Cơ quan chức năng cảnh báo ngoài một số thực phẩm chức năng, các nhóm thuốc kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, thuốc trị một số bệnh đường tiêu hóa… bị làm giả phổ biến nhất và rất khó nhận dạng
Vụ việc sản xuất năng Vinaca ung thư Co3.2 làm từ than tre có tác dụng hỗ trợ chữa trị ung thư ở Hải Phòng, cùng với liên tiếp các vụ sản xuất thuốc giả bị cơ quan chức năng phát hiện gây ra nhiều hoang mang trong dư luận.
Không thể phân biệt thật giả?
Điển hình mới đây, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có văn bản thông tin thuốc kháng sinh Zinnat 500 mg film tablet giả, trên nhãn in "Sefuroksim aksetil 20 film table"; nhãn phụ ghi nhà sản xuất là Công ty Glaxo Opertione UK Ltd - Anh; doanh nghiệp nhập khẩu là Công ty CP Armephaco (quận Long Biên, Hà Nội). Trước đó, tháng 5-2011, Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương từng phát hiện thuốc Zinnat 500 mg film tablet giả trên địa bàn TP HCM. Là biệt dược gốc, loại kháng sinh thông dụng trị các bệnh nhiễm khuẩn này được bán khá phổ biến trên thị trường với giá từ 24.000-27.000 đồng/viên.
Đầu năm 2018, Cục Quản lý dược đã đề nghị các sở y tế rà soát và truy tìm nguồn gốc thuốc Lincomycin 500 mg giả lưu hành trên thị trường. Mẫu thuốc giả này được Trung tâm Kiểm nghiệm Gia Lai lấy mẫu tại một quầy thuốc ở huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Đây là nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn được dùng điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nặng.
Dược sĩ Bùi Thu Hoài, phụ trách một hiệu thuốc tây ở quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội), cho biết nhóm thuốc bị làm giả nhiều nhất có lẽ là nhóm nam dược, đông được, do công nghệ bào chế đơn giản. Một số thuốc được bán chạy, nhu cầu sử dụng lớn cũng rất dễ bị làm giả. Nếu chỉ là người dân mua thuốc chắc chắn không thể phân biệt thuốc giả vì nó được làm giả rất tinh vi.
Phân tích của cơ quan y tế chỉ rõ các nhóm thuốc bị làm giả phổ biến nhất là nhóm thuốc kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, thuốc trị một số bệnh đường tiêu hóa, cùng một số thực phẩm chức năng. Đáng nói là ngay cả cơ quan chức năng cũng không phân biệt được đâu là thuốc thật, đâu là thuốc giả nếu nhìn bằng mắt thường.
Cơ quan chức năng phát hiện thực phẩm chức năng Vinaca ung thư Co3.2 làm từ than tre của cơ sở sản xuất hóa mỹ phẩm và thực phẩm chức năng Vinaca ở quận Kiến An, TP Hải Phòng. Ảnh: TRỌNG ĐỨC
Đẩy mạnh tiền kiểm và hậu kiểm
Trên thực tế, mặc dù thuốc giả cùng với thuốc kém chất lượng chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trên thị trường (khoảng 25.000 mặt hàng) song nếu chẳng may sử dụng phải thuốc giả, sức khỏe và tính mạng người bệnh có thể bị đe dọa.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy với việc thực hiện biện pháp giám sát, kiểm tra chất lượng thuốc, hiện tỉ lệ thuốc giả ở Việt Nam là dưới 0,2% và thuốc kém chất lượng khoảng 2%. Bộ Y tế khẳng định các hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc được kiểm tra, kiểm soát, giám sát chất lượng kỹ lưỡng ở cả khâu tiền kiểm và hậu kiểm.
Thuốc khi đăng ký lưu hành phải được Bộ Y tế thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc từ nguyên liệu, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, độ ổn định và dữ liệu lâm sàng. Thuốc sản xuất/nhập khẩu chỉ được phép xuất xưởng đưa ra lưu hành sau khi kiểm tra và đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký. Khi thuốc lưu hành, các cơ sở sản xuất/nhập khẩu phải tự giám sát và chịu trách nhiệm đối với chất lượng thuốc của cơ sở mình và báo cáo cơ quan quản lý khi phát hiện các dấu hiệu có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Ngoài ra, hằng năm, hệ thống các trung tâm kiểm nghiệm thuốc trong cả nước lấy khoảng 40.000 mẫu thuốc trên thị trường để giám sát chất lượng thuốc. Qua đó, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý bằng hình thức thu hồi, đình chỉ lưu hành không ít các loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
Liên quan đến việc xử lý các vụ việc làm thuốc giả, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế khẳng định đối với các trường hợp bị phát hiện, cục thông báo và phối hợp cơ quan công an để điều tra, truy tìm nguồn gốc, xử lý nghiêm theo pháp luật. Trong năm 2018, Bộ Y tế sẽ thành lập các đoàn kiểm tra nhằm ngăn chặn việc nhập lậu, lưu hành thuốc bất hợp pháp, phòng chống thuốc giả, kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ; xây dựng kênh thông tin để tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh về các trường hợp nghi ngờ về chất lượng thuốc, thuốc giả.
Thu hồi đông dược chứa tân dược Cục Quản lý dược vừa có công văn khẩn gửi các sở y tế thông báo đến các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc không được buôn bán sử dụng thuốc mang tên: "Nhức khớp tiêu bại hoàn". Trên nhãn thuốc này ghi tên cơ sở đông nam dược Đại an (40 Trần Phú, quân Ba Đình, TP Hà Nội). Cục yêu cầu Sở Y tế tỉnh Bến tre phối hợp các cơ quan chức năng khác thực hiện thanh tra, kiểm tra cơ sở y học cổ truyền Vạn An Đường (thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) về chứng từ, hóa đơn mua bán, xác định nguồn gốc xuất xứ của thuốc "Nhức khớp tiêu bại hoàn" và xử lý các tổ chức cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành. Trước đó, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP HCM đã lấy mẫu kiểm nghiệm đông dược trên, cho kết quả thuốc có chứa tân dược paracetamol. Mẫu thuốc do Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - mỹ phẩm - thực phẩm Bến Tre lấy tại cơ sở y học cổ truyền Vạn An Đường. Cục Quản lý dược đề nghị đình chỉ lưu hành thuốc "Nhức khớp tiêu bại hoàn" nêu trên do chưa được cấp phép lưu hành. |
Chủ mưu vụ thực phẩm chức năng chữa ung thư từ than tre đã bỏ trốn Chiều 12-4, lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng cho biết sở này sẽ rút công bố sản phẩm, công bố mỹ phẩm của Công ... |
Thuốc trị ung thư làm từ... bột than tre: Bị phạt, vẫn tiếp tục nghiền bột than! Liên quan đến vụ việc Công an quận Kiến An, TP Hải Phòng kết hợp lực lượng QLTT phát hiện cơ sở sản xuất hóa ... |
Thuốc trị ung thư làm từ... bột than tre Bột than tre tán mịn được cho vào các ruột vỏ thuốc con nhộng, đóng gói bán cho bệnh nhân ung thư |
Ngọc Dung - Trọng Đức