Sau 5 năm dừng thu, dự án BOT Cai Lậy sẽ chính thức thu phí trở lại từ ngày 7/10.
- Thu phí trở lại trạm BOT Cai Lậy, chờ văn bản đồng thuận của tỉnh Tiền Giang
- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo nóng về dự án BOT Cai Lậy
Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Cường, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN xung quanh việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thu phí minh bạch, xe đi đường nào trả tiền đường đó.
Đủ điều kiện thu phí
Ông Nguyễn Xuân Cường, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN. Ảnh: Tạ Hải
Đến nay, dự án BOT đã dừng thu 5 năm. Thưa ông, vì sao phải dừng thu lâu như vậy?
Dự án BOT Cai Lậy được thực hiện tại đoạn tuyến tránh đi qua thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang và tăng cường mặt đường đoạn từ Km 1987+560 - Km 2015+000 trên QL1. Dự án được hoàn thành và tổ chức thu phí BOT từ ngày 1/8/2017.
Trước đây, cả tuyến tránh và tuyến chính chỉ có 1 trạm thu phí, người dân đi qua hai tuyến đường này cùng chịu chung 1 mức giá nên không được người dân đồng tình, ủng hộ.
Do có những diễn biến phức tạp về an ninh, trật tự, các tài xế không đồng tình và phản đối bằng cách dùng tiền lẻ để trả gây tắc nghẽn giao thông trên QL1. Ngày 4/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tạm dừng thu phí để nghiên cứu phương án xử lý.
Vậy đến thời điểm này công tác chuẩn bị cho việc thu phí trở lại đã được thực hiện thế nào, thưa ông?
Đến nay, nhà đầu tư đã hoàn thành các công việc từ xây dựng thêm trạm thu phí trên tuyến tránh thị xã Cai Lậy; hoàn thành sửa chữa hư hỏng mặt đường tuyến tránh; dọn dẹp vệ sinh, chặt cây, cắt cỏ, hoàn thành sơn mặt đường trên QL1 và tuyến tránh, đảm bảo ATGT trên tuyến. Các điều kiện thu phí đã được kiểm tra, rà soát, hiện tất cả các khâu đã hoàn thiện, đủ điều kiện thu phí.
Từ ngày 25/9, nhà đầu tư đã thu phí thử. Qua gần 5 ngày cho thấy, thiết bị hoạt động bình thường, đảm bảo được các điều kiện thu phí. Tổng cục đã báo cáo Bộ GTVT dự kiến ngày 7/10 sẽ thu phí chính thức. Để đảm bảo mốc thời gian này, Tổng cục Đường bộ VN đã thành lập đoàn kiểm tra các điều kiện thu phí trở lại.
Tổng cục Đường bộ VN cũng đã làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang, đưa ra các giải pháp giữ an ninh trật tự và đảm bảo ATGT. UBND tỉnh Tiền Giang đã đồng thuận thu phí trở lại và triển khai nhiều giải pháp quyết liệt đảm bảo an ninh trật tự tại trạm thu phí.
Áp dụng thu phí không dừng
BOT Cai Lậy đã thu phí thử nghiệm từ ngày 25/9. Ảnh: Lê Lối
Vậy phương án thu phí được Tổng cục Đường bộ VN đưa ra như thế nào?
Các trạm thu phí sẽ áp dụng công nghệ thu phí không dừng theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Thu phí không dừng cũng sẽ đảm bảo được tính minh bạch, thuận tiện trong thanh toán cho người dân và không bị ùn tắc giao thông.
Người dân quanh trạm được miễn giảm giá vé theo đúng quy định của Bộ GTVT. Đối tượng giảm giá là các phương tiện của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú và có trụ sở chính trên địa bàn 41 xã, phường, thị trấn trong phạm vi bán kính 10km quanh trạm thu phí Km 1990+300, QL1. Giảm giá 100% cho xe buýt, phương tiện không kinh doanh.
Các loại phương tiện sử dụng để kinh doanh giảm 50%.
