Sau khi tiếp nhận 30 kiểm định viên chính thức từ phía Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng), cùng với sự hỗ trợ tăng cường của hơn 50 cán bộ chiến sĩ từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), đến nay có thể nói tình hình tại các trạm đăng kiểm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã dần "hạ nhiệt". Song đây chỉ là những giải pháp nhất thời cấp bách...

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam nhìn nhận, giải pháp lâu dài và thuận lợi nhất cho người dân đang được lấy ý kiến, trong đó cụ thể là sửa đổi hàng loạt các quy định trong Thông tư 16/2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Cả nước có 226 trạm đăng kiểm đang hoạt động

Thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, tính đến ngày 20/3, cả nước có 226 trạm/281 trạm đăng kiểm đang hoạt động, trong đó TP Hà Nội có 16 trạm, TP Hồ Chí Minh có 11 trạm, các trạm còn lại ở các tỉnh, thành khác. Hiện cả nước còn 55 trạm đang bị tạm dừng, trong đó TP Hà Nội có 15 trạm, TP Hồ Chí Minh có 8 trạm. Thời gian gần đây, một số trung tâm đăng kiểm đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam hướng dẫn việc triển khai đăng ký kiểm tra qua mạng trực tuyến hoặc phát số, đến ngày hẹn đưa xe đến kiểm định nhằm giải quyết tạm thời tình trạng ùn tắc.

Bổ sung, chỉnh sửa nhiều quy định trong đăng kiểm, tạo thuận lợi nhất cho người dân -0
Tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm đang dần được giải tỏa.

Trao đổi nhanh với PV Báo CAND, Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Tô An cho biết, tình hình đăng kiểm trên cả nước sau khi có sự hỗ trợ của các lực lượng Công an, Quân sự đã có phần đi vào quy củ. Hàng loạt các nội dung về đăng kiểm xe đang được lấy ý kiến bổ sung, chỉnh sửa theo hướng tạo thuận lợi nhất cho người dân. Cụ thể, theo dự thảo mới nhất Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 16/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, sẽ đưa vào quy định miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới mới, chưa qua sử dụng (có năm sản xuất không vượt quá 1 năm, tính từ năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận kiểm định). Tức thời gian lưu kho để phương tiện được miễn kiểm định lần đầu sau khi đến tay khách hàng và được đăng ký là 2 năm. Trong đó, người dân sau khi mua xe sẽ được miễn kiểm định, thời gian bằng đúng chu kỳ đầu kiểm định xe cơ giới, tương đương với 36 tháng đối với xe ôtô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải (theo dự thảo mới nhất). Ở Thông tư hiện tại, chu kỳ này là 30 tháng. Theo tính toán của Cục Đăng kiểm Việt Nam, số ôtô mới năm 2022 khoảng 455.000 xe, dựa theo dự báo gia tăng ôtô hàng năm tại Việt Nam, năm 2023 sẽ có khoảng 500.000 xe mới được miễn kiểm định lần đầu.

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam nói, dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 16 mới nhất cũng điều chỉnh chu kỳ kiểm định phù hợp đối với một số loại xe cơ giới tham gia giao thông. Theo đó, ôtô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải, đối với xe sản xuất đến 7 năm, chu kỳ đầu thay đổi tăng lên 36 tháng (trước đây 30 tháng), chu kỳ định kỳ 24 tháng (tăng 6 tháng so với trước đây - 18 tháng). Sản xuất trên 7 năm đến 15 năm chu kỳ đầu và định kỳ là 12 tháng, thời gian sản xuất trên 15 năm chu kỳ đầu và định kỳ là 6 tháng. Trước đây, chu kỳ này chỉ tính các xe sản xuất từ trên 7 năm đến 12 năm và trên 12 năm.

Đối với ôtô chở người các loại đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải vẫn giữ nguyên chu kỳ kiểm định bởi đây là loại xe có cường độ, tần suất hoạt động lớn, vận tải chở khách nên cần được kiểm soát chặt chẽ hơn để đảm bảo an toàn. Đối với ôtô chở người các loại trên 9 chỗ theo dự thảo mới không còn tính theo loại không cải tạo/cải tạo mà tính theo thời gian sản xuất. Đối với xe có thời gian sản xuất đến 5 năm, chu kỳ kiểm định đầu 24 tháng, chu kỳ định kỳ 12 tháng. Thời gian sản xuất trên 5 năm, chu kỳ đầu và chu kỳ định kỳ là 6 tháng. Đây đa số là xe khách, sử dụng để kinh doanh vận tải. Chu kỳ kiểm định 3 tháng vẫn giữ trong dự thảo mới tuy nhiên chỉ áp dụng cho ô tô chở người các loại trên 9 chỗ đã sản xuất từ 15 năm trở lên (kể cả ô tô chở người trên 9 chỗ đã cải tạo thành ô tô chở người đến 9 chỗ).

Mục tiêu an toàn phải đặt lên hàng đầu

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, việc sửa đổi, bổ sung này được xây dựng trên cơ sở thống kê, đánh giá từ cơ sở dữ liệu kiểm định, cập nhật kinh nghiệm chu kỳ kiểm định quốc tế, căn cứ vào tần suất hoạt động của xe, môi trường hoạt động, mục đích sử dụng của từng loại phương tiện để có những điều chỉnh chu kỳ hợp lý. Việc nghiên cứu được thực hiện hết sức nghiêm túc kéo dài nhiều tháng nay sao cho khi điều chỉnh sẽ phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam dựa trên mục tiêu số 1 là đảm bảo an toàn của phương tiện và người dân, đồng thời nhằm giảm tải nhu cầu kiểm định xe cơ giới, giảm chi phí xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình kiểm định.

Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, chu kỳ kiểm định xe ôtô dựa trên nhiều yếu tố như: Năm sản xuất, tần suất sử dụng xe, môi trường hoạt động và không thể thực hiện kéo giãn tất cả các chu kỳ kiểm định bởi có nhiều phương tiện vẫn cần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn, nhất là xe khách kinh doanh vận tải. Hiện nay, tại Việt Nam có rất nhiều ô tô con cá nhân đã được chuyển đổi từ xe taxi đã loại biên do quá hạn sử dụng (12 năm) theo quy định của Nghị định số 47/2022/NĐ-CP. Tại các nước phát triển như EU, loại xe taxi, xe cứu thương được xếp vào nhóm có chu kỳ kiểm định ngắn nhất do hoạt động với cường độ cao, tần suất lớn nên tuổi thọ của linh kiện, tổng thành giảm sút rất nhanh chóng, tiềm ẩn mất an toàn khi xe tham gia giao thông. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các xe taxi này sau khi chuyển đổi thành ôtô cá nhân lại được áp dụng chu kỳ kiểm định như các loại xe cá nhân khác. Đây là vấn đề bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu để có thể đề xuất đưa ra chu kỳ kiểm định phù hợp hoặc có phương án quản lý phù hợp để đảm bảo an toàn giao thông nói riêng cũng như an toàn xã hội nói chung. Theo tính toán Cục Đăng kiểm Việt Nam, số xe được giãn chu kỳ kiểm định sau khi dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 16 được phê duyệt là khoảng 3.073.629 xe.

Liên quan đến chu kỳ đăng kiểm xe ôtô, đã có một số ý kiến tham gia đóng góp. Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, các nước đều tính chu kỳ kiểm định xe theo thời gian, không theo số km đã chạy. Nguyên nhân là các thiết bị, phụ tùng dù không sử dụng vẫn có thể hư hại theo thời gian, như lốp sau vài năm phải thay dù xe không lăn bánh, hay xe phải thay dầu dù ít sử dụng. "Nếu tính theo số km thì các xe ít dùng sẽ được kéo dài thời gian đăng kiểm dù chất lượng phụ tùng xuống cấp, nhiều chủ xe cũng có thể sử dụng thiết bị để tua lại số km, ảnh hưởng đến an toàn của phương tiện", ông Thanh nhận định và đề nghị kéo dài chu kỳ kiểm định cho xe gia đình vì được bảo dưỡng tốt. Những xe giá cao, siêu xe cần có chu kỳ dài hơn vì chất lượng xe tốt. Xe kinh doanh vận tải trên 9 chỗ đã sử dụng 5 năm, xe tải sử dụng trên 7 năm nên kéo dài chu kỳ 1 năm thay vì 6 tháng như hiện nay.

Vị này cũng cho rằng, việc áp chu kỳ kiểm định ngắn khiến chủ xe tốn thời gian và gây áp lực cho trung tâm đăng kiểm. Đồng quan điểm, ông Đào Công Quyết, Trưởng Tiểu ban Truyền thông, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết, chưa có nước nào tính chu kỳ kiểm định theo số km. Việc này nếu áp dụng sẽ gây rắc rối cho đơn vị kiểm định vì chủ xe rất dễ dàng can thiệp, sửa lại số km xe đã vận hành.

Một chuyên gia khác cho rằng, phương án đăng kiểm theo thời gian cũng có điểm bất hợp lý. Cụ thể, xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ mỗi ngày chạy khoảng 250km thì trong 24 tháng (chu kỳ đầu) sẽ đi khoảng 200.000km. Trong khi đó xe cá nhân, gia đình dưới 9 chỗ, mỗi ngày chỉ đi khoảng 50km thì trong 30 tháng (chu kỳ đầu) đi khoảng 45.000km. Như vậy, xe cá nhân đi số km ít hơn nhiều so với xe kinh doanh trong chu kỳ đầu. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông hiện nay đã được cải thiện, xe đời mới chất lượng tốt, nên vị chuyên gia này cũng đề nghị kéo dài chu kỳ đăng kiểm cho xe gia đình, xe không kinh doanh vận tải.

Trên thực tế, những ngày qua, tình trạng ùn tắc tại các đơn vị đăng kiểm Việt Nam diễn ra nghiêm trọng, nhiều chủ xe phải đợi 2-3 ngày mới đến lượt đưa xe vào kiểm định. Các đăng kiểm viên đều phải làm việc tăng ca, thêm giờ các ngày trong tuần. Do đó, phương án kéo dài chu kỳ kiểm định xe được coi là một trong những giải pháp giảm áp lực cho người dân và đơn vị đăng kiểm.

https://cand.com.vn/Giao-thong/bo-sung-chinh-sua-nhieu-quy-dinh-trong-dang-kiem-tao-thuan-loi-nhat-cho-nguoi-dan-i687279/

Đặng Nhật / cand.com.vn