Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh Quảng Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Lâm Đồng chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư BOT và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai lắp đặt các làn thu phí còn lại bảo đảm tại các trạm thu phí thuộc phạm vi quản lý, chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều xe chạy.

UBND các tỉnh có chế tài xử lý các nhà đầu tư không hoàn thành đúng tiến độ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về tiến độ và chất lượng trong quá trình triển khai nhiệm vụ.

Bộ GTVT cũng giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo dõi, đôn đốc, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trong quá trình triển khai, vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng bảo đảm tiến độ, đồng bộ, kết nối liên thông.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, hiện còn 106 làn thu phí thuộc 24 trạm thu phí cần lắp đặt ETC, chưa kể 140 làn do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, để bảo đảm tại mỗi chiều xe chạy chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp, trong đó, 48 làn thuộc 13 trạm do Bộ GTVT quản lý hiện đang triển khai lắp đặt các làn ETC còn lại. Còn lại 58 làn thuộc 11 trạm do địa phương như Quảng Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Lâm Đồng quản lý, sẽ do UBND các tỉnh, thành chịu trách nhiệm triển khai.

Chậm triển khai thu phí không dừng, 4 địa phương bị nhắc nhở -0
Hiện có hơn 2,5 triệu phương tiện đã dán thẻ thu phí tự động không dừng.

Tính đến đầu tháng 4/2022, đối với các trạm thu phí do Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền, hồ sơ thiết kế các làn còn lại tại các trạm thu phí đều được Tổng cục Đường bộ Việt Nam thỏa thuận, nhà đầu tư phê duyệt theo quy định; các nhà đầu tư đang triển khai nhập thiết bị để lắp đặt, vận hành. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới việc mua, nhập thiết bị dẫn đến tiến độ triển khai chưa đáp ứng yêu cầu.

Hiện Bộ GTVT đang quyết liệt chỉ đạo, hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ mua sắm, lắp đặt thiết bị, để hoàn thành trong quý 2/2022. Được biết, đến hết tháng 4, có hơn 2,5 triệu phương tiện đã dán thẻ thu phí tự động không dừng, chiếm hơn 51% số lượng phương tiện. Số lượng thẻ nạp tiền vào tài khoản để sử dụng dịch vụ đạt khoảng 60%.

Cũng liên quan đến việc dán thẻ thu phí không dừng, gần đây nhiều người dân thắc mắc, sau  khi mua bán xe, việc chuyển đổi tài khoản thẻ thu phí không dừng sẽ được thực hiện thế nào? Về vấn đề này, đại diện truyền thông Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) cho biết, khách hàng sử dụng dịch vụ dán thẻ thu phí không dừng khi bán ôtô sẽ được hỗ trợ chuyển đổi tài khoản một cách dễ dàng, nhanh chóng bằng cách gọi điện lên tổng đài qua số Hotline của công ty (19009080). Tại đây, nhân viên tư vấn sẽ hỗ trợ khách hàng chuyển thông tin cá nhân tài khoản của chủ cũ sang chủ mới, bao gồm: Họ và tên, số căn cước công dân, ngày sinh, số điện thoại, địa chỉ,…

Sau khi cập nhật lại thông tin mới lên tài khoản thu phí không dừng (việc này được thực hiện ngay trong ngày), chủ xe mới hoàn toàn có thể sử dụng xe di chuyển qua các trạm thu phí bình thường mà không cần phải dán lại thẻ trên xe. Đồng thời, thực hiện việc nạp tiền vào tài khoản khi hết tiền qua ngân hàng đăng ký một cách bình thường.

Tuy nhiên, số tiền sẵn có trong tài khoản khi xe vẫn thuộc sở hữu của chủ cũ sẽ không được công ty hoàn lại mà vẫn tiếp tục duy trì trong tài khoản thu phí không dừng này. Chủ xe cũ và chủ xe mới cần tự thoả thuận với nhau trong quá trình mua, bán xe. Bên cạnh đó, hiện nay, khách hàng có thể làm thẻ thu phí không dừng ePass ở cửa hàng Viettel Store, bưu cục Viettel Post, trạm thu phí do VDTC quản lý, trạm đăng kiểm xe cơ giới liên kết, điểm dán thẻ lưu thông hoặc ngay tại nhà. Khi đăng ký làm thẻ thu phí không dừng ePass, khách hàng sẽ được miễn phí dán thẻ lần đầu. Từ lần thứ hai trở đi, khách hàng cần trả mức phí là 120.000 đồng/lần.

https://cand.com.vn/Giao-thong/cham-trien-khai-thu-phi-khong-dung-4-dia-phuong-bi-nhac-nho-i653358/

P.Huyền / CAND