Đáng lẽ ra khi đã thực hiện xã hội hóa các bộ sách giáo khoa thì các nhà xuất bản cũng cần bán công khai ở các nhà sách nhưng sự thật thì không phải vậy.

Khác với những năm trước đây, sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới đã được xã hội hóa, các nhà xuất bản, các công ty tự bỏ vốn ra biên soạn, xuất bản và bán ra thị trường.

Đáng lẽ ra khi đã thực hiện xã hội hóa các bộ sách giáo khoa thì các nhà xuất bản cũng cần bán công khai ở các nhà sách nhưng sự thật thì không phải vậy.

Đa phần sách giáo khoa vẫn được bán theo đường nội bộ, đó là các địa phương tập hợp, đăng ký với các nhà xuất bản, các công ty phát hành sách và họ chuyển theo đường nội bộ về đến các nhà trường. Vì sao vậy?

Bộ sách giáo khoa Cánh Diều có 11 cuốn sách bổ trợ (Ảnh chụp từ màn hình)

Vì sao lại bán sách tại các nhà trường?

Năm nay, sách giáo khoa lớp 1 có 5 bộ sách nhưng thực ra cũng chỉ có 2 đầu mối, đó là 4 bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và bộ sách Cánh Diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh với Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản – Thiết bị Giáo dục Việt Nam biên soạn, phát hành.

Đáng lẽ ra đây là năm đầu tiên thực hiện sách giáo khoa mới thì các Nhà xuất bản đưa sách ra các nhà sách cạnh tranh lành mạnh với nhau.

Trường nào, địa phương nào chọn sách nào thì chỉ cần thông báo cho phụ huynh bộ sách mình dạy thì ắt phụ huynh sẽ tự đi mua.

Nhưng, nếu bán như vậy thì chắc chắn rất khó bán được các sản phẩm ăn theo (vở bài tập, sách bổ trợ, đồ dùng) nên các đơn vị phát hành sách đã đưa sách về tại các nhà trường để bán trọn bộ.

Điều này đã được chính thầy Nguyễn Minh Thuyết- Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ năm 2018- Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 (Cánh Diều) chia sẻ với Tạp chí Ngày nay như sau:

“Tôi chỉ biết là bộ sách Cánh Diều là bộ sách được lựa chọn với tỷ lệ cao nhất trong 5 bộ sách giáo khoa. Nhưng tôi cũng được biết là có những chuyện không được hay lắm trong cạnh tranh.

Nhiều tỉnh thành đã đảo ngược kết quả lựa chọn của cơ sở, làm giảm tỷ lệ chọn Cánh Diều. Nhưng mà thôi, nói cho cùng đó cũng là chuyện của thị trường”. [1]

Ông nói: “Có Nhà xuất bản định giá sách giáo khoa thấp để cạnh tranh nhưng lại xuất bản rất nhiều sách ăn theo với giá cao hơn cả sách giáo khoa.Cũng theo thầy Nguyễn Minh Thuyết thì các đơn vị xuất bản sách giáo khoa lớp 1 năm nay đều có sách “ăn theo”.

Bộ sách giáo khoa Cánh Diều của chúng tôi cũng đang có một số sách tham khảo “ăn theo” nhưng không phải do chúng tôi biên soạn và nội dung là nội dung của sách cũ tân trang thôi. Chỉ cần nhìn phụ đề của sách là “sách dành cho buổi học thứ hai” thì biết.

Bây giờ, chương trình mới quy định học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày thì nội dung sách giáo khoa phải bảo đảm 2 buổi/ngày chứ. Làm gì còn sách dành cho buổi học thứ hai như trước nữa!”. [2]

Như vậy, chúng ta thấy rằng những chia sẻ của thầy Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ năm 2018 thì các đơn vị xuất bản sách giáo khoa lớp 1 năm nay đều có sách “ăn theo” sách giáo khoa.

Nếu những chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết là đúng, thì thậm chí còn có cả sự cạnh tranh không lành mạnh với nhau nữa.

Bởi qua những lời bộc bạch này của thầy Thuyết thì chúng ta thừa hiểu câu nói: “Có Nhà xuất bản định giá sách giáo khoa thấp để cạnh tranh nhưng lại xuất bản rất nhiều sách ăn theo với giá cao hơn cả sách giáo khoa” là nhà xuất bản nào rồi.

Và, cũng chính ông đã thừa nhận bộ sách Cánh Diều cũng có sách “ăn theo” sách giáo khoa nhưng mà là sách “tân trang” từ sách cũ.

Qua lời chia sẻ của thầy Tổng chủ biên- một người đã hiểu cặn kẽ các vấn đề về sách giáo khoa thì người đọc và phụ huynh cả nước cũng hiểu được thị trường sách giáo khoa đang có một cuộc chạy đua ngầm để đến với các địa phương, các trường học.

Nếu cạnh tranh lành mạnh, không nhập nhèm sách giáo khoa với sách bổ trợ thì cần gì phải bán qua đường nội bộ?


Chẳng hạn như trường Tiểu học An Phong (quận 8- Thành phố Hồ Chí Minh) đã bán tới 807.000 đồng.Thực tế cho thấy sách giáo khoa lớp 1 năm nay dù đắt nhưng bộ sách đắt nhất là Cánh Diều cũng chỉ mới có giá là 199.000 đồng. Tuy nhiên, khi nó kèm theo một số sách ăn theo thì số tiền đã cao lên gấp nhiều lần.

Vì sao nhà trường lại đứng ra bán sách học cho học sinh trong khi tỉnh nào, huyện nào cũng có các cửa hàng sách. Thậm chí các xã (phường) giờ đây chỗ nào cũng có cửa hàng bán sách giáo khoa.

Nhưng, nếu bán ở ngoài theo cơ chế thị trường thì phụ huynh ít ai dám bỏ cả gần triệu bạc đi mua bộ sách lớp 1 cho con em mình. Tuy nhiên, qua sự tư vấn của nhà trường, của thầy cô giáo thì mọi chuyện sẽ khác.

Trong khi, ai cũng hiểu được rằng năm nay mới là năm đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1 thì vòng đời của bộ sách này có ít cũng phải hàng chục năm sau mới thay đổi.

Năm nay bán không hết thì sang năm bán tiếp, sách bỏ trong kho có mối mọt gì đâu mà sợ. Nhưng, nếu bán như vậy thì Nhà xuất bản bán sách bổ trợ, sách tham khảo cho ai?

Vậy nên, các Nhà xuất bản mới phải nhờ vả lãnh đạo Sở, Phòng Giáo dục để đưa sách về nhà trường. Tất nhiên, khi mọi người đã chung lưng đấu cật với nhau thì ắt phải có chiết khấu cho các đơn vị trung gian thì người ta mới làm.

Và, việc các loại sách có giá cao hơn cũng là bình thường. Những sách bổ trợ, sách tham khảo học sinh không dùng hết, thậm chí có những cuốn không dùng đến cũng là điều bình thường.

Lợi ích sẽ thuộc về một số đơn vị sản xuất, kinh doanh và một số đầu mối trung gian còn gánh nặng giá cả đương nhiên sẽ thuộc về phụ huynh nhận hết.

Không ép học sinh mua sách tham khảo Không ép học sinh mua sách tham khảo
Bộ Giáo dục có thực tâm muốn ngăn chặn tình trạng móc túi cha mẹ học sinh? Bộ Giáo dục có thực tâm muốn ngăn chặn tình trạng móc túi cha mẹ học sinh?
Nhập nhèm sách giáo khoa với sách tham khảo Nhập nhèm sách giáo khoa với sách tham khảo

/ giaoduc.net.vn