Biểu tình kéo dài và dường như chưa có hồi kết đã gây tổn thất lớn cho nền kinh tế Hong Kong.

Theo Reuters, các cuộc biểu tình kéo dài ở Hong Kong đang ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế của Đặc khu hành chính này.

Ngày 12/8, sân bay quốc tế Hong Kong phải đóng cửa vì người biểu tình tràn vào. Hàng trăm chuyến bay trong ngày bị hủy bỏ. Đây là việc chưa từng có tiền lệ.

Sân bay quốc tế Hong Kong thất thủ. (Ảnh: Nikkei)

Các chuyên gia kinh tế tại Societe Generale ước tính sân bay Hong Kong đóng góp 5% GDP cho Hong Kong. Chia sẻ trên Bloomberg, Benjamin Quinlan - CEO hãng tư vấn dịch vụ tài chính Quinlan & Associates (Hong Kong) - cho biết: "Rất nhiều lãnh đạo đang cân nhắc kế hoạch đến và đi tại Hong Kong. Và điều này chắc chắn có ảnh hưởng đến hoạt động của công ty họ".

Một số nhà đầu tư lo ngại rằng trong ngắn hạn, kinh tế Hong Kong có thể rơi vào suy thoái. Bất ổn nội địa và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang khiến doanh thu bán lẻ lao dốc, gây sức ép lên giá bất động sản và nhấn chìm thị trường chứng khoán.

Trong quý II, GDP Hong Kong giảm 0,3% so với quý trước. Chỉ số sản xuất tháng 7 cũng xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009. Giao dịch bất động sản giảm 35% và doanh số bán lẻ giảm tháng thứ 5 liên tiếp.

Theo Nikkei, các giám đốc điều hành một số công ty quan trọng nhất của Hong Kong đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về rủi ro đối với thu nhập trong tương lai do các cuộc biểu tình kéo dài.

Giám đốc điều hành của Cathay Pacific Airlines - hãng bay hàng đầu Hong Kong, Rupert Hogg, nói với các phóng viên hôm thứ Tư rằng, vé đặt vào Hong Kong cũng đã giảm, một phần do các cuộc biểu tình gần đây. Cổ phiếu Cathay Pacific Airways ngày 12/8 xuống thấp nhất một thập kỷ vì giới chức Trung Quốc cấm các nhân viên từng tham gia biểu tình bay qua không phận.

 Biểu tình đã kéo dài nhiều ngày nay tại Hong Kong. (Ảnh: AP)

Trong khi đó, tờ Channelnewsasia đưa tin, tại Hong Kong, khách sạn trống phòng, thương mại đình trệ, ngay cả công viên Disneyland cũng vắng khách. Lãnh đạo thành phố Carrie Lam đã cảnh báo rằng trung tâm tài chính quốc tế đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ hơn cả vụ dịch SARS năm 2003 làm tê liệt Hồng Kông.

Ngành du lịch Hong Kong bị thiệt hại nhiều nhất trong 2 tháng căng thẳng chính trị vừa qua. Trong tháng 7/2019, số phòng khách du lịch đặt đã giảm 50%. Lượng khách đặt phòng trước cho tháng 8 và tháng 9 cũng giảm đáng kể trong bối cảnh nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Australia, Nhật Bản, cảnh báo công dân nước này hạn chế đến Hong Kong.

Giám đốc Điều hành Disneyland, Bob Iger đã phải thừa nhận "các cuộc biểu tình làm giảm lượng khách đến công viên."

Sự suy giảm mạnh mẽ khiến nhiều đơn vị du lịch đang xem xét việc cho nhân viên nghỉ không lương.

Nền kinh tế của đặc khu hành chính Hong Kong bị đình trệ kể từ quý 1/2019. Mức tăng trưởng chỉ đạt 0,6% so với 4,6% cùng kỳ năm 2018. Đây là kết quả kinh doanh hàng quý tồi tệ nhất trong một thập kỷ của Hong Kong. Theo dự báo, kinh tế của Hong Kong quý 2/2019 cũng khó đạt kết quả tốt.

Trung Quốc không cho phép chiến hạm Mỹ thăm Hong Kong
Sân bay Hong Kong hoạt động trở lại
Liên Hợp Quốc kêu gọi Hong Kong kiềm chế với biểu tình

/ vtc.vn