Quy định số 98-QĐ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý sẽ là lời giải cho việc luân chuyển cán bộ thành công. Theo nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Đình Hương: “Quy định này sẽ ngăn ngừa được tiêu cực trong công tác cán bộ và ngăn ngừa cán bộ không đủ năng lực nhưng cố “trèo sâu, leo cao”.
Thách thức
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 98-QĐ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ. Đây là quy định đầu tiên của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (khóa IX) về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý.
Tại Hội nghị Cán bộ luân chuyển góp ý kiến vào Dự thảo báo cáo sơ kết về công tác luân chuyển nhiệm kỳ 2011-2016 diễn ra tháng 4.2017, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương - đã nhận định: “Công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ qua đạt được nhiều kết quả nhưng cần có phương pháp đánh giá chính xác đối với cán bộ luân chuyển thông qua các tiêu chí rõ ràng, cụ thể”.
Bên cạnh đó đồng chí Phạm Minh Chính cho rằng, công tác luân chuyển thời gian tới cần đổi mới về tư duy, cách làm, đánh giá cán bộ bởi thực tế, yêu cầu đặt ra với công tác luân chuyển chưa thực hiện được, hoặc thực hiện nhưng chưa đạt hiệu quả.
Cũng cần nhắc lại một con số mang tính tham khảo mà ThS Trương Thị Bạch Yến của Học viện Chính trị - Hành chính khu vực công bố trong một bài viết đăng trên Tạp chí Xây dựng Đảng tháng 3.2013. Theo ThS Bạch Yến, 37% số cán bộ diện quy hoạch không muốn hoặc chưa sẵn sàng luân chuyển; 12% số cán bộ địa phương không muốn có cán bộ luân chuyển đến vì cho rằng sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định tổ chức, 47% không muốn cán bộ nơi khác đến lại giữ chức danh chủ chốt vì nghĩ đó phải là người tại chỗ; 78% số cán bộ đang luân chuyển muốn về trước thời hạn; 100% cán bộ luân chuyển không muốn trở về vị trí cũ mà muốn ở vị trí cao hơn… Vậy là đã có một rào cản trong nhận thức của không ít chủ thể lẫn đối tượng luân chuyển, khiến cho mục tiêu và quá trình đào tạo cán bộ bằng luân chuyển bị biến dạng”.
Thực tế cho thấy dù đã đạt được nhiều thành quả trong công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý nhưng vẫn có một số trường hợp luân chuyển mà cán bộ trước đó có những sai phạm. Điển hình như trường hợp Trịnh Xuân Thanh, mặc dù không nằm trong diện quy hoạch luân chuyển không nằm trong danh sách luân chuyển, điều động cán bộ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà được luân chuyển về Hậu Giang giữ chức Phó Chủ tịch tỉnh theo đề xuất, trao đổi giữa tỉnh Hậu Giang và Bộ Công Thương nhưng đã gây bức xúc dư luận. Hoặc trường hợp khác là Vũ Đình Duy trước khi được luân chuyển đi làm lãnh đạo ở hàng loạt vị trí cũng đã xác định là có sai phạm tại PVtex với số tiền hàng ngàn tỉ.
Không luân chuyển cán bộ sai phạm, bị kỷ luật là một nội dung lớn của Quy định số 98-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Trao đổi với Lao Động ngày 9.10, ông Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương - nhấn mạnh: “Tôi tâm đắc nhất đó là quy định “Không điều động về Trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển”. Có nghĩa là nếu cán bộ lãnh đạo ở địa phương vi phạm bị kỷ luật thì phải tiếp tục ở tại địa phương đó mà sửa chữa và khắc phục khuyết điểm, chứ không nên cho điều chuyển lên Trung ương rồi nhận chức vụ này, chức vụ khác hoặc điều sang cơ quan khác để giữ chức vụ lãnh đạo là không được”.
Theo phân tích của nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương thì: “Quy định này sẽ ngăn ngừa được tiêu cực trong công tác cán bộ và ngăn ngừa về những đối tượng cán bộ không đủ năng lực nhưng cố “trèo sâu, leo cao”. Tôi thấy rằng để ngăn chặn việc đó thì công tác cán bộ phải rất cẩn trọng, việc lựa chọn người cán bộ lãnh đạo phải rất cẩn thận, phải chọn đúng người, đúng việc”.
Việc “luân chuyển” Trịnh Xuân Thanh có nhiều khuất tất. Ảnh: A.C |
Phải làm trưởng để chứng tỏ năng lực
Một trong những quy định mới trong Quy định 98 là: Chức danh bố trí luân chuyển áp dụng đối với cán bộ đã giữ chức vụ cấp trưởng 2 nhiệm kỳ liên tục và những cán bộ luân chuyển để thực hiện chủ trương không phải là người địa phương, khi luân chuyển chủ yếu bố trí làm cấp trưởng; đối với cán bộ trẻ luân chuyển để đào tạo, rèn luyện chủ yếu bố trí làm cấp phó; trường hợp khác do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo ông Nguyễn Đình Hương, quy định này là hợp lý vì: “Luân chuyển là phải bố trí người đó đứng đầu của một địa phương hoặc đứng đầu của một ngành, một bộ để chịu trách nhiệm chính. Chứ còn luân chuyển cán bộ lãnh đạo về làm cấp phó thì chỉ là “tráng men” chứ có gì đâu. Trước đây tôi đã từng thực hiện công tác luân chuyển cán bộ, nhưng cách làm của tôi là thực hiện luân chuyển cán bộ về làm trưởng, chứ không về làm phó.
