Chuyên gia cho rằng, thay vì về quê trong dịp Tết Thanh minh, người dân không rời khỏi nơi cư trú và có thể thắp hương, vái vọng từ xa.
Tết Thanh minh là một trong những khái niệm lập lịch của các nước phương Đông từ xa xưa.
Tết Thanh minh có nghĩa là khoảng thời gian khí trời trong sáng và thanh khiết, thường rơi vào khoảng thời gian sau Lập Xuân 45 ngày, hoặc sau Đông Chí 105 ngày.
Do đó, Tết Thanh minh của năm 2020 rơi vào ngày mùng 4/4 dương lịch, ngày mùng 12/3 âm lịch.
Dọn dẹp mộ ở Hải Phòng |
Theo TS Nguyễn Ánh Hồng - Trưởng khoa Văn hóa Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), vào ngày Thanh minh, người dân đi tảo mộ gia tiên và làm lễ cúng gia tiên sau tảo mộ. Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên và thắp hương cho người đã khuất.
Trong ngày Thanh minh, người già hay trẻ đều ra phần mộ dòng họ để con cháu có trách nhiệm hơn với gia đình, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn các thế hệ trước.
Tuy nhiên TS Nguyễn Ánh Hồng khẳng định, năm nay, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, người dân nên thay đổi cách thức cúng, lễ trong ngày này để đảm bảo sức khỏe bản thân và cộng đồng.
‘Theo Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, cách ly toàn xã hội từ 0h ngày 1/4 trên phạm vi toàn quốc, người dân không được rời khỏi nơi cư trú để về quê, đi tảo mộ…
Bởi vậy chúng ta phải chấp hành để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng’, bà Hồng nhấn mạnh.
Cũng theo TS Hồng, trong Tết Thanh minh, người dân có thể cúng ‘vọng tâm’ tức là cúng từ xa. Theo đó, các gia đình có thể bày biện mâm cúng và thắp hương tại từng gia đình, tránh việc đi lại, di chuyển khỏi nơi cư trú.
‘Người việt có câu ‘Tâm xuất Phật chứng’, nghĩa là không cần đến chùa vẫn lễ được. Chúng ta tưởng nhớ tổ tiên, người đã khuất bằng cái tâm, không nhất thiết phải về quê hương mới bày tỏ được lòng thành’, TS nói.
Cũng theo bà Ánh Hồng, mâm lễ cúng không cần quá cầu kỳ, tùy theo điều kiện từng gia đình có thể bày biện mâm cỗ phù hợp để thắp hương.
PGS.TS Trần Đắc Phu |
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cũng cho rằng, chúng ta đang thực hiện việc giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4 trên phạm vi toàn quốc.
Trong dịp Tết Thanh minh, nếu người dân về quê tổ chức ăn uống, liên hoan gặp mặt… sẽ không còn tác dụng của việc giãn cách xã hội.
Đặc biệt, hàng năm, đây là dịp con cháu ở khắp nơi trên cả nước về quê sum họp, sẽ gây ra nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Theo ông Phu, trong thời gian này, người dân phải tự giác chấp hành việc giãn cách xã hội nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Ngọc Trang - Nguyễn Thảo
Chủ tịch UBND TP Hà Nội: "Từ ngày mai, người nào ra đường không có việc cần thiết sẽ bị phạt" Kêu gọi người già và những người không có việc cần thiết cố gắng không đi ra ngoài đường từ nay tới 15/4, Chủ tịch UBND ... |
Hà Nội tạm đóng cửa phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ, phục hồi chức năng ngoài công lập Để phòng chống dịch Covid-19, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu tạm dừng hoạt động khám chữa bệnh ngoài công lập đối với ... |