Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2022 hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng trong sự phát triển ngành.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, trong năm, trước bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, tăng trưởng xuất khẩu của nhiều nền kinh tế sụt giảm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn và duy trì được mức tăng trưởng cao.

Bộ trưởng Công Thương: Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2022 vượt 730 tỷ USD - 1

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2022 hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng trong sự phát triển ngành.

"Dự kiến cả năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu dự kiến tăng10,5%, đạt 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%)", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD dự kiến 39 mặt hàng (tăng 4 mặt hàng so với năm 2021), trong đó 9có 09 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (tăng hơn 1 mặt hàng so với năm 2021).

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.

 

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2022 dự kiến tăng khoảng 8,5% so với năm 2021 và cơ bản được kiểm soát tốt. Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu tăng, chiếm gần 90%; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm 6%.

Bộ trưởng Công Thương: Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2022 vượt 730 tỷ USD - 2

Xuất khẩu hàng hoá năm 2022 đạt kết quả ngoạn mục.

Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

"Kết quả tăng trưởng của xuất khẩu năm 2022 là điểm sáng trong phát triển kinh tế đất nước, thể hiện sự nỗ lực của Bộ Công Thương trong thực thi đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt cơ hội phục hồi và khan hiếm hàng hóa từ các thị trường nhập khẩu, khai thác hiệu quả các FTA nhanh chóng đẩy mạnh xuất khẩu", ông Diên chia sẻ.

Cùng với xuất khẩu, tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước cũng bật tăng mạnh trở lại sau 2 năm ảnh hưởng bởi COVID-19. Dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 ước đạt khoảng 5.639,5 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2021 (kế hoạch tăng 8%). Các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt ở các địa phương trên cả nước, nhu cầu mua sắm tăng.

Hoạt động thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng. Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

“Điều đó cho thấy các chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch của nhà nước đã phát huy hiệu quả, thị trường trong nước tiếp tục được củng cố, phục hồi và phát triển. Quy mô và dung lượng thị trường năm 2022 đạt mức tăng trưởng rất cao so với năm trước”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

https://vtc.vn/bo-truong-cong-thuong-xuat-nhap-khau-viet-nam-nam-2022-vuot-730-ty-usd-ar723131.html

PHẠM DUY / VTC News