Vì việc luân chuyển cán bộ về làm cấp phó thì rất dễ, vì mọi vấn về trong cơ quan, đơn vị, địa phương thì cấp trưởng sẽ chịu trách nhiệm hết. Do vậy, vừa qua tất cả cán bộ thuộc diện luân chuyển về cơ sở toàn bố trí làm cấp phó, do vậy những người này sẽ không phải chịu trách nhiệm gì hết đối với sai lầm của địa phương và cũng cũng không tạo được dấu ấn gì ở địa phương. Khi đủ thời gian 3 năm thì xong việc lại trở về. Kiểu luân chuyển như thế tôi cho rằng không tốt”.
“Do đó, khâu luân chuyển cần thể hiện rõ mục đích luân chuyển?, luân chuyển ai?, về đâu?, về làm gì? và địa phương đó có yêu cầu không?. Bên cạnh đó, cần lưu ý phải luân chuyển cán bộ lãnh đạo về những nơi có khó khăn, những nơi có yêu cầu, chứ còn luân chuyển về nơi không có yêu cầu, ép người ta phải luân chuyển là không đúng. Điều quan trọng tôi lo là khâu thực hiện luân chuyển, khâu thực hiện phải thật nghiêm túc và nghiêm minh”.
Ông Hương cũng đưa ra ví dụ luân chuyển cán bộ bố trí làm “tư lệnh” luôn chứ không làm cấp phó và về chỉ luân chuyển cán bộ lãnh đạo về những tỉnh khó khăn. Ví dụ như luân chuyển ông Mai Thúc Lân (lúc này là Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Ngân sách) và ông Trương Quang Được (Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan) vào thay thế Bí thư Tỉnh uỷ và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng...
“Theo tôi phải luân chuyển cán bộ trẻ để về địa phương làm con chim đầu đàn, làm cột cờ chứ không làm cấp phó, qua đó, mới phát hiện được người cán bộ “nguồn” đó làm có tốt hay không. Tuy nhiên tôi chú ý và quan trọng đến việc luân chuyển về các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng,...” - ông Nguyễn Đình Hương cho hay.
Việc mạnh dạn trong việc luân chuyển, ngay cả khi là cán bộ trẻ cũng sẽ tạo ra những đột phá mới trong công tác luân chuyển cán bộ quản lý.
Theo ông Nguyễn Đình Hương, để ngăn chặn được việc “chạy luân chuyển” để leo cao thì Ban Tổ chức làm công tác cán bộ phải nghiêm minh, trong sạch và đặc biệt người cán bộ làm công tác tổ chức không được tiêu cực. Do vậy, trước khi luân chuyển phải có kế hoạch trước, luân chuyển xong về làm gì, việc chọn cán bộ đi luân chuyển phải kỹ, còn nếu không có kế hoạch thì nhiều người đi luân chuyển hết thời gian nhưng không bố trí được công việc sau luân chuyển. Ví dụ, hiện tại có nhiều cán bộ đang đi luân chuyển nhưng có về được đâu, vẫn đang ở địa phương. Do vậy, việc phải chọn người nào? về đâu? và phải do địa phương người ta yêu cầu, chứ không được luân chuyển theo kiểu có anh thì chợ vẫn đông, mà vắng anh thì chợ cũng không hề gì. Tuy nhiên, có trường hợp luân chuyển về làm cấp phó cũng được, nhưng phải do địa phương yêu cầu và do yêu cầu công tác, tức là phải viết trong quyết định là do yêu cầu công tác và yêu cầu cán bộ thì mới luân chuyển. Trường hợp Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ. Lọt nhiều cửa ải, chạy quyền, chạy chức và do luân chuyển để leo cao. |
19 thứ trưởng được Trung ương luân chuyển giờ ra sao? Trong 19 thứ trưởng và tương đương được TƯ luân chuyển về địa phương, đến nay có 9 người được vào TƯ khóa 12, có ... |
Quy định của Bộ Chính trị chặn tình trạng luân chuyển "tráng men" Việc luân chuyển cán bộ cần phải có thời gian để người được luân chuyển thực sự thực thi chức trách, nhiệm vụ ở cương ... |
Giám sát cán bộ Trước việc Ban chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị ra quyết định kỷ luật người đứng đầu thành phố Đà Nẵng và ... |
(https://laodong.vn/thoi-su/chan-viec-chay-luan-chuyen-de-leo-cao-569148.ldo)