Các nữ nhân viên trong bộ máy chính phủ Afghanistan cho biết họ thường xuyên bị cấp trên lạm dụng nhưng không thể tố cáo với ai.
Một phụ nữ giấu mặt kể về tình trạng bị lạm dụng tình dục trong chính phủ Afghanistan. Ảnh: BBC. |
Ngôi nhà nhỏ dưới chân ngọn núi bao quanh Kabul là nơi ở của một cựu công chức chính phủ Afghanistan, người từng trải qua bi kịch bị lạm dụng tình dục ngay tại cơ quan công quyền. Nạn nhân đề nghị giấu tên do lo ngại hậu quả, nhưng vẫn muốn cả thế giới biết đến câu chuyện của mình.
Cô nói rằng cấp trên của cô, một bộ trưởng trong chính phủ Afghanistan, đã nhiều lần quấy rối cô. Một ngày nọ, khi cô đến văn phòng, ông ta đã tìm cách tấn công nữ nhân viên cấp dưới.
"Ông ta nói thẳng thừng là muốn tôi quan hệ. Tôi nói với ông ta tôi là một công chức có trình độ và kinh nghiệm. Tôi không bao giờ nghĩ rằng ông ta sẽ nói những điều như vậy với mình. Khi tôi đứng dậy rời đi, ông ta kéo tay tôi đến một căn phòng phía sau. Ông ta đẩy tôi vào trong và nói 'Sẽ chỉ mất vài phút thôi, đừng lo lắng, đi với tôi nào'", người phụ nữ kể.
"Tôi đẩy ông ta ra và nói đủ rồi, đừng để tôi hét lên. Đó là lần cuối tôi gặp ông ta. Tôi rất tức giận và buồn bã", nạn nhân cho biết.
Nhưng thay vì nộp đơn tố cáo, cô đã xin nghỉ việc. "Tôi không còn tin chính quyền nữa. Nếu bạn đến tòa án hoặc gặp cảnh sát, bạn sẽ thấy họ tham nhũng như thế nào. Bạn không thể tìm một nơi an toàn để tố cáo. Nếu bạn nói ra, mọi người sẽ đổ lỗi cho người phụ nữ", cô chia sẻ lý do im lặng.
Cựu công chức này nói rằng hai phụ nữ khác cũng là nạn nhân bị bộ trưởng đó tấn công tình dục. "Ông ta làm điều này một cách trơ trẽn, không có bất kỳ sự e dè nào vì ông ấy là người có ảnh hưởng trong chính phủ", cô nói.
Afghanistan liên tục bị đánh giá là quốc gia bất bình đẳng đối với phụ nữ. Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2018, nhiều phụ nữ là nạn nhân của tội phạm tình dục nước này bị áp lực tới mức phải rút đơn khiếu nại. Trong nhiều trường hợp, họ thậm chí trở thành nạn nhân bị đổ lỗi. Ở một môi trường như vậy, việc lên tiếng tố cáo hành vi sai trái của những người đàn ông quyền lực không phải là điều dễ dàng.
Đó là lý do hầu hết 6 phụ nữ Afghanistan tham gia phỏng vấn với BBC đều sợ hãi và muốn được giấu kín danh tính. Trong một văn phòng gần công viên nhỏ, phóng viên BBC gặp một người phụ nữ khác sẵn sàng chia sẻ câu chuyện của mình. Cô nộp đơn xin việc trong chính phủ và đáp ứng đầy đủ mọi điều kiện, nhưng phải đến gặp mặt trợ lý thân cận của Tổng thống Ashraf Ghani.
"Người đàn ông này xuất hiện trong các bức ảnh chụp chung với Tổng thống. Ông ấy yêu cầu tôi đến văn phòng riêng, nói sẽ phê duyệt hồ sơ của tôi rồi tiến lại gần, đề nghị tôi uống rượu và làm anh ta thoả mãn", người phụ nữ nói.
"Tôi có hai lựa chọn, chấp nhận lời đề nghị hoặc rời đi. Nếu tôi chấp nhận, điều đó sẽ không dừng lại ở một người mà nhiều gã đàn ông khác cũng sẽ đòi quan hệ với tôi. Điều này rất sốc. Tôi sợ hãi và rời đi ngay lập tức."
Người phụ nữ nói rằng cô đã cố gắng gọi cho chính phủ báo cáo sự việc và nhận được câu trả lời: "Cứ coi việc đó như thể bạn được cấp một khoản tiền trong tài khoản ngân hàng, nhưng bạn từ chối rút tiền."
Kể đến đây, cô bật khóc. "Những điều đó khiến tôi mất ngủ, tức giận và chán nản", cô nói. "Nếu bạn đi khiếu nại với thẩm phán, cảnh sát, công tố viên hay bất kỳ ai trong số họ, bạn cũng đều nhận được đề nghị khiếm nhã tương tự. Vì vậy, bạn biết tìm ai để nói bây giờ? Nó giống như là một phần của văn hóa bây giờ, rằng mọi gã đàn ông xung quanh đều đòi quan hệ với bạn."
Những câu chuyện này tưởng như bị chìm vào quên lãng cho tới khi được đưa ra ánh sáng vào tháng 5, khi tướng Habibullah Ahmadzai, cựu cố vấn của Tổng thống Ashraf Ghani và hiện là đối thủ chính trị của ông, lên tiếng về sự việc trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Afghanistan. Trong cuộc phỏng vấn, Ahmadzai cáo buộc các quan chức cấp cao và chính trị gia "thúc đẩy mại dâm".
Văn phòng Tổng thống Ashraf từ chối yêu cầu phỏng vấn và cũng không trả lời các câu hỏi được gửi qua email. Họ chỉ nhắc lại tuyên bố trước đó rằng tất cả các cáo buộc của tướng Ahmadzai là hoàn toàn sai và ông chỉ đang nói dối để phục vụ mục đích cá nhân.
Nargis Nehan, một bộ trưởng trong chính phủ Afghanistan, đã đăng trên Twitter: "Là một thành viên nữ của Nội các NUG (Chính phủ đoàn kết dân tộc), tôi có thể tự tin nói rằng những cáo buộc này là vô căn cứ."
Nhưng nhà hoạt động nữ quyền Fawzia Koofi, hiện là nghị sĩ, nói rằng cô đã nhận được rất nhiều khiếu nại về quấy rối tình dục trong chính phủ. "Chính phủ chỉ phản ứng kiểu tự vệ. Họ xem đó là vấn đề chính trị chứ không phải là vấn đề liên quan đến tất cả phụ nữ Afghanistan", cô nói.
"Chúng ta đang chứng kiến một kiểu văn hóa bao che. Thủ phạm cảm thấy được bảo vệ trong chính phủ này và đó là lý do họ có động cơ thực hiện nhiều hành vi phạm tội như vậy."
"Tôi muốn nói với Tổng thống rằng trách nhiệm của ông là lắng nghe tiếng nói của phụ nữ. Nếu ông cố gắng làm cho đất nước an toàn, thì ông cũng nên giải quyết vấn đề này", một phụ nữ tham gia phỏng vấn nói. "Một ngày nào đó sự thật sẽ được phơi bày. Nhưng hiện tại, đó chỉ là giấc mơ xa vời."
Ngọc Ánh (Theo BBC)
Những trẻ em bị bán, lạm dụng và giết hại vì chiến tranh ở Afghanistan Cuộc chiến 17 năm ở Afghanistan gây hậu quả đặc biệt nặng nề với trẻ em nước này. Theo Liên Hợp Quốc, hàng nghìn trẻ ... |