Ngày 31-1, theo tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, chỉ trong vòng 1 tuần qua, các bác sĩ đã tiếp nhận và điều trị 10 ca lóc động mạch chủ, trong đó có 3 ca lóc động mạch chủ type A cấp tính, 2 ca chấn thương eo động mạch chủ, 2 ca vỡ phình động mạch chủ bụng dưới thận, 3 ca lóc động mạch chủ type B cấp tính.

Đề cập bệnh lý lóc động mạch chủ type A cấp tính, PGS.TS Phùng Duy Hồng Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) cho rằng, đây là bệnh lý ngoại khoa nguy hiểm và cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra đột tử ở người khỏe mạnh.

“Lóc động mạch chủ type A cấp tính thường xuất hiện ở những người có bệnh lý nền như cao huyết áp, một số bệnh bẩm sinh của mô liên kết như hội chứng Marfan, thường xảy ra nhiều hơn khi thay đổi thời tiết từ nóng sang lạnh”, PGS.TS Phùng Duy Hồng Sơn lưu ý.

PGS.TS Phùng Duy Hồng Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) thăm khám cho bệnh nhân.

Các biểu hiện của lóc động mạch chủ type A cấp tính, đó là cơn đau đột ngột vùng ngực hoặc bụng phía sau cột sống thắt lưng, cơn đau đột ngột dữ dội có thể lan từ bụng lên ngực hoặc từ ngực xuống bụng gây choáng ngất, vã mồ hôi lạnh.

Các nghiên cứu cho thấy, trong ngày đầu tiên có khoảng 20-30% bệnh nhân tử vong, trong 48 giờ đầu có 50%, tỷ lệ sống sót sau 1 tháng khoảng 10% nếu không được điều trị kịp thời.

Ngày nay, với sự phát triển của y học, nhiều bệnh lý đã được điều trị bằng can thiệp nội mạch. Tuy nhiên, lóc động mạch chủ type A cấp tính thì phẫu thuật cấp cứu vẫn là biện pháp duy nhất giúp cứu tính mạng của người bệnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức), trong năm 2022, bệnh viện đã tiếp nhận và phẫu thuật điều trị 101 bệnh nhân lóc động mạch chủ type A cấp tính với tỷ lệ tai biến biến chứng thấp, tỷ lệ tử vong là dưới 10%. Đây là kết quả tương đương với các trung tâm lớn trên thế giới.

Các chuyên gia y tế cho rằng, lóc động mạch chủ cấp tính rất nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong nhanh chóng do vỡ vào khoang màng tim, màng phổi hay suy tim cấp. Bệnh khi phát hiện thường phải phẫu thuật hoặc can thiệp, nhiều trường hợp phải mổ cấp cứu. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, hoàn toàn có thể phòng và điều trị tốt loại bệnh đặc biệt phức tạp này.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh cần loại bỏ các thói quen sinh hoạt có hại như: Hút thuốc lá, thuốc lào; kiểm soát tốt tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao; hạn chế bia, rượu. Tất cả các bệnh nhân lóc động mạch chủ, dù chưa được can thiệp, phẫu thuật hoặc đã can thiệp, phẫu thuật đều phải đi khám kiểm tra định kỳ theo hẹn. Khám sàng lọc cho người thân của những người bệnh đã được bác sĩ kết luận là bệnh động mạch chủ di truyền. Khi được cơ sở tuyến dưới chẩn đoán lóc động mạch chủ, cần được chuyển đến bệnh viện có khả năng điều trị thực sự, tránh chuyển qua nhiều tuyến sẽ mất cơ hội của bệnh nhân.

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Doi-song/1054295/canh-bao-benh-ly-nguy-hiem-gay-dot-tu-o-nguoi-khoe-manh

THU TRANG / HNM.com.vn