Tại tỉnh Hà Tĩnh, từ nhiều năm nay đang xảy ra tình trạng nhiều bến xe được đầu tư tiền tỉ, thậm chí hàng trăm tỉ đồng nhưng không có xe khách vào bến, “lốt” vắng tanh. Trong khi đó, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải đã ngang nhiên lập “bến cóc” để đón trả khách, gây mất an ninh trật tự và trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Đầu tư hàng trăm tỉ xây bến xe rồi bỏ hoang
Năm 2014, dự án Bến xe Cẩm Xuyên được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt đầu tư, với tổng số vốn đầu tư gần 30 tỉ đồng, được xây dựng trên diện tích 5.000m2, do Ban Quản lý Bến xe khách Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Dự án được kỳ vọng là một trong những hạng mục hạ tầng giao thông rất quan trọng, phục vụ đắc lực cho nhu cầu vận tải, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trên tuyến quốc lộ 1A. Qua đó, góp phần hạn chế cảnh xe dù bến cóc, bảo đảm an toàn giao thông, môi trường và an ninh trật tự trên địa bàn.
Tuy vậy, sau hơn 1 năm triển khai xây dựng, khi hoàn thành các hạng mục nhà điều hành bán vé và khuôn viên bao quanh thì công trình này dừng lại do thiếu vốn. Huyện Cẩm Xuyên cũng đã đưa bến xe vào hoạt động, nhưng chỉ được một thời gian rất ngắn thì đóng cửa do lượng người, phương tiện không có, dẫn đến bến xe rơi vào cảnh đìu hiu, vắng khách, không phương tiện ra vào. Đến nay, các hạng mục này đã xuống cấp trầm trọng, xung quanh khuôn viên bến xe cỏ mọc um tùm.
Tương tự, năm 2010 bến xe khách huyện Can Lộc được đầu tư trên diện tích 10.000m2, nằm cạnh quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc. Dự án được thực hiện theo hình thức xã hội hóa do Công ty CP Đầu tư thương mại và Dịch vụ tổng hợp Thanh Cường thực hiện. Tuy nhiên, dự án xây dựng dở dang, công ty đứng trước nguy cơ vỡ nợ nên đã xin bán lại cây xăng do một đơn vị khác khai thác. Từ nhiều năm nay, bến xe đã ngừng hoạt động, thậm chí một phần đất bến xe đã chuyển đổi mục đích do không có xe vào bến, cơ sở hạ tầng cũng xây dựng manh mún, dở dang.
Năm 2019, khi về đích Nông thôn mới, huyện Can Lộc buộc phải “nợ” tiêu chí bến xe huyện, và đến nay khoản nợ này vẫn chưa “trả” được. Cũng nằm trên trục quốc lộ 1A, cách bến xe Can Lộc khoảng 5km là Bến xe Hồng Lĩnh, được đầu tư xây dựng trên diện tích 15.000m2 bám quốc lộ 1A. Với tổng mức đầu tư gần 6 tỉ đồng để xây dựng hệ thống sân bãi, phòng vé, khu vực nhà chờ khang trang…
Bến xe Hồng Lĩnh được kỳ vọng là cửa ngõ đón khách phía Bắc của tỉnh với hàng trăm lượt xe ra vào mỗi ngày. Tuy vậy, từ khi đi vào hoạt động đến nay, bến xe Hồng Lĩnh luôn trong cảnh vắng khách. Một số hạng mục công trình hư hỏng, xuống cấp, cỏ cây mọc um tùm. Thậm chí, nhiều năm gần đây quản lý bến đã cho một đơn vị xây dựng “mượn” khuôn viên phía sau để tập kết vật liệu, máy móc.
Năm 2015, Bến xe trung tâm TP Hà Tĩnh là dự án đầu tiên trên địa bàn tỉnh được triển khai theo hình thức xã hội hóa, do Công ty CP bến xe Hà Tĩnh đầu tư với tổng mức đầu tư trên 100 tỉ đồng. Dự án có diện tích 20.000m2, với công suất khai thác dự kiến sẽ phục vụ lên tới 800 xe/ngày đêm, có các bãi đỗ xe quốc tế, liên tỉnh, nội tỉnh và các công trình phụ trợ, đạt tiêu chuẩn bến xe loại 1 theo quy định của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).
Tuy vậy, sau hơn 7 năm đưa vào khai thác, đến nay bến xe này chỉ mới tiếp nhận phục vụ 152 đầu xe, hoạt động trên 24 tuyến của 34 doanh nghiệp đến đăng ký, trong đó có 2 doanh nghiệp Lào. Tương tự như vậy, tại các tuyến huyện tình trạng bến xe không có xe vào bến cũng xảy ra ở nhiều nơi, như bến xe khách các huyện Hương Sơn, Đức Thọ, Hương Khê… dẫn đến bến xe nhếch nhác, hoang hóa, cho thuê để sử dụng vào các mục đích khác.
