Những bất cập trong chính sách BHXH đã tạo ra sự phân biệt đối xử, gây thiệt thòi cho giáo viên ở nông thôn, công tác trong hệ thống cơ sở mầm non ngoài công lập
"Bây giờ cô về hưu rồi, lương tháng ba cọc ba đồng, không làm thì lấy gì đủ sống..." - cô giáo Nguyễn Thị Lành (ngụ xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) đã tâm tư như vậy khi nói về những bất cập trong chính sách BHXH.
Thực trạng chung
Cô giáo Lành có hơn 34 năm công tác, về hưu từ năm 2016, lương hưu hằng tháng chỉ hơn 1 triệu đồng - bằng 37% thu nhập bình quân trong gần 10 năm làm việc cuối. "Gắn bó với nghề, khổ cực thế nào cũng vượt qua. Lúc về hưu xa cái nghề mấy chục năm gắn bó đã thấy buồn, giờ nhận đồng lương còi cọc càng buồn hơn. Nhưng biết phải làm sao, nhiều giáo viên về hưu khác cũng như mình. Thôi thì có bao nhiêu hay bấy nhiêu" - cô Lành bộc bạch.
Để đủ tiền trang trải cho cuộc sống gia đình, cô Lành cùng chồng hằng ngày làm đủ mọi việc. Ông Nguyễn Phúc Cảnh, chồng cô Lành, cho biết vì tuổi cao sức yếu, vợ chồng ông bệnh hoài; tiền hưu trí, tiền bán lúa cũng dồn hết vào… bệnh viện.
Từ khi về hưu, cô giáo Nguyễn Thị Lành phải lao động cật lực nhưng vẫn không đủ trang trải cho cuộc sống Ảnh: TỬ TRỰC
Ông Trương Văn Nam, Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Ngãi, cho biết tỉnh này dù chưa có số liệu chính thức nhưng phải có đến hàng trăm giáo viên mầm non hưởng lương hưu thấp. Theo ông Nam, dù họ gắn bó cả đời với nghề giáo nhưng chỉ đóng BHXH kể từ năm 1995 trở lại đây, mất quãng thời gian dài trước đó do cấp xã trả lương bằng… thóc.
"Vì thời gian đóng BHXH ngắn, cộng với tiền lương làm cơ sở đóng thấp nên mức lương hưu cũng thấp theo. Đây là thực tế chung ở nhiều địa phương chứ không riêng gì Quảng Ngãi. Việc này phát xuất từ quy định không bắt đóng BHXH đối với giáo viên mầm non trước năm 1995" - ông Nam lý giải.
Theo thống kê của BHXH tỉnh Hà Tĩnh, đến nay, đơn vị này đã chi trả lương hưu cho hơn 270 giáo viên mầm non trên địa bàn với mức lương 1,3 triệu đồng/tháng như trường hợp cô giáo Trương Thị Lan ở xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên mà báo chí đã phản ánh. Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Hà Tĩnh, thừa nhận: "Đây là thực trạng chung của cả nước. Ngành giáo dục rất trăn trở nhưng vì quy định của BHXH là vậy nên đành chịu".
Thiệt thòi tự gánh chịu
Theo giải thích của BHXH Việt Nam, trước ngày 1-1-1995, giáo viên mầm non không được tuyển dụng vào biên chế nhà nước nên không được tính là thời gian công tác để hưởng BHXH. Từ ngày 1-1-1995, theo quy định tại Điều lệ BHXH ban hành kèm Nghị định số 12/CP ngày 26-1-1995 của Chính phủ, giáo viên mầm non thời gian công tác trước ngày 1-1-1995 cũng không được tính hưởng BHXH. Về sau, các văn bản quy phạm pháp luật có sự điều chỉnh, cho phép một số đối tượng được truy đóng BHXH từ ngày 1-1-1995 đến khi đã tham gia đóng BHXH (từ năm 2004).
Cô Nguyễn Thị Châu nâng niu những tấm giấy khen được tặng trong thời gian giảng dạy mầm non Ảnh: HÀ PHONG
Trường hợp cô giáo Trương Thị Lan cũng như các giáo viên mà Báo Người Lao Động phản ánh nhận lương hưu từ 1,3 triệu đồng/tháng trở xuống là vì lý do nêu trên - tức bị cắt quãng thời gian công tác trước năm 1995 để tính thời gian công tác hưởng BHXH. Đáng nói hơn cả là phần lớn rơi vào những người công tác trong hệ thống cơ sở mầm non ngoài công lập, làm việc ở nông thôn.
