34 em bé Hà Nội được ghi nhận mắc bệnh sởi trong hai tháng qua, một bé tử vong và bệnh đang có xu hướng tăng.
 

Ngày 3/11, chia sẻ tại hội nghị phòng chống dịch bệnh mùa đông - xuân, tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận khoảng 230 ca sởi, giảm 28% so cùng kỳ năm ngoái. Bệnh nhân tập trung ở các tỉnh phía Bắc (100 ca), trong đó nhiều nhất tại Hà Nội (45 bệnh nhi), sau đó là Hải Dương (17 ca), Nghệ An (8 trường hợp)… Cả nước chỉ có một bệnh nhi Hà Nội tử vong do sởi.

Bệnh sởi tấn công nhiều em bé Hà Nội

Trong hai tháng qua số bệnh nhi sởi tăng nhẹ tại Hà Nội. Thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, các ca sởi xuất hiện rải rác tại 21 quận huyện. Các tháng đầu năm thủ đô ghi nhận 1-3 bệnh nhân, đến tháng 8 tăng lên 6 bé; tháng 9, 10 đến 15-16 ca bệnh.

Theo tiến sĩ Phu, mùa đông xuân là thời điểm dễ bùng phát các bệnh lây qua đường hô hấp trong đó có sởi. Bên cạnh đó, trong 3-4 năm qua tỷ lệ tiêm ngừa sởi đạt 97%, nghĩa là vẫn còn 3% trẻ không được tiêm chủng nên dễ mắc bệnh, cần tập trung tiêm vét.

Năm 2014, dịch sởi bùng phát tại Hà Nội với hơn 1.700 ca, 14 người tử vong. Sau đó nhờ đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, số ca bệnh giảm dần. Năm 2015 ghi nhận 39 ca, năm 2016 chỉ có 3. Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, để chủ động phòng chống dịch bệnh, trong tháng 11 Hà Nội tiến hành rà soát đối tượng tiêm chủng trên toàn thành phố; tổ chức tiêm bổ sung hàng tuần; tiêm chủng thường xuyên hàng tuần tại trạm y tế xã...

Sởi là bệnh lành tính, tùy từng bệnh nhân mà diễn biến nặng hay nhẹ. Trường hợp biến chứng viêm phổi nhẹ, bệnh nhân chỉ điều trị 3-5 ngày. Trẻ bị viêm phổi nặng suy hô hấp thì có thể nằm viện hai tuần.

Dấu hiệu bệnh là trẻ sốt, phát ban dạng sởi bắt đầu từ mặt sau đó lan dần đến chân tay kèm theo viêm kết mạc mắt, viêm đường hô hấp. Khi đó, trẻ nên được cách ly ở nhà; chăm sóc, dinh dưỡng thật tốt; hạ sốt, nằm nơi thoáng mát, tránh gió lùa. Nếu bé sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều, có viêm phổi, suy hô hấp... nên đưa đến bệnh viện để tránh biến chứng. Phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ khi dùng kháng sinh và chỉ dùng khi có biến chứng bội nhiễm vi khuẩn.

Tiêm phòng là cách hiệu quả vừa phòng bệnh cho trẻ vừa tạo miễn dịch bền vững, để khi thế hệ này trưởng thành, đến tuổi sinh đẻ có đủ miễn dịch truyền cho con.

Bác sĩ \'mai phục\' bắt con đỉa trong họng người phụ nữ câm điếc
Đừng để con em bạn chết vì sởi, rubella!
Vừa khống chế sốt xuất huyết, Hà Nội lại có 1 ca tử vong do sởi

https://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/benh-soi-tan-cong-nhieu-em-be-ha-noi-3665097.html

/ Theo Nam Phương/Vnexpress