Dù ngót nghét 100 tuổi, đôi vợ chồng già vẫn tinh tường và khỏe mạnh, hàng ngày trồng rau sạch bán cho các nhà hàng trong vùng.
Cụ ông Lê Văn Sẻ, 94 tuổi (trái) và cụ bà Nguyễn Thị Lợi, 88 tuổi tại nhà ở làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà, cách trung tâm phố phổ cổ Hội An 3 km. Ảnh: Media Corp. |
Nhiều khách du lịch đến với làng Trà Quế, Hội An nhất định muốn tìm gặp cặp vợ chồng cao tuổi nhất trong vùng. Cụ ông Lê Văn Sẻ, 94 tuổi, có vóc dáng nhỏ bé, râu tóc bạc phơ. Cụ bà Nguyễn Thị Lợi, 88 tuổi, nhỏ nhắn với nụ cười móm mém. Họ có lẽ là đôi vợ chồng nổi tiếng nhất ở phố cổ Hội An, không khó để bắt gặp ảnh chân dung của hai cụ treo trên tường nhiều nhà hàng địa phương, Channel News Asia đưa tin.
Hàng ngày, hai ông bà đầu đội nón lá xăng xái dẫn khách du lịch tham quan vườn rau mà hai cụ dày công vun xới. Giữa vườn rau xanh non, hai cụ nhiệt tình chụp ảnh cùng các du khách và tự hào giới thiệu về các loại rau thơm và rau xanh không phun hóa chất, bán cho các nhà hàng trong vùng.
"Rau ở làng Trà Quế có hương vị ngon hơn các nơi khác. Đất ở đây giàu phù sa, đó là lý do vì sao rau của chúng tôi thơm ngon", cụ ông, ngồi cạnh vợ trên chiếc ghế băng gỗ trong phòng khách, giải thích.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở trong làng Trà Quế, cụ Sẻ bắt đầu làm ruộng khi mới lên 10 tuổi. Áp dụng cách truyền thống của làng, cụ sử dụng rong rêu lấy từ sông ngòi và đầm phá gần đó để chăm bón các luống rau. Người dân địa phương trộn rong rêu với đất như một loại phân bón "đặc hiệu" nhằm giúp rau Trà Quế có hương vị khác biệt.
Du lịch - kế sinh nhai mới của người nông dân
Cụ ông Lê Văn Sẻ, 94 tuổi (trái) và cụ bà Nguyễn Thị Lợi, 88 tuổi chụp ảnh chung với du khách tại vườn rau của nhà, ở làng Trà Quế, xã Cẩm Hà, cách trung tâm phố phổ cổ Hội An 3 km. Ảnh: Media Corp. |
Nông dân ở làng Trà Quế bắt đầu trồng rau theo phương pháp hữu cơ một cách bài bản cách đây khoảng 20 năm khi chính phủ quyết định quy hoạch vùng này thành điểm thu hút khách du lịch.
Làng Trà Quế cách phố cổ Hội An ba cây số, du khách có thể đạp xe đến đây để trải nghiệm công việc làm nông truyền thống với những người nông dân, tham gia các lớp học nấu ăn với nguyên liệu là các loại rau sạch hoặc đơn giản đi dạo ngắm cảnh trong làng.
Khởi động vào năm 2000, dịch vụ du lịch cộng đồng không chỉ giúp cải thiện đời sống của người dân địa phương mà còn thay đổi phương pháp canh tác của họ.
"Thay vì dùng thuốc trừ sâu hóa học, chúng tôi phun lên những luống rau chất lỏng làm từ gừng, ớt và tỏi", ông Le Van Bay, trước kia từng là nông dân sau chuyển sang mở nhà hàng để phục vụ du khách, cho biết. "Nhờ loại hình du lịch cộng đồng, rau xanh ở đây được giá hơn trước".
Nhà hàng của ông Le Van Bay là một trong số 30 nhà hàng ở Trà Quế phục vụ các món ăn truyền thống kết hợp tổ chức các lớp nấu ăn và cung cấp dịch vụ masage thư giãn bằng thảo mộc dành cho khách du lịch.
"Cuộc sống trước kia thật vất vả. Giờ đây chúng tôi khá hơn nhiều rồi", ông Le Van Bay nói và tiết lộ thu nhập từ trồng rau sạch và kinh doanh du lịch giúp ông trang trải chi phí học hành cho 4 con đồng thời giúp cả nhà thoát nghèo.
Khi thoáng thấy một nhóm du khách nước ngoài trước vườn nhà, vợ chồng cụ Sẻ nhanh nhẹn đội nón chạy ra chào. Hướng dẫn viên người Việt cười tươi và giới thiệu: "Mọi người thật may mắn vì hôm nay gặp được cặp vợ chồng lớn tuổi nhất trong làng". Đứng trước vườn rau xanh tuyệt đẹp, hai cụ nở nụ cười rạng rỡ và sẵn sàng chụp hình chung với du khách như cách họ vẫn làm mỗi ngày.
An Hồng
Quảng Nam: Lễ Cầu Bông tại làng rau sạch 500 tuổi nức tiếng đất Quảng Mùng 7 tháng Giêng âm lịch thường niên, tại làng rau Trà Quế hơn 500 năm tuổi ở phố cổ Hội An (Quảng Nam) lễ ... |