Doanh nghiệp ngang nhiên lập “bến cóc”
Trước thực trạng các bến xe xuống cấp, hoạt động không hiệu quả, từ năm 2016 UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt phương án giải thể và bán đấu giá các bến xe thuộc Ban Quản lý bến xe khách Hà Tĩnh, thu hồi đất để thực hiện bán đấu giá tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện được, lý do của sự chần chừ này, theo Sở GTVT là do nhiều lần thay đổi về phương án bán, giảm số lượng các bến không nằm trong quy hoạch.
Bên cạnh đó, do Luật Quản lý, sử dụng tài công ban hành, sửa đổi và có hiệu lực dẫn đến các nội dung tại quyết định phê duyệt của tỉnh Hà Tĩnh không phù hợp với quy định hiện hành. Thậm chí, Sở GTVT Hà Tĩnh còn đề nghị dừng việc triển khai các nội dung về giải thể và bán đấu giá các bến xe để chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
Theo quy hoạch, Hà Tĩnh sẽ có 14 bến xe, đến nay chỉ mới có 8 bến đang hoạt động, hai bến xe đã đầu tư nhưng không hoạt động và các bến còn lại đang đề xuất quy hoạch. Giai đoạn 2011 - 2017, Hà Tĩnh đã đầu tư xây dựng 4 bến xe với tổng mức đầu tư gần 100 tỉ đồng, nhưng hiệu quả hoạt động tại các bến xe còn thấp.
Nguyên nhân của việc các bến xe trên địa bàn Hà Tĩnh được đầu tư, nâng cấp nhưng thưa thớt người và phương tiện ra vào bến, theo lý giải của các nhà quản lý là do các tuyến xe khách trên địa bàn đều có điểm bán vé riêng, xe buýt phát triển dẫn đến các tuyến xe cố định ngừng hoạt động nên lượng xe ra vào các bến giảm rõ rệt.
Tuy vậy, có một thực tế là hiện nay, Hà Tĩnh đang có lượng xe khách chạy liên tỉnh lớn nhất trong các tỉnh miền Trung, trong đó riêng tuyến Hà Tĩnh - Hà Nội có 36 nhà xe, trung bình mỗi ngày có gần 80 chuyến. Ngoài ra, các tuyến đi Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn hằng ngày đều có hàng chục lượt xe đi và đến. Mặc dù vậy, các nhà xe này đã không vào các bến xe để đón, trả khách theo quy định, mà chủ yếu vào bến lấy “lốt” rồi ra đường “hốt” khách, hoặc ngang nhiên lập các “bến cóc” ở ngay bên ngoài cổng bến xe để hoạt động.
Đơn cử, trên đường Hàm Nghi, TP Hà Tĩnh ngay phía trước Bến xe trung tâm TP Hà Tĩnh, từ nhiều năm nay nhà xe Dũng Minh (Công ty TNHH Dũng Minh) và nhà xe Phú Quý (Công ty cổ phần Phú Quý) ngang nhiên lập 2 “bến cóc” dưới danh nghĩa là văn phòng nhà xe để làm điểm đón, trả khách sai quy định. Hai nhà xe này chạy tuyến Hà Tĩnh - Hà Nội nên hoạt động rầm rộ chủ yếu từ sau 21h hằng ngày.
Thời điểm nói trên, rất đông người nhà hành khách chở người thân ra đón xe, có những thời điểm dừng, đỗ lấn chiếm ngay giữa lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ về mất trật tự an toàn giao thông. Tình trạng này xảy ra đã nhiều năm nay, bất luận việc đón, trả khách sai địa điểm quy định nhưng không bị lực lượng chức năng xử lý.
Ngoài 2 nhà xe nói trên, trên địa bàn TP Hà Tĩnh còn có một số đơn vị vận tải hành khách chạy tuyến cố định khác như nhà xe Sơn Mỹ, Vân Truyền, Thành Đạt, Trường Vịnh... cũng lập các điểm đón, trả khách sai quy định. Vị trí mà các đơn vị này lập “bến cóc” thường là trụ sở, văn phòng nhà xe, cây xăng hoặc dọc một số tuyến đường.
Theo quy định, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định thì phải đăng ký luồng tuyến và vào bến xe để đón, trả khách hay gửi nhận hàng hóa. Tuy nhiên, tại Hà Tĩnh, hầu hết các nhà xe thay vì vào bến xe đã lại tự ý lập “bến cóc” sai quy định. Nếu buộc phải vào bến thì chỉ để hợp thức hóa giấy tờ.
Theo số liệu từ Thanh tra Sở GTVT Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay, Thanh tra giao thông đã lập biên bản xử phạt hành chính 12 trường hợp vi phạm đón, trả khách sai quy định với số tiền 18 triệu đồng đối với các nhà xe khai thác tuyến đón trả khách cố định.
Để chấm dứt tình trạng nhà xe lập “bến cóc” sai quy định thì tới đây, Thanh tra giao thông sẽ tuyên truyền, cho nhà xe ký cam kết không vi phạm. Trường hợp vẫn cố tình vi phạm sẽ kiên quyết xử lý nghiêm, thậm chí xem xét việc tước giấy phép kinh doanh nếu tái phạm nhiều lần.
https://cand.com.vn/Ban-doc-cand/ben-xe-tien-ti-diu-hiu-ben-coc-tap-nap-i664835/