Chỉ một vài tỷ đồng, người miền xuôi có thể xây nhà vườn, trang trại, homestay, quán trọ, nhà hàng đặc sản khắp núi rừng 

 

Chỉ một vài tỷ đồng, người miền xuôi có thể xây nhà vườn, trang trại, homestay, quán trọ, nhà hàng đặc sản khắp núi rừng

Chúng ta đang "Sapa hóa" khắp các vùng đất, địa phương, nơi những người bản địa - qua quá trình định cư và lập nghiệp của mình - đã tô điểm cho bản sắc của chúng trong nhiều thế kỷ.

Không khó để một công dân Hà Nội - nơi đang phải hít thở bầu không khí không mấy dễ chịu - có thể mua được hàng nghìn mét đất ở một tỉnh miền núi thơ mộng nào đó. Và họ đã làm. Ở Sapa bây giờ, đi một đoạn ta có thể thấy một nhà hàng hiện đại, homestay hay một kiến trúc lạ giữa núi rừng, đồng ruộng, ven các dòng sông của đồng bào.

Không chỉ Sapa, nhiều đô thị nổi danh với bản sắc, văn hóa đặc biệt của Việt Nam, những cao nguyên quý giá như Tam Đảo, Mộc Châu, Đà Lạt, Lũng Cú, Đồng Văn, Mù Cang Chải; những miền núi, đồng quê xinh đẹp như Phú Yên, Bảo Lộc, Mèo Vạc, Lào Cai; kể cả vùng ngoại thành nên thơ của Hà Nội như Ba Vì, Sóc Sơn, cũng đang bị gặm nhấm hàng ngày theo cách tương tự.

Cũng bằng cách đó, người ta dần phá hủy những cộng đồng bản địa và khung cảnh nguyên bản. Không chỉ thế, không gian sống của đồng bào, gồm cả nhân phẩm của người bản địa, một cách nào đó cũng bị gặm nhấm và phôi thai. Du khách không còn ngạc nhiên bởi các cô gái Mông nói tiếng Anh như gió, bấm điện thoại nhoay nhoáy. Hay những chàng trai dân tộc ở vùng cao nói chuyện "như người Kinh". Có cán bộ địa phương còn tự hào gọi đó là thành quả kêu gọi đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các không gian của người Mông, người Tày, người Thái, người Chăm... đều đang bị "Kinh hóa". Đến tỉnh nào, huyện nào của đồng bào cũng thấy na ná miền xuôi. Phẩm chất, văn hóa, cá tính, bản sắc bản địa các vùng miền của Việt Nam đang dần bị bôi xóa, mà không ai lên tiếng hay hành động. Tôi tự hỏi còn mấy ai buồn lòng?

Trên một chuyến bay từ San Francisco về Việt Nam, tôi ngồi cạnh một cặp vợ chồng lớn tuổi người Mỹ. Họ hào hứng chia sẻ "lần đầu tiên đi Việt Nam" theo một chương trình tour chọn lọc. Công ty du lịch tổ chức riêng cho một nhóm khách chỉ có 8 người để thăm một số địa điểm thiên nhiên đặc sắc tại Việt Nam như Hạ Long, Sa Pa, Đà Lạt, Phú Quốc, Côn Đảo.

Tôi nhớ mãi câu kết luận của họ, mà lúc đó tôi cho là phóng đại quá mức: "mong được cảm nhận những giá trị thiên nhiên đó trước khi chúng có thể sớm bị phá hỏng bởi con người". Đó là lời khuyên của chuyên gia tư vấn du lịch với hai vị khách Mỹ.

Tuy nhiên, lời phóng đại đó nay đã phần nào thành hiện thực. Tôi từng đến những địa danh trên không chỉ một lần, ngoại trừ Sapa chỉ mới ngang qua trong một chuyến công tác Lào Cai. Nhìn thấy thành phố lãng mạn sương mờ, vừa giống mà lại không giống Đà Lạt, lúc đó tôi tự nhủ, mình phải tìm dịp nào đó ở lại đây vài ngày. Đáng tiếc thay, giờ đây lời hẹn Sapa đó có thể không còn ý nghĩa lớn với tôi như trước, sau khi chứng kiến sự thay đổi chóng mặt của phố huyện. Chỉ chưa đầy một thập niên, hình ảnh Sapa đã chỉ thấy chen chúc và lộn xộn.