Trên thực tế, trước thời điểm xảy ra vụ việc của cô giáo Trương Thị Lan, khá nhiều cơ quan BHXH địa phương lúng túng, gặp vướng mắc trong việc tính thời gian công tác trước ngày 1-1-1995 để hưởng BHXH đối với giáo viên mầm non. Do đó, ngày 7-2-2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Công văn số 333, hướng dẫn cách tính. Theo đó, đối với giáo viên mầm non dạy học ở thành phố, thị xã có thời gian công tác trước ngày 1-1-1995, sau đó được tuyển dụng vào biên chế nhà nước thì thời gian công tác được tính hưởng BHXH tính từ khi làm giáo viên mầm non. Trường hợp giáo viên mầm non ở nông thôn, thị trấn chỉ được tính từ ngày được tuyển dụng vào biên chế chính thức, tức từ sau ngày 1-1-1995.
Theo các chuyên gia, chính sự phân biệt, đối xử này đã gây thiệt thòi đối với số đông giáo viên mầm non ngoài công lập. Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An, bày tỏ: "Ngành giáo dục rất mong muốn các bộ, ngành liên quan quan tâm đến nguyện vong của các giáo viên, xem xét lại việc chi trả lương khi về hưu hợp lý để họ có thể lo được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống".
Nhận lương hưu, khóc còn hơn khi biết bị ung thư! Cô giáo Nguyễn Thị Châu - giáo viên Trường Mầm non Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị - nhận quyết định về hưu sau 27 năm công tác vào tháng 8-2017. "Hôm cầm trên tay vỏn vẹn 1,3 triệu đồng tháng lương hưu đầu tiên, tôi đã bật khóc, khóc nhiều hơn cả khi biết tin mình mắc bệnh ung thư" - cô rầu rĩ. Khoảng vài tháng trước lúc về hưu, cô Châu phát hiện mình bị bệnh ung thư vú giai đoạn 2. Gia đình đã cầm cố tài sản, vay mượn hơn 100 triệu đồng để lo chi phí chữa trị. Hoàn cảnh gia đình của cô Châu hiện rất khó khăn. Ông Phùng Xuân Khảm (chồng cô Châu; Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Tân) dù bị viêm tuyến giáp, sưng tấy ở cổ nhưng không dám đến bệnh viện phẫu thuật vì chi phí quá lớn. "Cả lương hưu của vợ và tiền lương của tôi cộng lại chưa đến 2,5 triệu đồng. Trong khi đó, con gái út đang học, vợ đau ốm thuốc thang thường xuyên nên tháng nào gia đình cũng lâm cảnh túng thiếu. Tôi ủ bệnh nhưng cũng chẳng dám đi điều trị, vì chi phí vượt quá tầm tay" - ông cám cảnh. Theo ông Lê Thanh Hải, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Linh, thống kê ban đầu cho thấy toàn huyện có 7 giáo viên về hưu nhận lương 1,3 triệu đồng/tháng, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. "Cống hiến lâu năm nhưng khi về hưu nhận được mức lương đó làm sao họ sống được. Giờ họ có kêu cũng không biết kêu ai!" - ông Hải băn khoăn. |
Nỗi buồn lương hưu Sốc, buồn... là những từ được nhắc nhiều trong những ngày gần đây. Bởi đó là tâm trạng của rất nhiều lao động nữ khi ... |
NÓI THẲNG: Trêu ngươi như biệt phủ, vô cảm như lương hưu giáo viên Cuối cùng thì chẳng ai biết nguồn gốc biệt phủ trên khu đất rộng hơn 13.000 mét vuông ở TP Yên Bái của cựu giám ... |
Nước mắt lương hưu Câu chuyện giảm lương hưu của lao động nữ những ngày qua được đẩy lên cao trào với vụ việc cô giáo Trương Thị Lan ... |
http://nld.com.vn/thoi-su/cam-canh-luong-huu-giao-vien-lanh-nhu-bhxh-20171107220433282.htm