Đến với Shark Tank Việt Nam mùa 6, ngoài việc tìm kiếm các startup để đầu tư, Shark Tuệ Lâm còn muốn đồng hành với các doanh nghiệp ở những vòng gọi vốn sau. Quỹ Nextrans đã góp phần ươm được 3 ‘kỳ lân’ ở Hàn Quốc và Mỹ, nhưng tại Việt Nam chưa có ai. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Tuệ Lâm vẫn chưa ‘tranh được với các anh’ bất cứ deal nào ở ‘trong bể’.
Lý do đưa Tuệ Lâm đến với Shark Tank Việt Nam mùa 6
Chia sẻ trong chương trình tọa đàm ra mắt Hội đồng đầu tư Shark Tank Việt Nam mùa 6, theo Giám đốc quỹ đầu tư Nextrans Việt Nam – Lê Hàn Tuệ Lam, thì dù thị trường đang ảm đạm, nhưng tiền đầu tư vẫn không thiếu, nó chỉ nằm đâu đó ở ngoài kia.
Theo Tuệ Lâm, dù có khủng hoảng thì quy mô nền kinh tế vẫn tăng trưởng chứ không đi thụt lùi. Chỉ là khi khủng hoảng, thì nhà đầu tư sẽ xem xét các startup kỹ hơn, các startup phải có sự cân bằng nhất định, nếu không quá giàu tiềm năng thì ít nhất nó sẽ không dễ chết.
“Hiện tại, danh mục đầu tư của Nextrans có khoảng 70 startup trên khắp thế giới, tại Việt Nam có khoảng 30. Khi làm nghề đầu tư, chúng ta luôn phải tự hỏi bản thân: 'Cơ hội tốt để đầu tư nằm ở đâu?'. Các nhà đầu tư có thể tiếp xúc với các startup thông qua mạng lưới quan hệ mà họ có, ở các sự kiện hoặc các quỹ giới thiệu cho nhau… Với tôi, Shark Tank Việt Nam là nơi có thể xuất hiện startup tốt để đầu tư.
Vậy nên, lý do đầu tiên khiến tôi quyết định đến với Shark Tank mùa 6 là để tìm kiếm các doanh nghiệp tốt và thương hiệu mạnh cho Nextrans Việt Nam. Còn lý do thứ hai là muốn đi đường dài với các startup để Việt Nam không chỉ có 4 ‘kỳ lân’”, Shark Lê Hàn Tuệ Lâm tiết lộ.
Cho tới thời điểm này, quỹ Nextrans đã góp phần ươm được 3 ‘kỳ lân’ ở Hàn Quốc và Mỹ - đồng hành từ lúc cả 3 có giá trị 10 triệu USD đến 1 tỷ USD, nhưng tại Việt Nam chưa có ai. Hiện tại, Việt Nam mới có 4 ‘kỳ lân’ công nghệ, còn nếu không kể Sky Marvis bứt tốc quá nhau nhờ trend game blockchain, thì chỉ còn 3.
Thực tế, trong vòng đời của các startup, thường thì họ không gọi vốn 1 lần mà sẽ nhiều lần. Sau 4 năm làm việc ở Nextrans, Tuệ Lâm đã tiếp xúc với rất nhiều nhà đầu tư cũng như quỹ đầu tư ở nước ngoài – đặc biệt là 2 thị trường Hàn Quốc và Mỹ, nên chị có rất nhiều kinh nghiệm cũng như nguồn lực để có thể hỗ trợ kết nối tất cả với các startup Việt Nam. Đến với Shark Tank Việt Nam, Nextrans Việt Nam sẵn sàng đi cùng với các startup bất đầu từ 1 đến 2 triệu USD.
Khoản đầu tư phổ biến của Nextrans Việt Nam thường rơi vào khoảng từ 100.000 USD đến 500.000 USD, tuy nhiên nếu có startup rất tốt quỹ này vẫn sẵn sàng xuống từ 1 đến 2 triệu USD. Nextrans Việt Nam sẽ đầu tư đa ngành, nhưng sẽ thiên hướng về đầu tư bền vững và những ngành gắn liền với giá trị cốt lõi của Việt Nam như công nghệ giáo dục, công nghệ xanh hoặc công nghệ nông nghiệp.
