Bước vào năm học mới, mối lo của các bậc phụ huynh về việc tăng học phí vừa được giải tỏa khi HĐND thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 17/2022/NQ-HĐND quy định mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2022-2023. Dù vậy, câu chuyện về các khoản thu ngoài học phí vẫn là đề tài nóng ở nhiều diễn đàn, đòi hỏi các cơ sở giáo dục cần tăng tính minh bạch trong triển khai để dư luận đồng thuận, giảm bức xúc.
- Hà Nội: Tạm thời chưa thu học phí mầm non, phổ thông công lập năm học 2022-2023
- Bớt những môn học vô bổ để giảm gánh nặng học phí
- Hà Nội sẽ hỗ trợ học phí cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập khoảng 1.133 tỷ đồng năm học 2022-2023
Mức học phí mầm non, phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2022-2023 vẫn giữ nguyên như năm học 2021-2022. Trong ảnh: Giờ vui chơi của học sinh Trường Mầm non Hoa Hướng Dương (quận Cầu Giấy). Ảnh: Nguyễn Quang
Học sinh đóng học phí như năm trước
Tin vui trong tuần vừa qua đối với nhiều gia đình có con ở độ tuổi mầm non, phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội là thông tin mức học phí mà học sinh phải nộp của năm học 2022-2023 vẫn giữ nguyên như năm học 2021-2022. Cụ thể, ngày 12-9-2022, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết số 17/2022/NQ-HĐND quy định mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2022-2023. Mức học phí năm học 2022-2023 chia theo ba vùng. Ở vùng thành thị (học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn các phường và thị trấn), học phí bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông là 300.000 đồng/học sinh/tháng. Ở vùng nông thôn (trên địa bàn các xã, trừ các xã miền núi), học phí bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở là 100.000 đồng/học sinh/tháng; trung học phổ thông là 200.000 đồng/học sinh/tháng. Ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi (trên địa bàn xã miền núi), học phí bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở là 50.000 đồng/học sinh/tháng; trung học phổ thông là 100.000 đồng/học sinh/tháng.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, việc tăng học phí của năm học 2022-2023 là quy định phải thực hiện theo lộ trình Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Mức học phí mà thành phố Hà Nội xây dựng là mức sàn của Nghị định. Ngân sách của thành phố sẽ cấp bù phần chênh lệch tăng so với năm học trước và tiếp tục hỗ trợ 50% mức học phí cho cả năm học 2022-2023. Với số tiền hơn 1.100 tỷ đồng, Hà Nội là địa phương dành nhiều ngân sách nhất cả nước để hỗ trợ học phí.
Chị Nguyễn Minh Lan, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Mai Động (quận Hoàng Mai) cho biết: “Có 3 con học phổ thông, gia đình tôi rất lo lắng bởi sau thời gian dài bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19, điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn. Theo nghị quyết vừa ban hành, mức đóng của mỗi học sinh vẫn như năm học trước. Nhờ vậy, gia đình tôi bớt được một khoản chi phí hằng tháng”.
Minh bạch trong thu, chi là điều kiện cần thiết để phụ huynh đồng thuận cùng nhà trường. Trong ảnh: Một tiết học của học sinh Trường Tiểu học Yên Viên (huyện Gia Lâm). Ảnh: Đỗ Tâm
Minh bạch để chặn lạm thu
Vừa vơi mối lo học phí, giữa tháng 9 vừa qua, nhiều phụ huynh học sinh Trường Mầm non Cự Khê (huyện Thanh Oai) bày tỏ sự bức xúc về việc nhà trường dùng một phần tiền thu thêm của một số lớp để sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trường học mà không có sự thỏa thuận. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai Đoàn Việt Dũng cho biết, ngày 17-9, đơn vị đã làm việc với Ban Giám hiệu, giáo viên, phụ huynh học sinh Trường Mầm non Cự Khê và thống nhất: Kinh phí của phụ huynh đóng góp để phục vụ trực tiếp cho học sinh, nhà trường không được dùng vào việc khác. Phòng đã chỉ đạo trường triển khai các khoản thu xã hội hóa, tài trợ... đúng quy định, có sự đồng thuận của phụ huynh và phải được Phòng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Một trong những giải pháp quan trọng nhằm hạn chế hiện tượng lạm thu đầu năm học, đó là công khai, minh bạch các khoản để phụ huynh nắm rõ và thực hiện đúng. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đối với các khoản thu ngoài học phí, năm học 2022-2023, các trường công lập vẫn áp dụng theo Quyết định số 51/ 2013/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, gồm: Bán trú; học 2 buổi/ngày; nước uống cho học sinh; học phẩm; dạy thêm, học thêm…
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các trường tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT. Bảy khoản tiền mà ban đại diện không được thu cũng được công khai, gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất, an ninh; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp, trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; mua máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Để kịp thời xử lý các thông tin "nóng", Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình đã công khai số điện thoại của đơn vị và cá nhân Trưởng phòng. “Khi triển khai các khoản thu, nhà trường phải bảo đảm nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp. Mức thu được tính toán trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi và phải được thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện, có sự thống nhất của ban giám hiệu nhà trường và cơ quan quản lý cấp trên trước khi ban hành”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình Lê Đức Thuận thông tin.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết thêm, Sở cũng đã yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo, các nhà trường công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận những thông tin liên quan đến công tác giáo dục; không thu gộp nhiều khoản vào một thời điểm. Sở sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thu chi; xử lý nghiêm, kịp thời đối với hiệu trưởng nhà trường để xảy ra sai phạm.