Thủ tướng quyết định bổ sung 4.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho vùng đồng bằng sông Cửu Long phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.
Ngày 8/10, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 1162 của Thủ tướng về bổ sung vốn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long thực hiện dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.
Theo đó, Thủ tướng bổ sung 4.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long để bố trí cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long như đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Số tiền phân bổ cho các địa phương gồm: Long An 250 tỷ đồng, Tiền Giang 200 tỷ đồng, Bến Tre 300 tỷ đồng, Trà Vinh 200 tỷ đồng, Vĩnh Long 500 tỷ đồng, Cần Thơ 250 tỷ đồng, Hậu Giang 200 tỷ đồng, Sóc Trăng 300 tỷ đồng, An Giang 250 tỷ đồng, Đồng Tháp 250 tỷ đồng, Kiên Giang 500 tỷ đồng, Bạc Liêu 300 tỷ đồng, Cà Mau 500 tỷ đồng.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng đồng bằng sông Cửu Long bố trí vốn được bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển bảo đảm theo đúng quy định.
Lãnh đạo các địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, giao kế hoạch vốn theo quy định của Luật đầu tư công và các quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan.
Đồng thời, bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định pháp luật để bố trí đủ số vốn còn thiếu của dự án so với tổng mức đầu tư được duyệt, bảo đảm hoàn thành dự án đúng tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư.
Theo quyết định của Thủ tướng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan sử dụng vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 để đầu tư phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển và thực hiện đầu tư dự án bảo đảm chất lượng, chậm nhất đến ngày 31/12/2024 hoàn thành dự án theo đúng quy định
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo không sử dụng vốn dự phòng ngân sách Trung ương được bổ sung trái mục đích (trong đó có việc chỉnh trang đô thị); thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật; không được để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố định kỳ hằng quý, báo cáo kết quả phân bổ, giao và tổ chức thực hiện, giải ngân số vốn được bổ sung gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, theo dõi, báo cáo Thủ tướng.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án; tổ chức thực hiện và giải ngân vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 được bổ sung chậm nhất đến ngày 31/12/2024 theo đúng quy định pháp luật; chịu trách nhiệm của người đứng đầu về kết quả giải ngân vốn của các dự án.
Cũng theo quyết định của Thủ tướng, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao về quản lý nhà nước đối với đầu tư công, phòng chống thiên tai chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo đề xuất, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan thành lập Tổ công tác liên ngành kiểm tra định kỳ việc sử dụng nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 đã hỗ trợ các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Với trường hợp phát hiện phân bổ, sử dụng không đúng đối tượng quy định của Luật ngân sách Nhà nước, triển khai không đúng quy định, Thủ tướng chỉ đạo phải báo cáo để thu hồi về ngân sách Trung ương và kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu địa phương đó.