Hàng nghìn cây đô thị đã bước vào giai đoạn già cỗi, sinh trưởng kém cần thay thế.

Nhiều loài cây không phù hợp với điều kiện tự nhiên của Hà Nội nhưng vẫn được trồng đại trà không qua thử nghiệm, hay việc người dân tự phát trồng cây lấy bóng mát, dẫn đến cảnh quan cây xanh lộn xộn… Thực trạng trên đang đòi hỏi thành phố nghiên cứu, đánh giá, tìm ra những chủng loại cây xanh đô thị phù hợp.

hang-cay.jpg
Hàng cây phượng vĩ trồng tại dải phân cách của phố Xã Đàn. Ảnh: Triệu Dương

Cây trồng "lấp chỗ trống", hỗn loạn cảnh quan

Khảo sát và thống kê số lượng các loài cây bóng mát trồng trên địa bàn các quận của Hà Nội, Tiến sĩ, kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Kiến trúc cảnh quan (Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) nêu, trên đường phố nội đô hiện có 198 loài cây, thuộc 53 họ thực vật. Trong đó, một số loài cây truyền thống được trồng với số lượng lớn, như xà cừ, sữa, sấu, muồng, bằng lăng, lim xẹt, chẹo, sếu, phượng vĩ, sưa đỏ, thàn mát, vàng anh, quyếch, nhội, bàng...

Sự phân bố về thành phần loài cây xanh bóng mát trên mỗi tuyến phố khá đa dạng. Số loài cây trồng trên mỗi tuyến đường không đơn thuần 1 đến 2 loài như trước đây, mà trung bình từ 7 đến 15 loài cây. Đặc biệt có những tuyến phố có trên 18 loài cây xanh. Trong đó có cả những loài cây không phù hợp như dâu da xoan, bàng, bông gòn hay dướng...

“Trên nhiều tuyến phố, số loài cây do Nhà nước và người dân trồng thường đan xen nhau, với tính chất lấp chỗ trống và thậm chí trồng không đúng chủng loại cây theo quy định, khiến tuyến phố không chỉ đa dạng về loài mà còn đa dạng về lứa tuổi với chiều cao, đặc điểm hình thái khác nhau, dẫn đến sự lộn xộn. Nhiều loài cây không phù hợp với điều kiện tự nhiên của Hà Nội vẫn được trồng đại trà không qua thử nghiệm như phong lá đỏ, phượng tím… Nhiều loài không phù hợp với đặc điểm không gian như phượng vĩ được trồng trên dải phân cách hẹp, bàng lá nhỏ trồng dưới gầm đường sắt trên cao”, ông Phạm Anh Tuấn nêu.

Về thực trạng trồng cây xanh tự phát, đặc biệt tại một số huyện, thị xã chưa có quy hoạch cây xanh, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Đức Hưng lý giải, người dân trồng cây để lấy bóng mát nên thường chọn những loài cây lớn nhanh, tán rộng. Thậm chí, trên một số tuyến đường còn trồng nhiều loài cây hỗn tạp, không đáp ứng tiêu chí cây trồng đô thị, chưa bảo đảm cảnh quan.

Trong khi đó, qua thống kê sơ bộ, trên địa bàn 12 quận có trên 8.000 cây cổ thụ có độ tuổi tối thiểu 50 năm hoặc cây có đường kính từ 50cm trở lên tại chiều cao 1,3m của cây. Những cây này đã bước sang giai đoạn già cỗi, có biểu hiện sinh trưởng kém, bị sâu mục thân, gốc, thối rễ nên không còn khả năng chống chịu khi gặp mưa bão. Một số loài cây không thuộc chủng loại cây bóng mát đô thị, như dâu da xoan, vông, dướng, trứng cá, có số lượng hơn 3.500 cây, dễ bị gãy đổ khi gặp mưa gió, quả chín rụng gây mất vệ sinh môi trường…

Giữ nguyên tắc chọn, ưu tiên cây bản địa

Về việc lựa chọn cây đô thị phù hợp cho Hà Nội, Tiến sĩ, kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn đề xuất danh mục 20 cây bản địa dự tuyển từ Vườn quốc gia Ba Vì, có tiềm năng làm cây xanh bóng mát trên địa bàn thành phố. Đây là cơ sở khoa học cho việc bổ sung danh mục cây xanh bóng mát có khả năng trồng trong đô thị Hà Nội, vừa tạo lập giá trị bản sắc vừa gia tăng tính đa dạng sinh học và phát triển bền vững.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) khuyến cáo, trong chọn loài cây trồng đường phố Hà Nội cần tuân thủ một số nguyên tắc chính, trong đó ưu tiên các loài cây bản địa, “hợp cây, hợp đất”, bảo đảm công năng sử dụng, đáp ứng các yêu cầu cảnh quan đô thị và tiết kiệm kinh tế. Trước mắt, nên chọn các loại cây đô thị đẹp đã được kiểm nghiệm phù hợp với điều kiện đô thị Hà Nội, như cây hoa ban, sang, chà là, cọ dầu, lộc vừng, nhội, dầu rái, sấu, sưa trắng, sao đen…

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp GS.TS Phạm Văn Điển cho rằng, về chủng loại cây xanh đô thị, sẽ không có chủng loại cây chung chung cho Hà Nội mà được phân bổ theo địa điểm, nơi trồng, theo từng điều kiện cụ thể, như dưới gầm cầu, trên nóc nhà, ngoài công viên, thậm chí với từng tuyến phố. Để bảo vệ cây xanh, dù cây xanh gắn với đất đai công cộng nhưng khi được trồng trước mặt tiền của mỗi nhà, cần gắn trách nhiệm với người dân.

Còn Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, UBND thành phố đã ra Quyết định số 03/2023/QĐ-UBND (ngày 28-2-2023) ban hành quy định về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó có quy định các cây được trồng, hạn chế trồng và cấm trồng trong đô thị. Tuy nhiên, do đang rà soát, chỉnh sửa nên danh mục này vẫn chưa được ban hành chính thức, gây một số khó khăn trong công tác quản lý và kiểm soát việc trồng cây xanh trên địa bàn Thủ đô.

Để thay thế một số chủng loại cây bóng mát đã già cỗi, sinh trưởng kém, không còn khả năng chống chịu mưa bão, Sở Xây dựng cho rằng, thành phố cần xây dựng tiêu chí để phân loại, lập phương án thay thế, có sự tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học. Trong trường hợp xử lý cần công khai, minh bạch các nội dung và lấy ý kiến rộng rãi để đạt được sự đồng thuận của người dân.

https://hanoimoi.vn/cay-xanh-cho-do-thi-phai-dep-canh-quan-hop-moi-truong-675266.html

Bảo Hân / HNM.com.vn