Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là công trình cấp đặc biệt và được đảm bảo an toàn tuyệt đối nếu đi vào vận hành.

Bộ GTVT vừa có Văn bản số 8446/BGTVT-KCHT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng về việc trả lời kiến nghị cử tri gửi tới sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Trong nội dung trả lời kiến nghị của cử tri Đà Nẵng về tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nhấn mạnh, đây là dự án đặc thù. Bộ cũng cam kết sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối khi đưa vào vận hành tuyến đường sắt này. 

Bộ GTVT nêu rõ: "Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là công trình cấp đặc biệt, có tính chất đặc thù, kỹ thuật cao, công nghệ hoàn toàn mới. Với vai trò Chủ đầu tư, Bộ GTVT nhận thức rõ trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện dự án và sẽ thực hiện các biện pháp để đảm bảo chất lượng, tuyệt đối an toàn”. 

Cũng theo Bộ GTVT, trong thời gian triển khai dự án, đã có nhiều đoàn thường xuyên, định kỳ kiểm tra dự án trong các lĩnh vực như: Bộ LĐ-TB&XH, Bộ TN&MT, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, Kiểm toán nhà nước... Bộ GTVT đã thuê tư vấn của Pháp đánh giá an toàn hệ thống, từ khâu thiết kế, thi công, lắp đặt thiết bị và vận hành.

"Thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan của bộ nâng cao hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát về mặt an toàn, tiến độ, chất lượng công trình; nhằm đảm bảo chất lượng, tuyệt đối an toàn, sớm đưa Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác", Bộ GTVT thông tin. 

 Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa đi vào vận hành.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008, thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC. Bên tài trợ vốn chỉ định Tổng thầu thực hiện dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Tư vấn giám sát được tổ chức đấu thầu, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Dự án dài hơn 13 km, gồm 12 nhà ga trên cao, bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 18.000 tỷ đồng. Tháng 9/2018, dự án chính thức vận hành thử liên động toàn hệ thống và dự kiến bắt đầu khai thác thương mại trong tháng 4/2019, nhưng kế hoạch này tiếp tục bị hoãn lại.

Nguyên nhân được cho là do tổng thầu thiếu kinh nghiệm, dự án phải điều chỉnh nhiều lần làm chậm tiến độ. Một lý do nữa theo Bộ GTVT là do ngân hàng Trung Quốc không có thường trú tại Việt Nam nên hoạt động cấp vốn bị ảnh hưởng. 

Theo các chuyên gia kinh tế, việc dự án chậm trễ còn do công tác quản lý điều hành dự án của chủ đầu tư (Bộ GTVT) còn bộc lộ nhiều hạn chế. TP Hà Nội cũng chịu một phần trách nhiệm trong vấn đề giải phóng mặt bằng. Đơn vị tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo thi công, quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng.

Một bất cập nữa cũng được các chuyên gia chỉ ra khi dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dù được đánh giá là dự án trọng điểm quốc gia, được xây dựng lần đầu tiên tại Việt Nam nhưng nhà tài trợ vốn ODA lại chỉ định một Tổng thầu không có kinh nghiệm, chưa từng làm dự án đường sắt trên cao nào theo hình thức EPC, dẫn đến công tác quản lý điều hành yếu kém. 

Cuối tháng 7 mới đây, Hà Nội thông tin sẽ vay hơn 2.300 tỷ đồng để vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Theo UBND TP Hà Nội, căn cứ vào các dư nợ hiện nay và dự kiến đến năm 2020 của thành phố, việc vay lại dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông với giá trị khoảng hơn 2.300 tỉ đồng không làm vượt hạn mức vay nợ của thành phố. Theo đó, TP Hà Nội bảo đảm thanh toán nợ vay đầy đủ, đúng hạn.

An toàn đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được tư vấn nước nào đánh giá cuối cùng?
Bộ Giao thông Vận tải: "Đường sắt Cát Linh - Hà Đông tuyệt đối an toàn"
Thêm cảnh báo đường sắt cao tốc không khả thi: Nên nghe

/ vtc.vn