Tình hình Triều Tiên: Về mặt kỹ thuật, Triều Tiên đã thực hiện một số vụ thử bom hạt nhân. Tuy nhiên, để có thể tấn công bằng vũ khí loại đó, nước này cần phải chế được một đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để lắp vào tên lửa.
Triều Tiên có bom hạt nhân chưa?
Chính quyền Kim Jong Un tuyên bố đã "thu nhỏ" thành công các đầu đạn hạt nhân nhưng các chuyên gia quốc tế nghi ngờ điều này.
Tuy nhiên, theo thông tin rò rỉ cho hãng tin Washington Post hồi tháng 8/2017, các quan chức tình báo Mỹ tin Triều Tiên đã đạt khả năng đó.
Đàm phán về chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã sa lầy từ lâu. (Ảnh: Science Photo Library)
Bom hạt nhân của Triều Tiên uy lực đến mức nào?
BÌnh Nhưỡng tuyên bố đã thực hiện thành công 5 vụ thử hạt nhân: năm 2006, 2009, 2013, tháng 1 và tháng 9/2016.
Sức nổ của các quả bom dường như đang tăng lên.
Vụ thử tháng 9/2016 cho thấy một thiết bị với sức nổ 10-30 kiloton – và nếu đúng thì đây là vụ thử hạt nhân mạnh nhất của Triều Tiên từ trước đến nay.
Theo BBC, một câu hỏi lớn là liệu các thiết bị đang được thử nghiệm là bom nguyên tử hay bom nhiệt hạch (bom H). Bom H uy lực hơn nhiều vì giải phóng một khối năng lượng khổng lồ, còn bom nguyên tử sử dụng phân hạch hạt nhân hoặc phân chia các nguyên tử. Các vụ thử năm 2006, 2009 và 2013 đều là bom nguyên tử.
Triều Tiên tuyên bố vụ thử tháng 1/2016 được thực hiện với bom H. Nhưng các chuyên gia nghi ngờ điều này dựa trên mức độ nổ.
Plutonium hay uranium?
Một vấn đề khác nữa là vật liệu khởi đầu cho vụ thử hạt nhân. Giới phân tích tin hai vụ thử đầu tiên dùng plutonium. Nhưng Triều Tiên dùng plutonium hay uranium trong vụ thử năm 2013 vẫn là điều bí ẩn.
Một vụ thử uranium thành công có nghĩa là Triều Tiên đạt một tiến bước lớn trong tham vọng chế tạo bom hạt nhân. Trữ lượng plutonium của Triều Tiên có hạn nhưng nếu làm giàu được uranium thì nước này có thể xây dựng được một kho trữ hạt nhân.
Làm giàu plutonium cần đến các cơ sở lớn, dễ bị phát hiện trong khi làm giàu uranium có thể thực hiện một cách bí mật.
Triều Tiên dùng một tên lửa ba giai đoạn để đưa vệ tinh lên không trung năm 2012. (Ảnh: KCNA)
Triều Tiên có thể tấn công hạt nhân?
Không có sự đồng thuận liệu chính quyền đã thu nhỏ được một thiết bị hạt nhân để lắp vừa lên tên lửa. Theo thông tin rò rỉ cho báo Washington Post, các quan chức tình báo Mỹ tin Triều Tiên đã đạt đến trình độ đó. Bộ Quốc phòng Nhật mới đây cũng thừa nhận đó là một khả năng.
Đánh giá mới được đưa ra chỉ ít tuần sau khi Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà nước này khẳng định có thể bắn tới Mỹ. Giới phân tích nghi ngờ tuyên bố của Bình Nhưỡng nhưng hầu hết các chuyên gia tin tên lửa có thể phóng tới Alaska hoặc Hawaii.
Cơ sở hạt nhân chủ chốt của Triều Tiên được cho là nằm trong vùng đồi núi gần Yongbyon, phía bắc Bình Nhưỡng. Còn các vụ thử tháng 9/2016 được cho là ở bãi thử Punggye-ri.
Cả Mỹ và Hàn Quốc đều tuyên bố tin Triều Tiên có các cơ sở phụ trợ liên quan đến chương trình làm giàu uranium. Nước này có nhiều kho dự trữ quặng uranium.
Cộng đồng quốc tế đã làm được gì?
Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia cùng Triều Tiên trong nhiều vòng thương lượng được gọi là đàm phán sáu bên. Đã có nhiều nỗ lực khác nhau nhằm đạt tới các thỏa thuận giải giáp nhưng rốt cuộc không có gì cản được Bình Nhưỡng.
Chính quyền Kim Jong Un rốt ráo phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa bất chấp cấm vận quốc tế. (Ảnh: KCNA)
Năm 2005, Triều Tiên nhất trí một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, đồng ý từ bỏ tham vọng hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế và nhượng bộ chính trị. Năm 2008, nước này phá tháp làm lạnh ở Yongbyon. Mặc dù vậy, việc thực thi thỏa thuận gặp khó khăn và đàm phán sa lầy năm 2009.
Mỹ chưa bao giờ tin Bình Nhưỡng đóng cửa hoàn toàn tất cả các cơ sở hạt nhân của nước này. Nghi ngờ càng được củng cố khi Triều Tiên công bố một cơ sở làm giàu uranium ở Yongbyon, tuyên bố mục đích là để sản xuất điện.
Năm 2012, Triều Tiên bỗng nhiên tuyên bố sẽ dừng mọi hoạt động hạt nhân và ngưng thử tên lửa để đổi lấy viện trợ của Mỹ. Nhưng tất cả trở thành con số 0 khi Bình Nhưỡng phóng thử một tên lửa vào tháng 4 cùng năm.
Tháng 3/2013, sau cuộc khẩu chiến với Mỹ và chịu cấm vận quốc tế mới vì vụ thử hạt nhân lần 3, Bình Nhưỡng tuyên bố khởi động lại tất cả các cơ sở ở Yongbyon. Năm 2015, các hoạt động bình thường ở đó dường như nối lại.
Các vụ thử năm 2016 vấp phải sự phản đối gay gắt của cộng đồng quốc tế, trong đó có Trung Quốc - đối tác thương mại chính của Triều Tiên.
Năm 2017, Liên Hợp Quốc nhất trí loạt đòn trừng phạt mới vì Triều Tiên thử vũ khí.
Trong tháng 8, Tổng thống Donald Trump cảnh báo đáp trả Triều Tiên bằng "lửa và sự cuồng nộ" mà thế giới chưa từng thấy nếu nước này tiếp tục đe dọa Mỹ. Đáp trả, chính quyền Kim Jong Un tuyên bố đang phát triển một kế hoạch tấn công đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Rung chấn mạnh xảy ra ở Triều Tiên, nghi do thử hạt nhân Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết có rung chấn mạnh xảy ra tại Triều Tiên ở độ sâu khoảng 10 km, nghi ... |
Triều Tiên tuyên bố phát triển thành công bom nhiệt hạch cho tên lửa đạn đạo Truyền thông Triều Tiên đưa tin nước này đã phát triển được một quả bom nhiệt hạch có thể gắn lên tên lửa đạn đạo ... |
http://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/ho-so/tinh-hinh-trieu-tien-moi-nhat-giai-ma-chuong-trinh-bom-hat-nhan-cua-trieu-tien-396722.html