Nhận 200 nghìn đồng từ bức vẽ đầu tiên, Tây run rẩy nghĩ "mình sống rồi!", sau 6 tháng tuyệt vọng vì cụt tay. 

8h sáng, Nguyễn Văn Tây ngồi vào ghế, bắt đầu "ca làm việc". Ngón chân quặp chặt chiếc bút chì, lướt trên tờ giấy. Lướt đến đâu, dáng vẻ, thần thái của một người đàn ông lộ dần ra đến đấy. 

Công việc ổn định tại xưởng ở quận Bình Tân, TP HCM này là điều chàng trai 32 tuổi chưa bao giờ dám mơ tới, sau tai nạn kinh hoàng hơn 2 năm trước. 

Tây mất khoảng 2 ngày để vẽ xong một bức tranh. Ảnh: Mộng Diệp.

Tháng 8/2017, trong lúc làm công nhân tại một công trình xây dựng, Tây bị đường dây trung thế phóng điện và bỏng nặng. Tỉnh dậy hai bàn tay không còn, chỉ còn khúc tay trái. Chàng thanh niên quê Tây Ninh sợ hãi, hoang mang, không biết tương lai của mình sẽ ra sao.

Từ chỗ khỏe mạnh, giờ việc ăn uống, vệ sinh của anh phải nhờ vào người khác. Sợ con quẫn trí, mẹ Tây, bà Trần Thị Phát (64 tuổi) gạt nước mắt, chỉ dám khóc ở hành lang bệnh viện, không ngừng động viên con.

Nằm viện 2 tháng, chứng kiến nhiều người bị bỏng nặng hơn vẫn gắng sống. Tây không cho phép mình gục ngã, luôn nhủ lòng: "mình vẫn còn đôi chân".

Về nhà, Tây tập đi như một đứa trẻ. Nhiều lần ngã đau, bà Phát nhào đến toan đỡ nhưng anh nói: "Mẹ để con tự đứng", rồi tự xoay sở đứng lên. Anh chờ bố mẹ đi vắng mới tập làm những việc cá nhân. Tây mất 10 ngày để mặc được chiếc áo thun. 

2 tháng sau, Tây đi lại được, suy nghĩ "sống tiếp như thế nào" ám ảnh từng giấc mơ. Để thôi suy nghĩ tiêu cực, Tây nảy ra ý định tập viết bằng chân, "để sau này cần ký giấy tờ thì còn biết".

Lần đầu đặt cây bút vào giữa 2 ngón chân, bàn chân run rẩy, cứng đờ không giữ nổi bút, mỏi nhừ, mấy ngày liền anh không viết ra được một chữ cái. Bà Phát an ủi: "Ông trời lấy của con cái này thì sẽ bù đắp cho con cái khác, con tập từ từ thôi". Bà nói để động viên con, nhưng thực lòng không dám nghĩ vậy.

Mỗi ngày 4 tiếng tập, anh đã điều khiển được bút trên 2 ngón chân và viết được tên mình sau 2 tuần. 

Viết được, anh nghĩ ngay đến việc vẽ bằng chân - năng khiếu bị bỏ quên từ lâu - với mong muốn đơn giản là "làm việc gì đó để tự tạo niềm vui". Anh sợ nếu ngừng lại, mình sẽ bị cuốn vào tuyệt vọng.

Lần đầu vẽ chiếc lá nhỏ. Lá chưa thành hình mà bút đã rơi, cố gắng bao nhiêu cũng không thể kẹp lại, lần đó Tây phải nghỉ vẽ 2 ngày. Những cơn chuột rút khiến anh đau không ngủ được.

Anh nhận ra càng nóng vội, ngón chân càng cứng đờ không điều khiển được. Những ngày sau đó, anh cố gắng luyện viết để cơ chân mềm hơn, bút linh hoạt hơn.

Bức chân dung đầu tiên được vẽ trong 3 ngày, đã có nét giống tranh mẫu khoảng 70%. Bà Phát cầm bức tranh nói: "Mẹ nhìn thấy giống như thiệt đó heng!". Anh ngạc nhiên, tự nhủ "không ngờ mình lại vẽ được nhanh đến vậy".

