Bất chấp hành động rượt đuổi, đâm va, cướp bóc vô nhân đạo của tàu Trung Quốc ở Hoàng Sa, ngư dân Quảng Ngãi vẫn quyết tâm bám ngư trường truyền thống tự bao đời.
Bất chấp lệnh cấm ngang ngược, bao năm qua, ngư dân Quảng Ngãi chẳng hề e ngại, nao núng. Bằng chứng, hàng trăm con tàu công suất lớn vẫn cưỡi lớp sóng bạc đầu, vượt muôn trùng khơi để hiện diện ở ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam.
Rượt đuổi, cướp bóc, đâm va ở Hoàng Sa
Hừng đông. Cảng cá Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi tấp nập tàu thuyền. Từng đoàn tàu công suất lớn nối đuôi nhau rời cảng. Phần lớn trong số ấy chĩa mũi thuyền thẳng hướng ra vùng biển Hoàng Sa. Ở chiều ngược lại, không ít con tàu hối hả cập bờ, mang theo đầy ắp "lộc biển" trở về từ quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhiều tàu cá cập cảng Sa Kỳ, mang theo đầy ắp "lộc biển" từ Hoàng Sa. |
Những lần trước, mất mát không đáng kể. Còn bây giờ, bọn chúng cướp cả cano và ngư cụ phục vụ cho nghề lặn. Ngư dân Võ Lâm |
Trong vô vàn các câu hỏi - đáp như trúng cá gì? Giá cá lên hay xuống?...được bà con miền biển rỉ rả nhau tại cảng, đâu đó đan xen cả những mẩu chuyện vươn khơi bị rượt đuổi, cướp bóc, đâm va. Và mấy hôm nay, ai nấy phẫn uất khi nhắc đến chuyến biển đầy cay đắng của 4 ngư dân hành nghề trên tàu QNg 90779, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu.
Hiện, ông Võ Lâm (42 tuổi) - chủ tàu kiêm thuyền trưởng phương tiện QNg 90779 cùng 3 thuyền viên của mình đang được cách ly theo quy định phòng dịch COVID-19 tại Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn.
Giọng điệu chất chứa nỗi căm phẫn tột cùng, vị thuyền trưởng với thâm niên 24 năm lăn lộn ở Hoàng Sa kể, ngày 10/3, con tàu 730 mã lực của ông xuất bến tại cảng Sa Kỳ. Sau 6 ngày rong ruổi đánh bắt, tầm 18h ngày 16/3, ông và 3 thuyền viên neo tàu ngơi nghỉ ở khu vực cách đảo Bạch Quy (thuộc quần đảo Hoàng Sa) 7 hải lý.
Đang chợp mắt, bất giác nghe tiếng sóng vỗ dập dồn, cả bốn ngư dân nhìn theo hướng mũi tàu thì phát hiện tàu sắt treo cờ Trung Quốc đang lăm le tiến về phía mình. Khi khoảng cách giữa hai tàu chừng độ 100 mét, những kẻ lạ mặt bắt đầu thả chiếc cano lớn từ trên tàu sắt xuống và di chuyển áp sát tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi.
"Không nói không rằng, chỉ trong cái nháy mắt, bọn chúng dùng dao cắt phăng sợi dây đang neo chiếc cano nhỏ vào sát hông tàu cá của tôi. Cứ thế, chúng ngang nhiên cướp chiếc cano chứa toàn bộ ngư cụ rồi vận chuyển lên tàu sắt trong sự bất lực của tôi và anh em bạn thuyền", ông Lâm bàng hoàng nhớ lại.
