Những lời kêu gọi "cắt ngân sách" đối với cảnh sát trở thành khẩu hiệu trên khắp nước Mỹ sau cuộc biểu tình hai tuần qua, và đang nhận được ủng hộ ngày càng tăng.

Nước Mỹ chi quá nhiều tiền cho lực lượng cảnh sát?

Đó là mục tiêu mà giới hoạt động hướng đến từ lâu, nhưng chưa bao giờ được ủng hộ như bây giờ. Nhiều quan chức đề xuất việc giảm ngân sách cho cảnh sát, hay chuyển tiền dành cho cảnh sát sang mục đích khác.

 

Theo Guardian, “cắt ngân sách cho cảnh sát” được các nhóm hoạt động cộng đồng vận động từ lâu, theo đó chuyển tiền dành cho cảnh sát và nhà tù sang đầu tư vào các dịch vụ công. Triết lý của điều này là tiền phục vụ “an ninh trật tự xã hội” nên ưu tiên đầu tư vào nhà ở, việc làm, y tế cộng đồng, giáo dục và các chương trình quan trọng khác, thay vì cảnh sát.

Các nhà vận động có những đòi hỏi khác nhau. Một số muốn giảm một phần tiền của cảnh sát, số khác muốn giảm vốn hoàn toàn, thay thế cách thức hoạt động của cảnh sát hiện tại. Họ lập luận rằng cắt vốn là cách tốt nhất, vì các nỗ lực cải cách cảnh sát trong vài năm qua đã thất bại, và họ nêu vụ George Floyd làm dẫn chứng.

 

Guardian dẫn phân tích gần đây cho thấy trong bốn thập niên qua, chi phí cho cảnh sát ở Mỹ đã tăng gấp ba, đang ở mức 115 tỷ USD, dù rằng tội phạm đã giảm liên tục. Ở hầu hết thành phố, chi tiêu cho cảnh sát vượt đáng kể chi tiêu cho các dịch vụ khác, như ở Los Angeles, cảnh sát nhận 1,8 tỷ USD, chiếm hơn nửa tiền của thành phố.

Dịch Covid-19 khiến các thành phố và bang phải cắt giảm nhiều khoản chi vào giáo dục, thanh thiếu niên, văn hóa - nghệ thuật, công viên, thư viện, nhà ở, nhưng ngân sách cảnh sát hầu như không bị động đến, cho đến khi có sức ép từ biểu tình hai tuần qua.

Sau vụ George Floyd, gần như ngay lập tức, nhiều thị trưởng và lãnh đạo được dân bầu ở Mỹ đã đảo ngược lập trường, ủng hộ cắt vốn của cảnh sát.

 

Thị trưởng Los Angeles cho biết đang muốn cắt 150 triệu USD của cảnh sát, chỉ hai ngày sau khi ủng hộ ngân sách trong đó tăng 7% tiền cho cảnh sát. Một đại biểu hội đồng thành phố New York kêu gọi chuyển 1 tỷ USD của cảnh sát New York sang mục đích khác. Các thành phố Philadelphia, Baltimore, Washington, D.C., San Francisco cũng có các động thái giảm vốn tương tự, hoặc phản đối việc tăng tiền cho cảnh sát.

Đi xa nhất là thành phố Minneapolis, nơi xảy ra vụ việc của George Floyd. Hội đồng thành phố cũng này thảo luận việc giải tán lực lượng cảnh sát.

Sự đổi ý của các chính khách là đáng kể, nhưng các nhà hoạt động thậm chí còn đòi hỏi xa hơn. Chẳng hạn, ở Los Angeles, các nhà hoạt động Black Lives Matter (tạm dịch: người da đen đáng được sống) kêu gọi chỉ cho cảnh sát 5,7% ngân sách của thành phố, thay vì 51% theo kế hoạch của thị trưởng.