Những giá trị di sản và thiên nhiên từng đem lại sức hút cho du lịch nhiều địa phương, nổi danh trên toàn cầu đang dần bị mai một bởi chính hoạt động xây dựng theo tư duy mét vuông để phục vụ du khách và cách quản lý lỏng lẻo. Chính tư duy dựa trên lòng tham phá hỏng giá trị bản sắc địa phương phong phú của các vùng miền đất nước, tạo ra nguy cơ khách du lịch quay đầu.

Đầu tiên, để chặn lại phong trào gặm nhấm di sản, chúng ta phải quay lại vấn đề rất cơ bản là quản lý cấp phép xây dựng. Nạn xây dựng không phép từ dự án nhà cao tầng ngay Ba Đình cho đến những biệt phủ lớn chiếm đất rừng phòng hộ, nay lan rộng đến các bản làng xa xôi.

Nhưng, ở Hà Nội, kể cả khi đã có chỉ đạo xử lý của Thủ tướng, các công trình không phép vẫn tiếp tục tồn tại nhiều năm qua. Vậy, lấy gì để tự tin rằng các công trình xây dựng tự do trên núi cao, đồng bằng rất xa Thủ đô được giám sát và xử lý? Lỗi là do "Thượng bất chính, hạ tác loạn". Nếu không nghiêm trị việc xây dựng bất chấp quy hoạch và không phép, áp dụng công bằng cho mọi người, mọi nơi - công cũng như tư - thì chính quyền có nói gì cũng vô ích.

Thứ hai, phải thay đổi cách tiếp cận trong tư duy của nhà quản lý. Giá như tất cả họ nâng tầm tư duy để không đánh đổi việc mất đi giá trị di sản, thiên nhiên và môi trường vì lợi ích của nhóm nào đó. Không khó để thấy Việt Nam có rất nhiều di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, kiến trúc ở khắp nơi, nhưng chúng thường không được những người quản lý ở ngay chính địa phương đó trân trọng.

Chúng ta chứng kiến biết bao nhiêu di sản dễ dàng bị đập đi, giao cho doanh nghiệp xây dự án mới; hay hàng trăm, hàng ngàn cây cổ thụ bị đốn hạ với lý do nâng cấp hạ tầng trong khi diện tích xanh của bản thân đô thị đó đang nằm dưới mức tiêu chuẩn vài chục lần. Vì thế, chính quyền trung ương cần chỉ đạo chính quyền địa phương trên toàn quốc gấp rút nghiên cứu, công bố và thực thi quy hoạch quản lý di sản kiến trúc và di sản thiên nhiên trước khi phê duyệt các dự án chỉnh trang hoặc phát triển đô thị.

Thứ ba, để làm được hai việc trên một cách hợp pháp và hiệu quả, cần phải kiện toàn các lổ hổng pháp lý đang tồn tại trong trong các bộ luật: Luật quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Kiến trúc, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Di sản.

Đặc biệt, Luật Di sản hiện chỉ mới tập trung bảo vệ di tích - cho dù di tích chỉ chiếm phần khá nhỏ trong toàn bộ các thể loại công trình di sản - và bỏ quên cơ sở pháp lý để giữ gìn đa số di sản quy hoạch kiến trúc.Chính vì thiếu sót đó mới có nghịch lý hàng chục ngàn di sản quan trọng trên toàn quốc mà người dân đều công nhận nhưng không hề được được liệt kê vào danh sách bảo vệ chính thức theo Luật Di sản Văn hóa, không có cả hướng dẫn để chủ sở hữu có thể giữ gìn theo cách phù hợp.

Bảo tồn bản sắc văn hóa di sản và tài nguyên thiên nhiên phải đi đôi với phát triển bền vững. Việc cán bộ nhiều địa phương đang xem nhẹ nguyên tắc này là một vấn đề nghiêm trọng mang tầm quốc gia. Các cơ quan Trung ương, đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải hợp tác cùng đưa ra các chính sách và chương trình hành động để địa phương thực hiện. Muốn làm gì, đều phải dựa trên nền pháp trị.

Ngô Viết Nam Sơn

Người Việt và giấc mơ gây rừng dựng núi
5 quán cà phê cho khách ngồi giữa núi rừng Đà Lạt
Lên Tây Bắc thưởng món ngon giữa núi rừng mát lạnh

/ vnexpress.net