nó có cảm giác như một khu an dưỡng có an ninh ở mức cao. Khi Bộ trưởng Raab sải bước dọc hành lang, những tiếng hét phát ra sau cánh cửa phòng giam cho thấy rằng tin tức về chuyến thăm của ông đã lan rộng. Phòng sinh hoạt chung của khu vực này có tivi, bàn bi-a, giá sách với một số tác phẩm văn học kinh điển và cả tiểu thuyết giả tưởng. Những kẻ khủng bố được hưởng các quyền lợi tương tự như các tù nhân thông thường, bao gồm được thăm nuôi 2 tuần/lần, có người được phép sử dụng đĩa CD hoặc máy chơi game. Bọn họ có thể tiếp xúc với nhau trong cùng khu, nhưng không được phép tiếp cận với các tù nhân khu khác. Nơi này cũng có một sân tập thể dục nhỏ được bao bọc bởi hàng rào kim loại ở tất cả các phía. Mái của sân gắn hệ thống báo động và dây điện để ngăn chặn khả năng bỏ trốn bằng máy bay trực thăng. Sân có lưới bóng rổ trên diện tích một sân bóng đá, mặc dù các tù nhân chỉ thích đi lại xung quanh.
Đơn vị tình báo chống khủng bố đi kèm
Một giám thị chia sẻ, ban đầu khi khu biệt giam này đi vào hoạt động vào năm 2017, họ lo sợ nó sẽ trở thành “ác mộng sống”. Trước thời điểm năm 2019, đã có một số cuộc tấn công nhằm vào các giám thị nhưng kể từ đó đến nay, mọi việc diễn ra khá yên ổn. Các tù nhân trước đây từng từ chối hợp tác với các chương trình cải tạo thì nay một số đã dễ tiếp thu hơn. “Chúng tôi cố gắng giảm thiểu sự tiếp xúc của họ với nhau. Quan điểm của những người này thường rất bảo thủ và khó thay đổi. Họ thường không có triển vọng để trở lại một cuộc sống bình thường” - một quản lý trại giam nhận xét.
Một đơn vị tình báo chống khủng bố đã được thành lập tại trại giam này. Các chuyên gia xây dựng một bức tranh phức tạp về những kẻ phạm tội khủng bố sau song sắt và không chỉ ở Frankland mà còn ở các nhà tù khác trên khắp đất nước. Nhóm nghiên cứu làm việc trong một văn phòng gần phòng Giám đốc trại, trong đó họ treo biểu đồ về 5 tù nhân cực đoan được giữ ở trung tâm biệt giam. Họ cũng nắm giữ hồ sơ của hơn 100 kẻ khủng bố bị kết án trên khắp đất nước. Nhân viên và các chuyên gia tâm lý học thường xuyên trao đổi thông tin để theo dõi các mối quan hệ giữa những kẻ cực đoan và đảm bảo những người khác không rơi vào quỹ đạo của chúng.
Gavin O’Malley - cựu Giám đốc trại giam Frankland hiện đang giám sát 5 nhà tù loại A ở miền Bắc nước Anh cho biết, các giám thị ở đây phải thường xuyên cảnh giác với những chi tiết nhỏ nhất. Họ phải cố gắng hiểu điều gì đang xảy ra, liệu nó có bất kỳ thay đổi nào theo chiều hướng xấu hay không. Ông Gavin O’Malley kể, những nhóm chung nhất ở đây thường gồm các băng đảng truyền thống và tội phạm có tổ chức, những kẻ khủng bố cực hữu và các nhóm Hồi giáo có tổ chức hơn. Trong một trường hợp cá biệt, các nhân viên giám thị đã phát hiện ra rằng, băng đảng xã hội đen đã tìm cách liên minh với những tên tội phạm khủng bố nổi tiếng, xác định đó là một cơ hội kinh doanh. “Đó là bởi vì tội phạm khủng bố sẽ ảnh hưởng, làm lung lay một nhóm lớn tù nhân. Điều đó có thể có lợi cho nhóm tội phạm có tổ chức trong nhà tù, nhưng rất may chúng tôi đã sớm phát hiện ra” - ông O’Malley giải thích với Bộ trưởng Raab.
“Các trung tâm biệt giam rất quan trọng trong việc cô lập những kẻ phạm tội cực đoan nhất, những kẻ tìm cách đầu độc tâm trí của các tù nhân khác bằng ý thức hệ đồi bại của chúng. Tôi muốn giúp các nhà tù dễ dàng đưa những kẻ săn mồi nguy hiểm này vào các trung tâm biệt giam để ngăn chúng tuyển mộ thêm phần tử khủng bố. Rõ ràng vai trò của các trung tâm biệt giam như thế sẽ tăng lên”. Bộ trưởng Tư pháp Anh Dominic Raab |
(Theo Daily Mail)
Cảnh sát Anh: Vụ đâm nghị sĩ Amess là tấn công khủng bố Tối 15/10, cảnh sát Anh tuyên bố vụ tấn công nghị sĩ David Amess là hành vi khủng bố, sau khi ông bị đâm nhiều ... |
Tướng Mỹ cảnh báo al-Qaeda có thể tấn công Mỹ trong 2 năm tới Quan chức tình báo Mỹ thừa nhận, al-Qaeda có thể trở thành mối đe dọa, tấn công nước nước này trong vòng một đến hai ... |