 

Các nhóm lập luận rằng các thành phố không nên chỉ cắt nhỏ ở vài chỗ, mà tìm cách giảm quy mô, thậm chí giải tán hệ thống cảnh sát, và tìm “các giải pháp không liên quan đến cảnh sát cho các vấn đề mà người nghèo gặp phải”, chẳng hạn như tư vấn tâm lý hay tư vấn cho người nghiện.

Nước Mỹ chưa có ví dụ nào có thể tham chiếu về việc cắt vốn cho cảnh sát. Nhưng có một số nghiên cứu cho thấy giảm cảnh sát chưa chắc đã làm tội phạm gia tăng.

Năm 2014-2015, cảnh sát New York phản đối thị trưởng bằng cách làm ít đi, để chứng tỏ thành phố sẽ kém an toàn đi, nhưng điều ngược lại lại xảy ra. Khi cảnh sát không thực thi luật pháp kiểu “kính vỡ” (tức phạt nặng các tội nhẹ như làm vỡ kính cửa sổ), mức tội phạm giảm đi. Các nhà nghiên cứu đặt giả thuyết rằng thực thi pháp luật quá mạnh tay có thể khiến xã hội, cộng đồng bị nhiều gián đoạn, dẫn đến nhiều tội phạm hơn.

Các công đoàn của cảnh sát từ lâu đã chống đối các biện pháp cắt vốn, lập luận rằng cắt vốn sẽ làm thành phố kém an toàn. Họ chỉ ra các vụ cướp phá vừa qua làm dẫn chứng cho việc nhiều thành phố không có đủ cảnh sát.

Nhưng những bên ủng hộ cắt vốn lại chỉ ra rằng phản ứng đầy tính quân sự của cảnh sát đối với người biểu tình ôn hòa cho thấy cảnh sát mới là vấn đề, dù rằng biểu tình ôn hòa ban đầu chưa gây ra mối đe dọa.

Trên thế giới, cũng khó có ví dụ nào để các địa phương ở Mỹ nhìn theo, vì bối cảnh lịch sử phân biệt chủng tộc cũng như việc cho phép sở hữu súng khiến nước Mỹ khác các nơi khác, khó so sánh.

Tuy nhiên, một số ý kiến chỉ ra rằng Mỹ chi ít tiền hơn hẳn so với các nước phát triển vào dịch vụ xã hội, và chi nhiều tiền hơn vào an ninh trật tự. Và việc Mỹ có tỷ lệ phạm nhân cao hơn hẳn có thể là hệ quả.

Hai ứng viên Tổng thống đều phản đối cắt giảm ngân sách

Biểu tình đòi cắt ngân sách cảnh sát sau cái chết của George Floyd có thể trở thành tâm điểm của cuộc đua chính trị giữa Trump và Biden.

 

Donald Trump đang bị khủng hoảng bủa vây khi chỉ còn 5 tháng nữa Mỹ là bước vào cuộc bầu cử tổng thống. Covid-19 đã khiến ông chủ Nhà Trắng phải tạm dừng chiến dịch vận động tranh cử và tàn phá nền kinh tế Mỹ. Trump và chính quyền của ông cũng đối mặt với vô số chỉ trích vì phản ứng với đại dịch, khiến hơn 100.000 người Mỹ tử vong và hơn 40 triệu người thất nghiệp.

Rắc rối không dừng ở đó. Ngày 25/5, George Floyd, người đàn ông da màu 46 tuổi, chết sau khi bị cảnh sát da trắng ghì gáy ở thành phố Minneapolis, đã thổi bùng làn sóng biểu tình bạo loạn trên khắp nước Mỹ. Người biểu tình xuống đường đòi chấm dứt tình trạng bạo lực cảnh sát và phân biệt đối xử.

Trump ngày 1/6 điều cảnh sát dùng hơi cay giải tán người biểu tình ngoài Nhà Trắng để đến nhà thờ St. John chụp ảnh. Động thái này lập tức vấp phải chỉ trích từ cựu quan chức quân sự cấp cao, trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và cựu ngoại trưởng Colin Powell, người tuyên bố không bỏ phiếu cho Trump vào tháng 11 tới.

