Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo và sát hạch lái xe.
- Từ 1/9, cấm cải tạo xe 16 chỗ thành xe Limousine chở khách
- Limousine hoạt động bát nháo: Sẽ có phần mềm quản lý xe hợp đồng toàn quốc
Xe xin phù hiệu hợp đồng nhưng hoạt động trá hình
Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau 3 năm triển khai, Nghị định số 10/2020 đã thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận tải, cắt giảm các thủ tục hành chính; tạo lập môi trường kinh doanh vận tải minh bạch, công bằng, thuận lợi, hiện đại.
Tuy nhiên, vẫn còn gặp một số tồn tại khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Cụ thể, quy định về công bố danh mục tuyến vận tải hành khách cố định còn chưa phù hợp với thực tế và tính thời sự, phát triển của cung/cầu, gây khó khăn đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là khi lượng hành khách tăng, có nhu cầu tăng chuyến hoặc mở tuyến mới.
Xuất hiện tình trạng xe bỏ bến ra bên ngoài hoạt động để cạnh tranh với xe hợp đồng trá hình nhưng vẫn giữ chỗ trong bến và có diễn biến ngày càng phức tạp. Vẫn còn tình trạng xe không đến bến xe thực hiện công tác kiểm tra, xác nhận lệnh vận chuyển nhưng vẫn thực hiện hành trình chạy xe trên tuyến.
Một số quy định đối với loại hình xe hợp đồng, du lịch còn khó xác định trong thực tế hoặc phải có công cụ công nghệ thông tin để xác định; trong quá trình thực hiện, lực lượng chức năng gặp khó khăn khi xác định vi phạm, xuất hiện tình trạng nhiều xe xin phù hiệu hợp đồng nhưng lại hoạt động trá hình tuyến cố định gây khó khăn cho công tác quản lý.
Xe hợp đồng trá hình limousine nở rộ, diễn biến phức tạp |
Hiện nay, chỉ có hệ thống xử lý thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam hoạt động, tuy nhiên còn hạn chế do được xây dựng thời gian đã lâu (từ năm 2015), công nghệ lạc hậu, hạn chế về năng lực xử lý, dữ liệu tổng hợp hàng tháng chưa được kịp thời; do vậy việc xử lý, chấn chỉnh vi phạm đối với đơn vị vận tải còn chậm.
Hệ thống xử lý dữ liệu hình ảnh camera mới dừng lại ở bước thử nghiệm, hiện các Sở GTVT đang phải theo dõi, trích xuất dữ liệu trên phần mềm của đơn vị vận tải, nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân là do nguồn kinh phí để xây dựng, nâng cấp, duy trì và vận hành các hệ thống quản lý hoạt động vận tải hầu như không có. Các hệ thống hiện nay chủ yếu do các đơn vị công nghệ thông tin hỗ trợ xây dựng, vận hành miễn phí.
Không nộp lại phù hiệu xe sẽ bị "treo đăng kiểm"
Ngoài ra, tại Nghị định 10/2020 đã có quy định xử lý vi phạm bằng hình thức thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, đình chỉ khai thác tuyến và thu hồi phù hiệu, biển hiệu nhưng chưa có quy định thời gian thu hồi hoặc sau khi thu hồi bao lâu thì mới được cấp lại, dẫn đến đơn vị bị thu hồi có thể đề nghị cấp lại ngay sau khi bị thu hồi.
Tình trạng xe khách bỏ bến ra ngoài hoạt động diễn biến phức tạp |
Điều này làm giảm hiệu quả của công tác quản lý, không đảm bảo tính răn đe trong quá trình xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, một số đơn vị bị thu hồi cố tình không nộp về cơ quan cấp theo đúng quyết định thu hồi nhưng chưa có chế tài để bắt buộc các đơn vị vi phạm phải chấp hành đúng theo quyết định thu hồi.
Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo và sát hạch lái xe, Bộ GTVT đề xuất quy định các trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu như: đơn vị kinh doanh vận tải bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải;
Thu hồi Giấy phép kinh doanh; khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (GSHT) của mỗi phương tiện trong 1 tháng có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1000 km xe chạy trở lên hoặc trong một ngày có từ 3 lần vi phạm tốc độ trở lên (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ dưới 5 km/h).
Bên cạnh đó, cũng sẽ thu hồi phù hiệu của các xe ô tô kinh doanh vận tải theo tuyến cố định khi doanh nghiệp, hợp tác xã không hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến trong thời gian 60 ngày liên tục.
Dự thảo Nghị định cũng quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải nộp lại phù hiệu, biển hiệu đến Sở GTVT nơi cấp trong trường hợp không sử dụng phương tiện để kinh doanh vận tải hoặc hết thời hạn thuê phương tiện hoặc bán, chuyển nhượng cho đơn vị khác để ngăn chặn tình trạng xe đã cấp phù hiệu không còn sử dụng hoặc được bán sang đơn vị khác nhưng không báo cáo và nộp lại cho cơ quan cấp, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, đặc biệt trong quá trình xử lý vi phạm theo quy định.
Dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về thời gian thu hồi phù hiệu, được tính kể từ ngày đơn vị kinh doanh vận tải nộp phù hiệu, biển hiệu đến Sở GTVT nơi ban hành quyết định thu hồi.
Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu do xe vi phạm tốc độ từ 5 lần/1000km trong tháng hoặc 3 lần/ngày; hoặc do không hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến trong thời gian 60 ngày liên tục sẽ không được cấp lại phù hiệu, biển hiệu trong thời gian 30 ngày kể từ ngày đơn vị kinh doanh vận tải nộp phù hiệu, biển hiệu đến Sở GTVT.
Sau thời gian 30 ngày kể từ ngày nộp lại phù hiệu, biển hiệu, nếu có nhu cầu tiếp tục tham gia kinh doanh, đơn vị kinh doanh vận tải phải làm thủ tục để được cấp lại theo quy định.
Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải không nộp phù hiệu, biển hiệu theo quyết định thu hồi, Sở GTVT thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, đồng thời, gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để đưa vào cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm bị thu hồi phù hiệu, biển hiện trên Chương trình Quản lý kiểm định.
Sau khi đơn vị kinh doanh vận tải có xe vi phạm đã đến Sở GTVT để giải quyết vụ việc vi phạm theo quy định, Sở GTVT phải gửi thông báo ngay cho cơ quan đăng kiểm biết để xóa cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên Chương trình Quản lý kiểm định, thực hiện kiểm định, cấp Giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành đối với phương tiện.
Việc bổ sung quy định này để đảm bảo tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm, khắc phục tình trạng hiện nay, đơn vị vận tải xin cấp lại ngay sau khi phù hiệu bị thu hồi.
Đồng thời, đảm bảo công bằng, minh bạch trong xử lý vi phạm,đảm bảo các trường hợp vi phạm đều được xử lý theo đúng quy định nhằm nâng cao hiệu lực của công tác quản lý Nhà nước.