Buýt nhanh BRT vẫn “một mình một đường”, đó là thông tin được ông Ngô Mạnh Tuấn - PGĐ Sở GTVT Hà Nội - cho biết tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy mới đây.

buyt nhanh brt van doc dao mot duong lang phi ha tang giao thong

Thưa thớt hành khách trên xe buýt nhanh thời điểm chiều 7.3. Ảnh: TRẦN VƯƠNG

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giao thông, đô thị cho rằng, với hoạt động như hiện nay, buýt nhanh BRT đã không hiệu quả như kỳ vọng, lượng khách thưa thớt khiến lãng phí hạ tầng giao thông.

Ưu tiên vượt bậc vẫn… thưa thớt khách

Sau 1 năm chính thức đi vào hoạt động, tuyến xe buýt nhanh BRT 01, lộ trình bến xe (BX) Kim Mã - BX Yên Nghĩa đã được những ưu tiên vượt trội như có làn đường riêng, đầu tư hệ thống xe cộ, nhà chờ hiện đại. Với những ưu tiên vượt bậc, buýt nhanh được kỳ vọng sẽ thu hút đông đảo hành khách, giảm bớt phương tiện cá nhân, giảm tắc đường trên tuyến trên, thu hút người dân tham gia các phương tiện công cộng. Tuy nhiên thực tế, số lượng người sử dụng buýt nhanh vẫn rất ít so với kỳ vọng.

Theo khảo sát của PV Lao Động trong nhiều ngày, lượng khách trên xe buýt nhanh BRT này vẫn rất thưa thớt, có những thời điểm xe xuất bến chỉ với 2-3 hành khách. Cụ thể, lúc 13h54’ ngày 7.3, chiếc xe buýt nhanh BRT mang BKS 29B-15475 xuất bến tại Kim Mã chỉ với 4 hành khách. Tại điểm dừng tiếp theo là nhà chờ Kim Mã chiếc xe này đón thêm được 2 người khách nữa.

Tương tự, tại các nhà chờ tiếp theo, lượng khách cũng rất thưa thớt, thậm chí có điểm không có khách nào. Cho đến điểm cuối của tuyến này là BX Yên Nghĩa lúc 14h33’ xe còn 2 hành khách.

Cũng trong tình trạng rất ít khách, chuyến xe buýt nhanh BRT mang BKS 29B-15012 xuất phát từ BX Yên Nghĩa lúc 14h40’ chỉ với 2 hành khách. Tổng lượt hành khách trong suốt tuyến chỉ hơn chục người, thời điểm đông nhất trên xe chỉ có 8 hành khách.

Đến 15h20’, xe này cập bến điểm cuối là BX Kim Mã. Thời gian di chuyển của những chiếc xe buýt nhanh cho đoạn đường từ BX Yên Nghĩa - BX Kim Mã là khoảng 40-45 phút. Trong điều kiện giao thông thông thoáng, thời gian chờ các tuyến buýt nhanh từ 4-5 phút.

Anh Nguyễn Văn Hùng (46 tuổi, ở Quang Trung, Hà Đông) cho biết: “Mấy ngày nay tôi thường xuyên phải di chuyển bằng xe buýt từ Hà Đông lên Vạn Phúc. Dịp này, xe khá thoáng đãng, ít khách, hầu hết ai lên xe cũng đều có ghế ngồi. Xe lại cứ băng băng một mình một đường nên rất tiện”.

Cần tránh lãng phí hạ tầng, giao thông

Liên quan đến hoạt động của xe buýt BRT 01 lộ trình BX Kim Mã - BX Yên Nghĩa, ông Ngô Mạnh Tuấn - PGĐ Sở GTVT Hà Nội - cho biết: Cho đến thời điểm này, tuyến BRT là tuyến buýt riêng do đó các phương tiện khác không được đi vào làn của xe buýt nhanh. Cũng như hiện, chưa có chuyện xe buýt thường được chia đường tại làn xe buýt nhanh đang chạy.