Tuần trước, cơ quan phụ trách chiến dịch tranh cử của Trump phải tổ chức một loạt cuộc họp khi kết quả nhiều cuộc thăm dò chỉ ra ứng viên Joe Biden "vượt mặt" Tổng thống Mỹ, thậm chí ở nhiều bang quan trọng như Wisconsin, Pennsylvania và Michigan.

 

Kết quả thăm dò của NBC News/Wall Street Journal công bố hôm 7/6 cho thấy tỷ lệ ủng hộ của Biden là 49%, trong khi Trump là 42%. Theo kết quả khảo sát của CNN hôm 8/6, tỷ lệ ủng hộ dành cho Biden là 55%, cao hơn Trump 14%.

Tổng thống Mỹ tuần trước đã gặp quan chức phụ trách chiến dịch tranh cử và lắng nghe chiến lược truyền thông mới với hai mục tiêu: thúc đẩy phục hồi kinh tế và "tấn công" Biden.

Trong khi đó, làn sóng biểu tình đòi cắt ngân sách cảnh sát ngày càng gia tăng. Một số người muốn chính phủ cắt giảm ngân sách dành cho lực lượng này và tái phân bổ vào các chương trình cộng đồng, trong khi nhiều người khác muốn hoàn toàn loại bỏ các sở cảnh sát.

"Sẽ không có cắt giảm ngân sách, không có giải tán cảnh sát", Tổng thống Trump khẳng định tại Nhà Trắng hôm 8/6 trước đại diện nhiều cơ quan hành pháp và thêm chính quyền của ông đang xem xét một số cải cách "để đảm bảo không còn cảnh sát xấu".

Trump và đội ngũ tranh cử của ông cũng xem lời kêu gọi là cơ hội để "tấn công" Biden. Trump cáo buộc Biden và phe Dân chủ ủng hộ cắt giảm ngân sách cảnh sát. "Phe Dân chủ cực tả muốn cắt ngân sách và giải tán cảnh sát Nhưng xin lỗi, tôi muốn pháp luật và trật tự", bài đăng Twitter của Trump hôm 8/6.

Tim Murtaugh, giám đốc truyền thông tranh cử của Trump, khẳng định "yêu cầu cắt giảm ngân sách và giải tán cảnh sát chỉ khiến tình hình thêm hỗn loạn".

"Như người biểu tình hay nói im lặng nghĩa là đồng ý. Sự im lặng của Joe Biden cho thấy ông ủng hộ lời kêu gọi này", Murtaugh nói hôm 8/6.

 

Tuy nhiên, Joe Biden không giữ im lặng. "Tôi không ủng hộ cắt ngân sách cảnh sát. Tôi ủng hộ cấp ngân sách liên bang cho cảnh sát dựa trên điều kiện họ có đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản về hành vi và phẩm chất đạo đức hay không. Hay thực tế có thể chứng minh họ bảo vệ được cộng đồng và mọi cư dân ở đó", Biden ngày 8/6 đáp lại cáo buộc của Trump.

Andrew Bates, người phát ngôn cho chiến dịch tranh cử của Biden, cho hay ứng viên đảng Dân chủ ủng hộ tăng cường ngân sách cho chương trình cải thiện mối quan hệ giữa cảnh sát với cộng đồng dân cư.

Joe Biden từng lên tiếng ủng hộ cải cách tư pháp hình sự, với kế hoạch đầu tư 300 triệu USD vào chương trình cải thiện mối quan hệ giữa cảnh sát và người dân, đồng thời cam kết thiết lập ủy ban giám sát cảnh sát quốc gia trong 100 ngày đầu nhậm chức nếu đắc cử tổng thống.