Giá vé dịch vụ tại trạm thu phí Km 1999+300, QL1 thấp nhất là 14.000 đồng, cao nhất là 118.000 đồng. Giá vé tại trạm thu phí trên tuyến tránh thấp nhất là 24.000 đồng, cao nhất là 137.000 đồng.
Các phương án thu đưa ra đảm bảo theo đúng quy định và sự chỉ đạo tại Công điện 100 của Chính phủ và Bộ GTVT.
Xe đi đường nào trả tiền đường đó
Dự án này có 2 trạm thu phí, chủ phương tiện sẽ phải trả tiền thế nào?
Việc tổ chức thu phí được thực hiện theo hình thức liên trạm và theo nguyên tắc: Khi phương tiện đi qua 1 trạm thu phí trên 1 chiều lưu thông thì thanh toán tiền dịch vụ sử dụng đường bộ 1 lần cho 1 lượt lưu thông. Khi phương tiện đi qua 2 trạm thu phí trên 1 chiều lưu thông, chỉ thanh toán tiền dịch vụ sử dụng đường bộ 1 lần cho 1 lượt lưu thông.
Doanh thu được ghi nhận theo nguyên tắc: Phương tiện đi qua trạm thu phí trên tuyến tránh sẽ ghi nhận doanh thu cho trạm thu phí trên tuyến tránh, phương tiện không đi qua trạm thu phí trên tuyến tránh thì ghi nhận doanh thu cho trạm thu phí trên QL1.
Lắp camera giám sát, chuẩn bị các phương án
Đến 29/9, trạm thu phí của dự án trên QL1A đang chạy thử nghiệm với 6 làn tự động để ngày 7/10 chính thức hoạt động. Ảnh: Lê Lối
Như ông đã nói, dự án BOT Cai Lậy đã gặp phải sự phản đối của người dân, lần thu phí trở lại này ông có lo ngại điều tương tự sẽ xảy ra?
Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã chỉ đạo nhà đầu tư xây dựng thêm trạm thu phí trên tuyến tránh. Vì vậy, việc thu phí hiện nay đảm bảo tính minh bạch, phương tiện đi tuyến đường nào thì trả tiền theo mức phí của tuyến đường đó.
Tổng cục Đường bộ VN đã chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ IV cắt cử 9 công chức Thanh tra cùng với lực lượng Công an giữ gìn an ninh trật tự và đảm bảo ATGT. Cục Quản lý đường bộ IV cũng điều 1 xe cứu hộ giao thông chuyên dụng hỗ trợ nhà đầu tư xử lý các hành vi cố tình chống đối.
Tổng cục Đường bộ cũng đã chỉ đạo nhà đầu tư có nhiều phương án, kịch bản để đảm bảo an ninh trật tự tại trạm như yêu cầu nhà đầu tư thuê thêm lực lượng vệ sỹ để giữ an ninh trật tự. Bên cạnh đó sẽ có lực lượng cứu thương thường trực phòng tránh các tình huống.
Đặc biệt, thực hiện theo chỉ đạo của Công an tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư đã lắp hệ thống camera giám sát tại trạm thu phí. Dữ liệu sẽ được truyền trực tiếp về Công an tỉnh để xử lý kịp thời các sự cố.
Trong trường hợp xảy ra sự cố gây ùn tắc sẽ đóng đường và phân luồng lên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Theo ông đâu là yếu tố quan trọng nhất để việc thu phí của dự án thành công?
Việc quan trọng hiện nay là cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, Tổng cục Đường bộ VN đã báo cáo Bộ GTVT, báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo công tác này để tạo sự đồng thuận. Tỉnh Tiền Giang cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân xung quanh trạm ủng hộ chủ trương thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư.
Điều quan trọng nhất là sự vào cuộc địa phương để giữ gìn an ninh trật tự, việc thu phí sẽ thành công. Tỉnh Tiền Giang cũng đã đưa ra nhiều giải pháp. Đây cũng là cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho nhà đầu tư thu hồi vốn, tạo yên tâm, lòng tin cho nhà đầu tư hạ tầng giao thông.