Trong danh mục đầu tư của Nextrans Việt Nam có thể kể ra một số cái tên tiêu biểu như EcoTruck, GoDee, Ecomobi, Infina, Viec.co, thuocsi.vn, Wecare…
“Dù là người đại diện một quỹ đầu tư tại Việt Nam, nhưng vì còn rất trẻ, nên khi gặp các startup, tôi sẽ đến với tâm thế học hỏi; bởi mỗi founder sẽ gần như là chuyên gia trong lĩnh vực mà họ hoạt động.
Trước đây tôi khá nóng tính, nên khi gặp các founder ‘ngáo giá’, tôi sẽ nói thẳng với họ rằng họ định giá vậy là không đúng, kiểu ‘ở thị trường này kia cũng không có cái giá đó’. Nhưng bây giờ thì tôi mặc kệ và chúc họ may mắn, bởi sớm muộn gì thì họ cũng bị thị trường ‘vả mặt’”, Tuệ Lâm chia sẻ.
Tiêu chí mà Shark Tuệ Lâm đưa ra cho các startup không đơn giản
Tuy nhiên, dù là Shark nữ duy nhất cũng là ‘cá mập’ trẻ nhất bể, nhưng chị vẫn không được các tiền bối nhường nhịn và vẫn đang ‘trắng tay’ cho tới thời điểm này.
“Trước khi nhận lời lên Shark Tank Việt Nam, chị Lê Hạnh (pv - CEO TV Hub và là nhà sản xuất Shark Tank Việt Nam) có nói đùa với tôi: ‘Sắp tới, có đi siêu thị hay ăn ốc chắc em phải trang điểm, nếu không gặp khán giả họ có thể bảo ‘tại sao mặt mộc của Shark khác với trên TV vậy’.
Tôi thì không sợ câu chuyện đẹp xấu hay bị nhiều người soi mói. Chưa lên Shark Tank Việt Nam, tôi cũng đã bị rất nhiều người soi mói, ghen tị. Các Shark được yêu mến là vì mang lại được một hoặc hai giá trị cốt lõi cho các startup, vậy nên, chỉ cần làm tốt việc đồng hành với các startup trong quãng đường dài, thì tôi không sợ điều tiếng gì cả.
Cái tôi sợ nhất là áp lực khi phải ‘đấu’ với các Shark khác trên chương trình. Tôi là người mới lại còn rất trẻ, trong khi các đồng nghiệp đều là những ‘cá mập’ kỳ cựu đã có vài mùa thăng hoa. Vậy nên, dù được đối xử nhẹ nhàng và không bị chèn ép gì cả, nhưng tôi vẫn chưa tranh được với các anh bất cứ deal nào!”, Tuệ Lâm thú nhận.
Ngoài ra, việc Giám đốc quỹ đầu tư Nextrans Việt Nam vẫn chưa thành công tranh giành deal nào ở Shark Tank Việt Nam, còn bởi tiêu chí mà chị đưa ra cho các startup quá khó.
Để lọt vào mắt xanh của Shark Tuệ Lâm, các founder phải vừa đam mê với lĩnh vực mà mình hoạt động, vừa quyết liệt trong hành động vừa phải có cam kết đi đến cùng. Hay cụ thể hơn, là các startup phải vừa có niềm tin mãnh liệt vào sứ mệnh mà startup mình hướng đến đồng thời phải có năng lực thực hiện mục tiêu mà mình đã đề ra.
Trên chương trình Shark Tank Việt Nam, các founder có 1 tiếng để pitching nên rất khó để có thể thấy toàn cảnh 1 startup/founder. Tuy nhiên, theo Shark Tuệ lâm, nếu founder nào có những phẩm chất nói trên rất đậm đặc thì chị sẽ thấy ngay, còn nếu chỉ thấy mơ hồ thì sau đó sẽ phải đi tìm hiểu thêm.
“Nhà sáng lập tốt nhưng thị trường không đủ lớn hoặc bản chất sản phẩm đấy chưa giải quyết triệt để nỗi đau của thị trường thì không phải là các công ty mà tôi tìm kiếm”, Shark Tuệ Lâm thêm.
Còn khi đã chấp nhận xuống tiền đầu tư cho các startup, Nextrans Việt Nam Việt Nam thường có xu hướng muốn trở cố vấn chứ không can thiệp quá sâu vào quá trình vận hành của các startup.