Nếu không ngăn chặn kịp thời, dịch sẽ lây lan trên quy mô lớn, lan vào các trang trại ở các vùng chăn nuôi trọng điểm, lúc đó sẽ vô cùng nguy hại

Sáng 13-5, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi.

Heo bệnh vứt xuống sông, suối

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh đến nay, lịch sử ngành chăn nuôi của Việt Nam và thế giới chưa từng đối phó dịch bệnh nào nguy hiểm, phức tạp, tốn kém đến như vậy. Nguy hại hơn, đến nay dịch tả heo châu Phi chưa có thuốc đặc trị.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến công bố đến ngày 12-5, dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố với tổng số heo bệnh và tiêu hủy là 1,2 triệu con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn heo của cả nước). Tuy nhiên, thời gian qua đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày, sau đó lại phát sinh heo bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng địa phương. "Đây là con số thiệt hại rất lớn, cho thấy tính chất phức tạp, nguy hiểm của dịch. Chúng tôi cho rằng công tác chủ động, giám sát, phát hiện, công bố dịch chưa kịp thời" - ông Tiến nói.

chan dich ta heo chau phi cap bach lam roi

Xác heo bệnh bị vứt xuống kênh ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: MINH PHÚC

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay hôm 12-5 ông đã kiểm tra ở Bắc Giang (tại điểm giáp ranh giữa huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang và huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên), xác heo chết thả trôi trên kênh mương rất nhiều. Điều đó cho thấy, các địa phương chưa thực sự chống dịch hiệu quả.

Đồng Nai là tỉnh có đàn heo lớn nhất cả nước, khoảng 2,5 triệu con, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nhấn mạnh nếu xảy ra dịch bệnh ở tỉnh này sẽ cực kỳ nguy hiểm. Đồng Nai đã thành lập 24 chốt kiểm dịch để kiểm soát toàn bộ lượng heo qua lại trên địa bàn và tập trung triển khai công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi nâng cao nhận thức phòng, chống dịch.

"Ngày 24-4, huyện Trảng Bom là nơi đầu tiên phát sinh dịch bệnh, chúng tôi đã phát hiện nhanh và tập trung tiêu hủy ngay trong ngày. Đến nay đã có 5 xã của 3 huyện phát sinh dịch, lượng heo phải tiêu hủy là 867 con, chủ yếu là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đồng Nai chưa phát hiện bệnh ở các hộ chăn nuôi lớn" - ông Võ Văn Chánh nói.

Dù là một địa phương chăn nuôi heo rất ít, tuy nhiên với sự chủ động, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, cho biết địa phương này đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng, của Bộ NN-PTNT, ban hành quyết định xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp. Sở NN-PTNT TP HCM đã làm việc với Sở NN-PTNT Long An, Đồng Nai để thống nhất không nhập heo từ vùng dịch, đồng thời ghi rõ thông tin hộ chăn nuôi được bán vào thành phố.

chan dich ta heo chau phi cap bach lam roi

Phun thuốc khử trùng xe chở heo ở tỉnh Đồng Nai. Ảnh: XUÂN HOÀNG

Huy động toàn xã hội dập dịch

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, trong thời gian tới chưa có vắc-xin, chưa thể có thuốc chữa nên phải tập trung chặn dịch quyết liệt. Nếu ngăn chặn không hiệu quả, bệnh tiếp tục lây lan, phát triển rất nhanh theo 3 hướng: bị rồi thì tái phát, lan rộng sang các vùng chưa bị và hướng vào các hộ chăn nuôi lớn. Đến lúc đó thì vô cùng nguy hại.

"Thủ tướng đã nói dập dịch như đánh giặc, nếu nơi nào để dịch tả heo châu Phi lây lan trên diện rộng mà không phòng, chống chủ động kịp thời thì người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm. Để công tác tiêu hủy bảo đảm đúng kỹ thuật thì quân đội, công an phải là lực lượng nòng cốt" - ông Nguyễn Xuân Cường đề nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý chưa thể tuyên bố khống chế hoàn toàn dịch bệnh, chưa kiểm soát được việc dịch quay trở lại. Một số địa phương vẫn còn coi nhẹ, giao phó hoàn toàn cho cơ quan thú y. "Mới đây, báo chí đưa tin heo trôi sông, chỉ vài tiếng đã vớt được hàng tấn. Có địa phương chôn heo bệnh rồi lại đào lên. Nhiều nơi chưa huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc" - Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN-PTNT cùng các địa phương, doanh nghiệp, người dân, tập trung hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong phòng chống, đặc biệt là dập dịch. Đồng thời đề nghị Ban Cán sự Đảng của Bộ NN-PTNT phối hợp với Chính phủ hoàn thiện dự thảo gửi Ban Bí thư và đề xuất Ban Bí thư ra chỉ thị huy động toàn xã hội, hệ thống chính trị vào cuộc phòng dập dịch.

Thương lái ép giá

Người chăn nuôi heo ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương rất lo lắng khi dịch bệnh lan rộng. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, xác nhận thương lái đang ép giá người chăn nuôi, chỉ một tháng qua đã mất gần 20.000 đồng/kg. Giữa tháng 4-2019 giá heo xuất bán tại chuồng từ 55.000-56.000 đồng/kg, đến cuối tháng giảm còn 45.000 đồng/kg. Sang đầu tháng 5 tiếp tục giảm tiếp, hiện đang dao động từ 28.000-33.000 đồng/kg. Thông thường heo đạt 120-130 kg/con mới bán nhưng nay sợ rớt giá, người nuôi bán heo khi chưa đạt 100 kg. Tại các chợ đầu mối nông sản thực phẩm ở TP HCM, lượng heo đổ về nhiều, trong khi giá lại thấp.
chan dich ta heo chau phi cap bach lam roi Lãnh đạo vắng họp dịch tả heo Châu Phi: Bận nhiều việc!

Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch tả heo châu Phi họp lần đầu tiên nhưng vắng đại diện Bộ Công thương, Bộ Y ...

chan dich ta heo chau phi cap bach lam roi Dịch tả heo châu Phi lan ra 20 tỉnh, thành

Chi cục Thú y tỉnh Lai Châu ngày 20-3 cho biết vừa phối hợp với huyện Tam Đường tổ chức tiêu hủy hơn 100 con ...

Văn Duẩn

/ https://nld.com.vn