Tàu QNg 90617 TS của ông Trần Hồng Thọ bị đâm chìm ở Hoàng Sa. (Ảnh: Ngư dân chụp) |
Toàn bộ ngư cụ bị cướp sạch, chuyến vươn khơi dự trù kéo dài nguyên một tháng đành khép lại sớm hơn dự kiến. Bốn ngư dân quay đầu về đất liền trong nỗi bức xúc khôn nguôi. Ông Lâm tâm sự, suốt hàng chục năm lặn biển ở Hoàng Sa, số lần tàu của ông va chạm với tàu Trung Quốc nhiều không đếm xuể. Lắm lúc, tàu của ông bị những kẻ vô nhân tính trên tàu Trung Quốc vơ vét, cướp cạn tôm cá.
"Tuy nhiên, những lần trước, mất mát không đáng kể. Còn bây giờ, bọn chúng cướp cả cano và ngư cụ phục vụ cho nghề lặn nên thiệt hại lên tới hơn 200 triệu đồng. Thậm chí, cả chuyến biển coi như thất bát, anh em thuyền viên chấp nhận ra khơi công cốc", thuyền trưởng Lâm giãi bày.
Chuyện ngư dân Quảng Ngãi hành nghề ở Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc cướp bóc trắng trợn như trường hợp ông Lâm từ lâu đã không còn xa lạ. Thậm chí, không năm nào, tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi không bị rượt đuổi, cướp bóc, đâm va ở Hoàng Sa. Còn nhớ đúng 1 năm trước, tàu mang số hiệu QNg 90617 TS do ông Trần Hồng Thọ (33 tuổi, trú xã Bình Châu) làm chủ, trên tàu có 8 thuyền viên, khi đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam cũng bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Toàn bộ 8 ngư dân sau đó được đưa đến đảo Phú Lâm.
Hay tin, ba tàu cá của ông Nguyễn Thanh Linh, Đặng Tằm, Đặng Dũng (cùng quê Quảng Ngãi) chạy đến cứu hộ thì bị tàu Trung Quốc truy đuổi. 2/3 tàu này cũng bị lai dắt vào vùng biển thuộc đảo Phú Lâm. Một ngày sau, các tàu cá Quảng Ngãi và 8 ngư dân trên tàu bị đâm chìm mới được trao trả tự do.
Tàu của ngư dân Lộc bị hư hỏng nặng. (Ảnh: N.L) |
Tháng 6/2020, chủ tàu kiêm thuyền trưởng Nguyễn Lộc, trú huyện đảo Lý Sơn cùng 15 thuyền viên khi đang khai thác hải sản ở khu vực cách đảo Linh Côn (thuộc quần đảo Hoàng Sa) khoảng 8 hải lý, thì bị tàu sắt mang số hiệu 4006 của Trung Quốc truy đuổi. Trong quá trình bị rượt đuổi, tàu cá của anh Lộc bị tàu Trung Quốc húc mạnh, dẫn tới hư hỏng.
Chưa dừng lại, những kẻ ngang ngược còn tra xét, cướp bóc ngư cụ và hải sản trên tàu anh Lộc trước khi rời đi.
Quyết tâm "trực chiến" ở Hoàng Sa
Ngót nghét 3 năm sau vụ chìm tàu ở Hoàng Sa, ông Nguyễn Tấn Ngọt, làng Châu Thuận Biển, xã Bình Châu đã không còn thường xuyên lênh đênh trên biển cả. Thỉnh thoảng nhớ nghề, nhớ quần đảo "máu thịt" của Tổ quốc, ông mới gạt phăng gánh nặng tuổi già để theo chân cậu con trai đạp sóng vươn khơi.
Bất chấp hiểm nguy, ngư dân Quảng Ngãi quyết tâm "trực chiến" ở Hoàng Sa. |
"Hồi ấy, tàu cá của tôi và 5 bạn thuyền bị 2 tàu sắt Trung Quốc đâm vỡ đường hồ, vỡ ván dẫn tới nước tràn vào khoang. Khi tàu dần chìm nghỉm, 6 anh em may mắn được một tàu cùng quê cứu giúp. Về đất liền, việc đầu tiên tôi tính tới và bắt tay làm ngay là thế chấp sổ đỏ để vay ngân hàng 3 tỷ đồng đóng tàu mới. Mấy năm nay, con tàu mới căng này do con trai tôi đảm đương tay lái và tất nhiên tàu chuyên "trực chiến" ở Hoàng Sa", ông Ngọt nói và lộ rõ vẻ hồ hởi khi cậu con trai cũng mang tư tưởng giống ông.
