Sau 10 năm khởi công xây dựng, Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam chưa được đưa vào sử dụng, vẫn là những khối nhà bỏ hoang.

Quá tải bệnh viện là vấn đề nan giải trong ngành y tế nhiều năm nay, số giường bệnh trên một vạn dân của nước ta vẫn ở mức thấp trong khu vực. Năm 2014, xác định giảm tải bệnh viện tuyến cuối là vấn đề cấp bách, Chính phủ đồng ý cho phép xây 2 bệnh viện Trung ương tại Hà Nam với tổng số tiền đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng, sau 10 năm thi công đến nay cơ sở nghìn tỷ vẫn bỏ hoang.

Cắt băng khánh thành xong đóng cửa

Tháng 12/2014, Bộ Y tế và UBND tỉnh Hà Nam tổ chức lễ khởi công dự án xây mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Hai cơ sở này nằm cạnh tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, thuận lợi trong việc tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân. Mục tiêu phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân các tỉnh Bắc Trung Bộ và một số tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 2/2016 với việc đưa khoa Khám bệnh ngoại trú 200 giường bệnh đi vào hoạt động. Đến cuối năm 2017 đưa vào sử dụng toàn bộ 2 bệnh viện, với quy mô 1.000 giường bệnh/bệnh viện, tổng mức đầu tư của mỗi cơ sở lên tới hơn 4.500 tỷ đồng.

Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 chỉ dừng ở giai đoạn cắt băng khánh thành, chưa từng tiếp nhận bệnh nhân. (Ảnh: N.Loan)

Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 chỉ dừng ở giai đoạn cắt băng khánh thành, chưa từng tiếp nhận bệnh nhân. (Ảnh: N.Loan)

Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai được đầu tư xây mới thành bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hiện đại để chữa các bệnh nặng, chuyên khoa sâu như: tim mạch, nội khoa, ung bướu, thận tiết niệu, hô hấp; đáp ứng khoảng 5.000 lượt khám mỗi ngày, với tổng diện tích sàn xây dựng trên 123.000m2, được xây dựng gồm 1 tầng hầm và 6 tầng nổi.

Cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức được đầu tư thành bệnh viện ngoại khoa hoàn chỉnh chữa trị các chấn thương xương, sọ, não, đầu mặt, cổ, lồng ngực, cột sống; vi phẫu tim mạch nhi; đáp ứng 3.500 lượt khám mỗi ngày, tổng diện tích sàn xây dựng trên 125.000m2, được xây dựng gồm 1 tầng hầm và 9 tầng nổi.

Sau 4 năm xây dựng, ngày 21/10/2018, khu khám bệnh của cả hai cơ sở này được khánh thành. Tuy nhiên, chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 được đưa vào sử dụng từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020, sau đó thông báo tạm thời dừng hoạt động. Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 chỉ tạm dừng ở cắt băng khánh thành, chưa từng tiếp nhận bệnh nhân.

Được kỳ vọng sẽ là hai bệnh viện lớn, hiện đại và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế, giải quyết bài toán quá tải các bệnh viện tuyến Trung ương. Tuy nhiên, đến nay (tháng 11/2024) dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức tổng mức đầu tư vài nghìn tỷ đồng chưa hoàn thiện, vẫn là những khối nhà bỏ hoang, nhiều khu vực phụ trợ được xây dựng dang dở xuống cấp, một số khu vực tường bị bong tróc phủ rêu, sân, vườn cỏ dại mọc um tùm, trở nên hoang hóa.

Vì sao hai bệnh viện chưa thể hoạt động?

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân dẫn đến 2 dự án chậm tiến độ là do chưa lường hết được các phát sinh trong quá trình triển khai dự án, nhất là việc thực hiện các quy định trong đầu tư xây dựng cơ bản, vướng mắc trong thực hiện các hợp đồng và thanh quyết toán, giải ngân vốn.

Đại diện Ban Quản lý dự án cho biết, trong quá trình xây dựng có nhiều điều chỉnh, thay đổi nhiều hạng mục theo ý kiến của 2 bệnh viện như thay đổi hệ thống điều hòa, nước nóng, số lượng điều hòa, khu vực nội trú cho y bác sĩ nên thời gian thực hiện bị vượt quá.

Sau 10 năm khởi công, hiện dự án vẫn là những khối nhà bỏ hoang. (Ảnh: N.Loan)

Sau 10 năm khởi công, hiện dự án vẫn là những khối nhà bỏ hoang. (Ảnh: N.Loan)

Trong kiến nghị gửi sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, cử tri tỉnh Hà Nam tiếp tục đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương đưa Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 đi vào hoạt động. Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân tỉnh này nói riêng và các tỉnh trong khu vực nói chung.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, để sớm hoàn thành các hạng mục, đưa cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vào hoạt động, ngày 21/2/2023, Thủ tướng quyết định thành lập Tổ công tác rà soát khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư dự án.

Tổ công tác đã tổ chức nhiều cuộc họp để thảo luận và hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả rà soát, trình Chính phủ, nêu rõ các khó khăn, vướng mắc và phương án khắc phục trong việc thực hiện dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Đến nay, tổ công tác, Bộ Y tế rà soát, đánh giá toàn diện các vấn đề pháp lý và kỹ thuật liên quan đến dự án, những khó khăn vướng mắc, tồn tại của việc triển khai thực hiện dự án, làm việc với các nhà thầu và đưa ra phương án xử lý, báo cáo Chính phủ để có hướng giải quyết những vướng mắc và tiếp tục triển khai dự án đúng tiến độ.

Bộ trưởng Lan cho biết, trong thời gian tới, Bộ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan nghiên cứu các phương án trình Chính phủ từng bước giải quyết các vấn đề nhằm đưa Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam đi vào hoạt động để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân.

Bệnh viện Bạch Mai hiện mỗi ngày tiếp nhận điều trị cho 6.000 - 8.000 bệnh nhân ngoại trú, khoảng 4.000 giường bệnh nội trú, luôn trong tình trạng quá tải. Bệnh viện Việt Đức mỗi ngày cũng tiếp nhận hơn 1.000 lượt khám chữa bệnh, một năm mổ hơn 70.000 ca chủ yếu là chấn thương nặng, phức tạp, đa chấn thương. Việc sớm đưa cơ sở 2 của 2 bệnh viện vào hoạt động sẽ góp phần giảm tình trạng quá tải cho cơ sở tại Hà Nội. 

Như Loan / VTC News