Để có thể cấm xe máy vào nội đô, chuyên gia giao thông tính toán, tỷ lệ đáp ứng hiện nay của xe buýt là khoảng 10%, như vậy, để tăng tỷ lệ đáp ứng lên mức 15% sẽ cần khoảng 2.400 phương tiện, mức 20% là khoảng 3.300 phương tiện.

Việc hạn chế xe máy cần thực hiện theo lộ trình từ hẹp đến rộng

Sáng nay (25.10), Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến xây dựng 2 đề án: Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

Và Đề án: “Thu phí phương tiện cơ giới vào mộ số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”.

Về Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, báo cáo tại hội thảo, Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải – Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đề xuất xem xét dừng hoạt động xe máy chỉ khi hệ thông vận tải hành khách công cộng và các phương tiện thay thế đáp ứng tối thiểu 60,5% nhu cầu đi lại của người dân.

Để đảm bảo yêu cầu trên, đến năm 2030 cần đưa vào hoạt động 8 đoạn tuyến đường sắt đô thị, khoảng 200 tuyến buýt, 35.000 taxi, 50.000-55.000 xe hợp đồng.

Trình bày quan điểm tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Vinh – nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho biết, việc hạn chế xe máy cần thực hiện theo lộ trình, từ phạm vi hẹp đến rộng.

GS Vinh trình bày ý kiến tại hội thảo. Ảnh: C.N

Bà Vinh dẫn Đề án thí điểm hạn chế xe máy đi vào khu vực nội thành của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, xác định 6 tuyến đường hạn chế xe máy gồm: Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Xuân Thủy – Cầu Giấy,  Giải Phóng, Nguyễn Văn Cừ, Trần Duy Hưng và Khu vực bảo tồn cấp 1 mở rộng và cho rằng – những năm qua khu vực quận Hà Đông đã xây dựng dày đặc các khu đô thị mới. Một lượng lớn người, hàng ngày, buổi sáng từ các khu đô thị này đi vào trung tâm thành phố và buổi chiều đi từ trung tâm trở về nhà, tạo nên dòng giao thông con lắc trên hai tuyến đường Nguyễn Trãi và Tố Hữu – Lê Văn Lương.

Vì vậy, theo GS.TS Nguyễn Thị Vinh, Sở Giao thông Vận tải cho thí điểm hai tuyến đường này trước là phù hợp. Bởi trên hai tuyến đường này có hai tuyến giao thông công cộng có sức chuyên chở lớn chạy qua là BRT (đường Tố Hữu – Lê Văn Lương) VÀ LRT (đường Nguyễn Trãi).

Theo GS Vinh, để giao thông công cộng có sức hấp dẫn đối với mọi người thì nhà quản lý cần nghiên cứu bố trí hợp lý các bãi đỗ xe đạp, xe máy để mọi người thuận tiện sử dụng giao thông công cộng; Tổ chức nhiều tuyến xe mini buýt để phục vụ cho người dân đi lại trong khu vực trung tâm.

“Tâm lý nhiều năm đi xe máy của người dân đô thị là thích đi từ “cửa” đến “cửa”, việc đi bộ từ bến xe giao thông công cộng đến nơi cần đến trong khoảng 1km là rất ngại. Vì vậy, thành phố nên tăng cường các tuyến xe buýt mini, thậm chí cả xe điện ba đánh có thể chở 2 người giống như ở Tokyo hay Kyoto”, bà Vinh cho hay.

Cấm xe máy phải gỡ khó về hạ tầng

GS.TS Từ Sỹ Sùa (Đại học Giao thông vận tải) tại hội thảo cho hay, mặc dù quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội tập trung vào phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng có sức chứa lớn, tuy nhiên, căn cứ trên tình hình thực tế xây dựng các tuyến đường sắt đô thị và BRT hiện nay thì đến năm 2020, thành phố Hà Nội mới chỉ có một tuyến BRT (Yên Nghĩa – Kim Mã) và hai tuyến đường sắt đô thị vẫn chưa đi vào khai thác.

TS Từ Sỹ Sùa.

Với kịch bản này, theo GS Từ Sỹ Sùa tính toán tỷ lệ đáp ứng hiện nay của xe buýt là khoảng 10%, như vậy, để tăng tỷ lệ đáp ứng lên mức 15% sẽ cần khoảng 2400 phương tiện, mức 20% là khoảng 3300 phương tiện. Với điều kiện cơ sở hạ tầng như hiện nay, việc đưa thêm số lượng phương tiện trên vào hoạt động là hết sức khó khăn.

Tuy nhiên, GS Từ Sỹ Sùa cho rằng vẫn cần phải kiên định với chủ trương phát triển vận tải hành khách công cộng. Đây là giải pháp cơ bản giải quyết ùn tắc giao thông và hạn chế phương tiện cá nhân. Trong vận tải hành khách công cộng, xe buýt vẫn đóng vai trò chủ yếu đến năm 2030.

 

Hà Nội có thể hạn chế xe máy lưu thông từ 6-22 giờ
Hàng trăm xe máy “vô chủ” ở sân bay Tân Sơn Nhất: Chưa có cách xử lý
Nhóm đối tượng gây ra hàng loạt vụ trộm cắp xe máy Honda SH sa lưới

/ laodong.vn