Trong thời gian qua, các quốc gia châu Á liên tục đầu tư, trang bị hệ thống phòng thủ hiện đại để nâng cao tiềm lực quân sự của mình.
Các nhà phân tích cảnh báo, châu Á có thể sẽ rơi vào một cuộc chạy đua vũ trang khi các nước phản ứng trước sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc, cũng như căng thẳng xung quanh các chương trình vũ khí của Triều Tiên kéo dài. Dưới đây là danh sách các hệ thống phòng thủ mà một số chính phủ châu Á đang tìm cách đầu tư nâng cấp.
Australia
Hôm 16/9, Australia cho biết sẽ đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, một phần của thỏa thuận quan hệ đối tác an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với Mỹ và Anh.
Australia cũng sẽ tăng cường khả năng tấn công tầm xa bằng tên lửa hành trình Tomahawk được triển khai trên các tàu khu trục hải quân và tên lửa đất đối không cho các máy bay phản lực F/A-18 Hornet và F-35A Lightning II có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 900 km.
Máy bay phản lực F-35A tại một căn cứ không quân bên ngoài Newcastle, Australia. (Ảnh: EPA-EFE) |
Australia cũng sẽ triển khai tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM) trên máy bay phản lực F/A-18F Super Hornet, trong khi tên lửa dẫn đường tấn công chính xác có khả năng tiêu diệt mục tiêu từ hơn 400 km được lên kế hoạch trang bị cho lực lượng trên bộ.
Ngoài ra, Australia cũng sẽ hợp tác với Mỹ để phát triển tên lửa siêu thanh theo thỏa thuận an ninh AUKUS. Hồi tháng 6, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua việc bán 29 máy bay trực thăng tấn công Boeing Co AH-64E Apache cho Australia theo thỏa thuận trị giá lên tới 3,5 tỷ USD.
Hàn Quốc
Nước này đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) vào ngày 15/9, trở thành quốc gia đầu tiên không có vũ khí hạt nhân phát triển một hệ thống như vậy. Tên lửa này được cho là biến thể của tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2B phóng từ mặt đất của nước này, có tầm bay khoảng 500 km.
Năm ngoái, Hàn Quốc cũng đã phát triển tên lửa Hyunmoo-4, có tầm bắn 800 km và có thể mang trọng tải 2 tấn. Hàn Quốc đã công bố các tên lửa mới khác, và nước này sẽ sớm triển khai tên lửa hành trình siêu thanh trong thời gian tới.
Hàn Quốc cũng đang nỗ lực phát triển động cơ tên lửa nhiên liệu rắn như một phần của kế hoạch phóng vệ tinh do thám vào cuối những năm 2020 và đã thử nghiệm thành công hồi tháng 7.
Năm ngoái, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nêu chi tiết đề xuất đóng 3 tàu ngầm, 2 trong số chúng - với lượng choán nước 3.000 tấn và 3.600 tấn, sẽ hoạt động dựa trên động cơ diesel.
Hàn Quốc bắn tên lửa đạn đạo Hyunmoo II. (Ảnh: AP) |
Triều Tiên
Tháng 7/2019, các phương tiện truyền thông Triều Tiên đưa tin, lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một chiếc tàu ngầm lớn, mới đóng của nước này. Giới phân tích nhận định, loại tàu ngầm này được thiết kế để mang tên lửa đạn đạo.
Cuối năm 2019, Triều Tiên đã bắn thử thành công tên lửa đạn đạo mới từ biển, và nước này cũng đã giới thiệu một biến thể tên lửa đạn đạo mới trong một cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng.
Hôm 29/9, Triều Tiên cho biết đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh mới được phát triển một ngày trước đó. Giờ đây, Triều Tiên tham gia một cuộc chạy đua phát triển loại vũ khí này cùng với Mỹ, Nga và Trung Quốc. Vũ khí siêu thanh được coi là thế hệ vũ khí tiếp theo.
Vụ phóng tên lửa siêu thanh diễn ra hai tuần sau khi truyền thông Triều Tiên cho biết, nước này đã thử nghiệm hệ thống phóng tên lửa đầu tiên trên tàu hỏa.
Trung Quốc
Nước này đang sản xuất hàng loạt tên lửa đạn đạo DF-26, loại vũ khí đa năng có thể gắn đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn lên tới 4.000 km.
Tại cuộc duyệt binh năm 2019, Trung Quốc cũng đã trình làng các máy bay không người lái (UAV) mới và trình diễn các tên lửa siêu thanh và xuyên lục địa có khả năng tấn công cao, được thiết kế để tấn công các tàu sân bay và các căn cứ vốn có sức mạnh quân sự của Mỹ ở châu Á.
Tên lửa siêu thanh DF-17 của nước này có thể cơ động với tốc độ gấp nhiều lần tốc độ âm thanh, khiến nó khó bị đối phó hơn.
Trung Quốc cũng có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 - xương sống của lực lượng răn đe hạt nhân của Trung Quốc, có khả năng bắn tới Mỹ với nhiều đầu đạn.
Tên lửa đạn đạo DF-26 được Trung Quốc trình diện tại cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters) |
Nhật Bản
Nhật Bản đã chi hàng triệu USD cho các vũ khí phòng không tầm xa và đang phát triển một phiên bản mới của tên lửa chống hạm Type 12 với tầm bắn dự kiến 1.000 km.
Năm 2020, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Nhật Bản đã đạt thỏa thuận mua 105 máy bay chiến đấu F-35 của Lockheed với chi phí ước tính là 23 tỷ USD.
Đài Loan
Đầu tháng này, Đài Loan công bố kế hoạch chi 8,69 tỷ USD trong 5 năm tới để nâng cấp khả năng vũ khí của hòn đảo này, chương trình này sẽ bao gồm trang bị tên lửa tầm xa và tên lửa hành trình hiện có. Tên lửa hành trình mới có tầm bắn lên tới 1.200 km và là phiên bản nâng cấp của tên lửa hành trình Hsiung Sheng.
Năm 2020, chính phủ Mỹ đã phê duyệt việc bán 100 hệ thống phòng thủ bờ biển Harpoon do Boeing sản xuất, 3 hệ thống vũ khí bao gồm tên lửa, cảm biến và pháo, cùng 4 máy bay không người lái tinh vi cho Đài Loan. Tổng giá trị khoảng 5 tỷ USD.
Tháng trước, Washington đã thông qua việc bán 40 hệ thống pháo tự hành cho Đài Loan trong một thỏa thuận trị giá lên tới 750 triệu USD.