Đăng những bức tranh của mình lên Facebook, Tây được vài người bạn nhờ vẽ chân dung. Vài hôm sau, một người bạn gửi 200 nghìn tiền công, lúc đó là 6 tháng sau tai nạn.

"Tôi rạo rực trong người, đây là số tiền đầu tiên tôi kiếm được từ chân. Tôi vẫn còn là người có ích, còn mẹ thì mừng rớt nước mắt", anh kể.

Chưa từng học qua một khóa vẽ nào, nên anh vẽ chỉ bằng cảm nhận. Có khách hàng đặt vẽ 14 người trong một gia đình khiến anh bối rối, việc chia bố cục sao cho cân xứng mất hơn 3 ngày với hàng chục tờ giấy bỏ đi.

Một vị khách khác đặt Tây vẽ bức chân dung. Gửi đi bức thứ nhất, người ta trả về. Bức thứ 2 khách vẫn trả về vì chưa hài lòng. Không hiểu tại sao, anh đâm ra lo lắng. Không còn cách nào khác, anh dốc hết khả năng vẽ lại bức thứ 3 thật cẩn thận, dành hàng giờ tô từng vết chân chim trên mắt hay bàn tay nhăn nheo lộ rõ những đường gân.

Bức tranh ấy vị khách hài lòng, dù không một lời nhận xét. Tây nhận ra 2 bức trước đó mình vẽ chưa có hồn. Anh vỡ lẽ, vẽ tranh kiếm tiền khác hẳn những bức tranh vẽ chơi tặng bạn bè, không thể hời hợt được.

"Tật nguyền, nhưng không lấy đó để khách hàng thương cảm mua sản phẩm, thứ mình làm ra phải chất lượng, phải có giá trị", anh tâm niệm.

Từ đó, anh chậm rãi trong từng nét vẽ, đánh bóng đậm nhạt thật kỹ để toát lên được thần thái của bức tranh. Đôi mắt là điểm nhấn, là cái hồn của chân dung nên được anh dành nhiều thời gian nhất.

Từng xem qua những bức chân dung Tây vẽ các nghệ sĩ nổi tiếng, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP HCM nhận định: "Tranh Tây vẽ rất đẹp, toát lên thần thái của các nghệ sĩ".

Tây từng cố gắng tập vẽ màu nước trong hơn 3 tháng nhưng không thể làm tốt. Những vệt màu dính khắp nơi. Có lúc bức tranh gần hoàn thành bỗng dưng anh không giữ nổi cây cọ, cọ rơi xuống dính màu làm hỏng bức tranh. Từ đó anh quyết định chỉ vẽ bằng chì.

Tháng 6/2019, anh khăn gói từ Tây Ninh lên Sài Gòn làm việc, chấp nhận cuộc sống xa nhà, mọi sinh hoạt đều phải tự làm. Dù vậy, việc gọt bút chì Tây vẫn chưa tự làm được, anh thường nhờ những người bạn trong xưởng vẽ.

Tây muốn tự đứng bằng đôi chân mình, thay vì phụ thuộc vào gia đình. Ảnh: Mộng Diệp.

Hơn 100 bức tranh đã đến tay những vị khách trong và ngoài nước. Hiện nay, mỗi tháng anh vẽ được hơn 10 bức, số tiền kiếm được đã có thể trang trải cuộc sống.

Nếu không gặp tai nạn, Tây cũng chỉ là một công nhân lao động chân tay như nhiều người. Anh chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một họa sĩ kiếm tiền từ việc vẽ tranh. 

"Ai cũng khen mình vẽ bằng chân đẹp hơn so với lúc vẽ bằng tay, nhiều người gọi mình là họa sĩ, nhưng nếu được quay lại, mình không bao giờ dám đánh đổi đôi tay để trở thành họa sĩ đâu", anh gượng cười...

Diệp Phan

Chàng trai không tai chinh phục con đường làm khoa học
Bé gái không ngón tay vượt qua chế giễu
Xót xa người cha tật nguyền rao bán ngôi nhà cả gia đình đang sống cho con đi học đại học
Người phụ nữ gần 50 năm không ngậm được miệng
Chuyện tình cổ tích: Cô gái bỏ nhà theo chàng trai tật nguyền bán kẹo kéo

/ vnexpress.net