Bates tranh luận chính Trump là người khiến kế hoạch cải cách hệ thống tư pháp hình sự trở nên khó khăn. "Rất nhiều sở cảnh sát ở Mỹ nhận ra cần có những thay đổi như vậy, nhưng họ không có nguồn lực để thực hiện. Chính quyền của ông Trump đã cản trở việc họ tiếp cận nguồn lực đó", Bates nói.

Murtaugh đáp trả bằng cách chỉ trích Biden "đưa ra một tuyên bố yếu ớt thông qua một nhân viên cấp trung", thay vì tự mình lên tiếng.

Biden lập tức đăng bài Twitter đáp lại khi cùng vợ tới Houston gặp gia đình George Floyd hôm 8/6. "Chúng ta đang đối mặt với những thách thức lớn nhất trong lịch sử và Donald Trump luôn tự ngợi ca chính mình. Ông ấy không thực sự biết chuyện gì đang xảy ra với đất nước này", Biden viết. "Đã đến lúc ông ấy phải bước ra khỏi hầm trú ẩn và xem xét hậu quả do hành động, lời nói của mình gây ra".

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, người đã thông báo kế hoạch cải cách cảnh sát hôm 8/6, cũng lên tiếng phủ nhận ủng hộ cắt ngân sách. "Cấp ngân sách cho cảnh sát là vấn đề của địa phương. Điều mà chúng tôi muốn làm là thảo luận cách thay đổi chính sách để hệ thống hành pháp của chúng ta công bằng hơn", bà Pelosi khẳng định.

Nhà phân tích chính trị Stuart Rothenberg cho rằng Trump đang cố thay đổi bản chất của cuộc bầu cử, từ cuộc trưng cầu dân ý về bản thân ông thành sự đối lập giữa ông và Biden. Nhưng Rothenberg khẳng định Trump khó đạt được mục tiêu này.

"Trump thích khoe về bản thân. Là tổng thống đương nhiệm, ông ấy có quá nhiều hành động và tuyên bố khiến cử tri xa lánh. Ông ấy đang rơi vào tình thế khó khăn", Rothenberg nói.

Tuy nhiên, không chỉ Trump, nhiều nhà phân tích cho rằng Biden cũng đang rơi vào thế khó khi tuyên bố không ủng hộ cắt ngân sách cảnh sát, điều mà nhiều nhà hoạt động và biểu tình mong muốn.

"Ông Biden đang cố tìm kiếm một quan điểm trung gian. Bởi điều ông ấy lo là có quá nhiều người phẫn nộ sau cái chết của Floyd và có quá nhiều người nhận ra rằng phân biệt chủng tộc có hệ thống thực sự là vấn đề. Nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ dư luận Mỹ không đồng tình với việc bãi bỏ hoàn toàn các sở cảnh sát", Andra Gillespie, phó giáo sư về khoa học chính trị và giám đốc Viện James Weldon Johnson tại Đại học Emory, ở Atlanta, cho hay.

Cả Trump và Biden đều tuyên bố không ủng hộ cắt ngân sách cảnh sát và điều này sẽ khiến cả hai phải chịu rất nhiều áp lực, trong bối cảnh cần sự ủng hộ của cử tri. Giới chuyên gia nhận định khi làn sóng biểu tình ở Mỹ đòi chấm dứt bạo lực cảnh sát vẫn sục sôi, yêu cầu cắt giảm ngân sách sẽ trở thành vấn đề gây nhiều tranh cãi và là thách thức lớn cho cuộc đua vào Nhà Trắng của cả Trump và Biden.

Phóng viên (t/h)

Theo Nghề nghiệp và Cuộc sống

Nộp 750.000 USD, một trong 4 cựu cảnh sát làm George Floyd tử vong được tại ngoại
Mỹ: Xả súng ở California, phó cảnh sát trưởng bị thương
Diễn biến mới nhất xét xử cảnh sát có 7 tiền án làm chết George Floyd
Giải thể lực lượng cảnh sát, Minneapolis muốn hướng tới mô hình nào?