Cũng như ông Ngọt, nhiều năm trở lại đây, ông Nguyễn Thanh Nam (làng Châu Thuận Biển) - lão ngư một thời lặn biển có tiếng ở Hoàng Sa, gần như dứt hẳn với nghiệp đánh bắt. Dẫu vậy, đôi tàu trên 800 mã lực do ông làm chủ hiện vẫn đang được hai người con trai ngày đêm miệt mài đánh bắt ở Hoàng Sa.
Ông Nam cho hay, ông đang là thành viên nòng cốt trong Ban chấp hành Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu. Chục năm nay, ông tự nguyện trực Icom trong đất liền nhằm kết nối thông tin, hỗ trợ tàu cá gặp nạn ngoài khơi, đặc biệt là Hoàng Sa - nơi hiểm họa từ tàu Trung Quốc có thể ập tới bất cứ lúc nào. Với ông, dù không trực tiếp hiện diện ở Hoàng Sa nhưng việc kết nối thông tin liên lạc hằng ngày với hai cậu con trai cùng hàng trăm ngư dân địa phương cũng chẳng khác nào bản thân mình đang "trực chiến" ngay tại quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Một tàu cá cập bến tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ sau khi bị tàu Trung Quốc rượt đuổi ở Hoàng Sa. |
Nhắc đến tình hình khai thác hải sản của ngư dân ở Hoàng Sa, ông Phan Huy Hoàng - Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Ngãi cho rằng, việc tàu Trung Quốc đâm va, cướp phá, xua đuổi tàu cá địa phương kéo dài từ năm này qua năm nọ.
Theo ông Hoàng, từ năm ngoái đến nay, số vụ đâm va giảm hơn so với nhiều năm trước. "Thời gian gần đây, để hạn chế sự uy hiếp của tàu Trung Quốc, ngư dân Quảng Ngãi thường ra khơi theo tổ, đội. Một tổ như vậy sẽ có khoảng 12-14 tàu và các tàu đánh bắt cách nhau khoảng 20 hải lý.
Nếu tàu nào phát hiện tàu lạ áp sát thì ngay lập tức phát tín hiệu để những tàu còn lại nhanh chóng di chuyển tới hỗ trợ. Khi thấy số lượng tàu cá của mình đông thì tàu lạ cũng có phần e ngại, không dám tấn công", ông Hoàng nói.
Từ năm 1999, Trung Quốc hàng năm ngang nhiên tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trái phép trên Biển Đông. Thời gian cấm biển thường là từ 1/5 đến 16/8. Liên quan tới việc các nước trong khu vực tranh chấp và chiếm đóng trái phép các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần tuyên bố, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với các đảo trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hành vi của quốc gia khác tại hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là hành vi xâm chiếm trái phép và vi phạm luật pháp quốc tế. |
Trung Quốc đổi chiến thuật ở đá Ba Đầu? Hàng trăm tàu vỏ sắt được cho là tàu dân binh biển của Trung Quốc đang có dấu hiệu điều chỉnh, thay đổi chiến thuật ... |
"Trung Quốc đang dùng chiến thuật vùng xám ở Biển Đông" Trung Quốc dùng tàu cá do dân quân biển chỉ huy, với sự hộ tống của tàu hải cảnh, từng bước thực hiện tham vọng ... |
Việt Nam lên tiếng về việc Trung Quốc diễn tập ở Hoàng Sa Bộ Ngoại giao khẳng định mọi hoạt động tại Hoàng Sa không được Việt Nam cho phép là vi phạm chủ quyền khi nhắc tới ... |