Trao đổi về việc này, chuyên gia giao thông TS Nguyễn Xuân Thủy nhìn nhận: Xe buýt nhanh ở Việt Nam hiện nay đang có những yếu điểm, chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng và mang lại hiệu quả tương xứng với việc đầu tư. Trong khi các phương tiện khác không có chỗ mà đi thì buýt nhanh được “nghênh ngang” một đường. Nếu nhìn vào số lượng hành khách trên các tuyến buýt so với mức đầu tư nghìn tỉ đồng thì như vậy là rất lãng phí.

“Việc lựa chọn tuyến đường này trước đây để làm buýt nhanh là chưa phù hợp từ hạ tầng giao thông, khả năng kết nối và phân tích thông tin hành khách… Do đó nên sửa sai bằng cách nghiên cứu và thực hiện việc chia sẻ hạ tầng giao thông với xe buýt thường để giảm bớt áp lực giao thông” - ông Thủy nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, TS Nghiêm Xuân Đạt - Phó Chủ tịch Hiệp hội môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam - cho rằng: Hiện nếu ít xe và tần suất thấp thì nên chia đường cùng với buýt thường để tránh lãng phí. Xe buýt thường cũng là phương tiện vận chuyển hành khách công cộng, khi được chia đường sẽ tránh được sự lãng phí hạ tầng giao thông, giảm đi những bức xúc trong bối cảnh đường xá kẹt cứng, ùn tắc.

Bên cạnh đó, sau tuyến buýt nhanh đầu tiên này thì cần phải tính toán và rút kinh nghiệm, chọn tuyến buýt nhanh chứ không phải cố “ép” cho được, để tránh dẫn đến lãng phí và những bức xúc trong việc tham gia giao thông.

Còn ông Thái Hồ Phương - Phó Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị - cho hay: Về hạ tầng phục vụ vận hành và tiếp cận giao thông đang có một số ý kiến về việc nghiên cứu đề xuất các tuyến buýt thường được sử dụng làn đường dành riêng cho buýt nhanh BRT từ 4h-23h hằng ngày; các phương tiện khác sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 23-4h ngày hôm sau. Việc này đang ở bước nghiên cứu, chưa có đề xuất chính thức.

Theo số liệu của Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội), sau 1 năm vận hành, lượng hành khách (HK) vận chuyển được gần 5 triệu lượt, trong đó ngày cao điểm đạt 17.465HK/ngày, khách bình quân cả năm đạt 40,1HK/lượt, vào những giờ thấp điểm chỉ đạt khoảng 18,8 HK/lượt. Trong khi đó, sức chứa của những chiếc xe buýt nhanh này lên tới 90 HK/lượt. Điều này cho thấy, dù được ưu tiên vượt bậc, buýt nhanh vẫn chưa hoạt động được như kỳ vọng.
buyt nhanh brt van doc dao mot duong lang phi ha tang giao thong Sở Giao thông Hà Nội: \'Buýt thường không được đi vào làn BRT\'

Ông Ngô Mạnh Tuấn cho rằng ý kiến cho các phương tiện đi vào đường dành cho buýt nhanh BRT là của một đơn vị ...

buyt nhanh brt van doc dao mot duong lang phi ha tang giao thong Lý do Hà Nội dừng triển khai tuyến buýt nhanh BRT thứ 2

TP Hà Nội chính thức tạm dừng triển khai dự án xây dựng tuyến buýt nhanh số 02 dài hơn 30km từ bến xe Kim ...

buyt nhanh brt van doc dao mot duong lang phi ha tang giao thong Bất ngờ lý do thất bại của hệ thống BRT trên thế giới

Khác với Việt Nam - nơi trạm dừng BRT vắng vẻ người sử dụng, các nước có hệ thống BRT trên thế giới lại thất ...

buyt nhanh brt van doc dao mot duong lang phi ha tang giao thong Cho các phương tiện khác "chung làn" buýt nhanh là sự thất bại của BRT

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị đề xuất thành phố Hà Nội cho phép ...

/ https://laodong.vn