Cảm ơn ông!
"Dự án đầu tư xây dựng công trình QL1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường Km 1987+560 - Km 2014+000, QL1 tỉnh Tiền Giang được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Tổng chiều dài dự án khoảng 39km, trong đó phần tuyến tránh dài khoảng 12km, chiều dài phần tăng cường nền, mặt đường QL1 hơn 26km. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 1.390 tỷ đồng, bao gồm tăng cường mặt QL1 dài hơn 26km và xây dựng tuyến tránh dài 12km.Trạm thu phí dự án ban đầu đặt trên QL1 để thu phí cho hai tuyến đường. Tuy nhiên, từ khi trạm đi vào hoạt động ngày 1/8/2017, nhiều tài xế đã phản ứng, tụ tập đông người người gây ùn tắc, mất an ninh trật tự. Hơn 4 tháng sau, dự án phải dừng thu phí đến nay."
Bố trí lực lượng đảm bảo ATGT
Theo Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang, qua theo dõi trong những ngày qua (thời gian triển khai thu phí thử nghiệm), tại khu vực trạm thu phí trên QL1 và trạm thu phí tuyến tránh Cai Lậy không xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông.
“Đến giờ này, lực lượng CSGT chưa nhận được thông tin chính thức về thu phí tại các trạm BOT Cai Lậy. Tuy nhiên, để đảm bảo ATGT, lực lượng CSGT thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên QL1 và tuyến tránh Cai Lậy để kịp thời xử lý những tình huống giao thông xảy ra, nhất là khi 2 trạm thu phí chính thức đi vào hoạt động”, đại diện Phòng CSGT Công an Tiền Giang cho biết.
Theo ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang, thẩm quyền cho phép thu phí BOT Cai Lậy thuộc Bộ GTVT, Bộ đã giao cho Tổng cục ĐBVN quyết định. Tỉnh Tiền Giang chỉ phối hợp để bảo đảm về an ninh trật tự, ATGT trên địa bàn.
Ông Lê Trung Duy, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang - doanh nghiệp dự án cho biết, trong quá trình thu phí trở lại, Công ty sẽ bố trí các xe cứu thương tại 2 trạm thu phí BOT Cai Lậy. Các xe cứu thương có nhiệm vụ hỗ trợ phương tiện và người gặp nạn. Hiện, Công ty đã lắp đặt một số camera trên tuyến nhằm cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng để điều tiết giao thông tốt nhất, phục vụ phương tiện lưu thông tốt hơn.
Công ty đã xây dựng phương án phối hợp với các lực lượng chức năng nhằm đảm bảo trật tự, ATGT khi lưu thông trên tuyến. Hiện, Công ty đã lắp đặt xong hệ thống thu phí không dừng, cụ thể: Tại trạm thu phí trên QL1 có 8 làn (mỗi hướng 4 làn), trong đó có 6 làn thu phí không dừng, 2 làn hỗn hợp. Đối với trạm tuyến tránh Cai Lậy có 4 làn (mỗi bên 2 làn), trong đó 1 làn thu phí không dừng, 1 làn hỗn hợp.
Theo ông Duy, Công ty thường xuyên phối hợp các lực lượng chức năng, trao đổi thông tin để nắm bắt kịp thời tình hình và có các giải pháp điều động nhân viên, tổ chức thu phí phù hợp với tình hình thực tế.
Trong trường hợp xảy ra ùn tắc giao thông, trưởng ca thu phí ở các trạm sẽ thông báo với lực lượng chức năng về sự việc trên và phối hợp với lực lượng chức năng thông báo đến tài xế việc dùng xe cứu hộ di chuyển xe ra khỏi phạm vi trạm để đảm bảo ATGT.
Trường hợp lái xe cố tình không phối hợp hoặc phát hiện các xe cố tình khai báo không đúng về tình trạng hư hỏng của xe thì lực lượng chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
https://www.baogiaothong.vn/bot-cai-lay-san-sang-thu-phi-tu-710-d567710.html