Tình trạng ngộ độc thức ăn, cắt xén khẩu phần ăn của học sinh bán trú gần đây đang khiến dư luận rất bức xúc. Nhiều ý kiến cho rằng, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng cho bữa ăn bán trú, cần tăng cường giám sát tất cả các khâu với sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ nhà trường, cơ quan chức năng cho đến phụ huynh học sinh.
Chất lượng bữa ăn học đường còn nhiều bất cập
Mới đây dư luận xã hội dậy sóng khi hình ảnh bữa ăn bán trú của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Hình ảnh những em bé phải chung nhau hai gói mỳ tôm khiến nhiều người phẫn nộ. Cụ thể, theo khẩu phần ghi trên bảng, mỗi em được ăn một gói mỳ tôm, một quả trứng nhưng thực tế nhà trường chỉ cho 11 em ăn chung 2 gói mì. Trường có tổng số 174 học sinh bán trú hưởng chế độ ăn sáng này. Ngoài ra, thực phẩm dùng để chế biến cho các em học sinh cũng kém chất lượng.
Kết quả thanh tra cho thấy thông tin bữa ăn bán trú của học sinh bị cắt xén là hoàn toàn chính xác. Nhà trường không có danh sách chi trả tiền ăn thừa cho học sinh; nhiều hồ sơ nhập, xuất, công khai hiệu trưởng nhà trường chưa ký nhận; nhiều bảng kê giao nhận, xuất hàng hóa ngày người nhận thực phẩm, hiệu trưởng chưa ký; phiếu chi tiền mặt không có số, không có chữ ký của thủ trưởng đơn vị, người nhận tiền; bảng nhập mua thực phẩm hàng ngày không khớp đúng với bảng tổng hợp nhập thực phẩm của tháng... Hàng ngày, giáo viên vận chuyển thực phẩm từ cơ sở cung cấp về nhập kho, người nhận không kiểm tra khối lượng và chất lượng hàng hóa, không ký bất kỳ sổ sách nào. Số lượng thực phẩm giao thực tế và số tiền thanh toán thực tế có chênh lệch.
Thông tin người dân không được nhận tiền ăn bán trú còn thừa cũng được đoàn thanh tra khẳng định có cơ sở. Hiện nay, nhà trường mới chỉ mua mới sách giáo khoa lớp 4 cho học sinh, các lớp 1, 2, 3, 5 dùng sách cũ và mua bổ sung một số sách thiếu. Như vậy, thông tin phụ huynh không nhận được tiền hỗ trợ học tập 150.000 đồng/tháng là có cơ sở.
Ngày 21/12/2023, UBND huyện Bắc Hà đã nhận được đơn xin từ chức của ông Trần Ngọc Hà - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1. Lý do là ông Hà tự nhận trách nhiệm bản thân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, dẫn đến dư luận không tốt trong xã hội.
Thực tế, câu chuyện chất lượng bữa ăn học đường không hề mới, ngay ở giữa Thủ đô, vấn đề đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh bán trú cũng là vấn đề nhức nhối. Như tại một Trường THCS trên địa bàn quận Hà Đông, nhiều phụ huynh đã bày tỏ bức xúc với suất ăn giá 32.000 đồng nhưng thức ăn ít ỏi và thiếu dinh dưỡng. Một bữa ăn rất đơn giản, gồm một ít giá xào, một miếng giò, vài miếng cá rán, và một ít khoai tây. Nhiều cư dân mạng đã không thể tin, đây là một suất ăn có giá trị lên tới 32.000 đồng. Rất nhiều câu hỏi được cư dân mạng đặt ra bởi rõ ràng, có quá nhiều thiếu sót trong công tác giám sát quản lý bữa ăn bán trú.
Đại diện nhà trường THCS này và nhà cung cấp suất ăn bán trú sau đó đã gửi lời xin lỗi tới phụ huynh thế nhưng vẫn không làm dịu bớt bức xúc của các bậc phụ huynh bởi suốt thời gian dài, con em họ phải dùng bữa ăn thiếu chất lượng, không xứng với giá tiền.
Tháng 10 vừa qua, bảng kê thực phẩm bữa trưa của 1 trường mầm non tại thành phố Thủ Đức (Hồ Chí Minh) cũng khiến nhiều phụ huynh xôn xao bởi đơn giá của nhà trường đưa ra chưa hợp lý, đắt hơn nhiều so với đồ mua siêu thị. Vào đầu tháng 4, hình ảnh bữa ăn của học sinh tại một trường mầm non tư thục đóng trên địa quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội cũng đã được chia sẻ trên mạng xã hội. Bữa ăn được đóng với mức 70.000 đồng/ngày, thế nhưng lại nhận về nỗi bức xúc và thất vọng.
Không chỉ bị cắt xén, tình trạng ngộ độc thực phẩm tại các trường học cũng đã làm nóng dư luận thời gian vừa qua. Vào tháng 10/2023 sau khi đi học về, một số học sinh Trường Tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình, Hà Nội) có biểu hiện nôn ói, đau bụng và phải nhập viện. Phụ huynh nghi ngờ do suất ăn bán trú của trường.
Trước đó, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học trên cả nước cũng đã khiến dư luận bất an, lo lắng, như vụ ngày 28/9, 28 học sinh lớp 4, Trường Tiểu học thị trấn Tiền Hải (Thái Bình) bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh ngọt tại lớp.
Đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh là điều không thể chủ quan. Tháng 10 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hà Thị Thi (sinh năm 1984, trú bản Áng Ưng, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, nhân viên hợp đồng của Trường THPT Chu Văn Thịnh) về tội “Cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.
Theo đó, Thi là nhân viên được giao nhiệm vụ nấu ăn cho học sinh bán trú trong trường. Do bất mãn về việc nhà trường lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm không đảm bảo chất lượng và nghi ngờ có việc câu kết ăn bớt khẩu phần ăn của học sinh nên Thi nảy sinh ý định bỏ thuốc trừ sâu, thuốc diệt gián vào thức ăn của học sinh để các em ngộ độc, từ đó nhà trường phải thay đổi nhà cung cấp thực phẩm. May mắn vụ việc được phát hiện kịp thời, nếu không hậu quả xảy ra không thể lường trước.
Cần giám sát chặt chẽ
Thực tế chất lượng bữa ăn của học sinh thời gian qua đã có nhiều vấn đề phải bàn và báo chí, dư luận cũng nói rất nhiều. Bữa ăn học đường liên quan đến việc phát triển thể chất, tinh thần, trí lực của trẻ, đến an toàn thực phẩm. Dù đã có những quy định bữa ăn chuẩn theo thực đơn dinh dưỡng nhưng hiện nay vẫn thực hiện tùy thuộc vào các trường, từng ban giám hiệu.
Trả lời báo chí, Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật) cho biết, để đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh theo đúng độ tuổi, cấp học, đảm bảo thực hiện bữa ăn bán trú mà phụ huynh yên tâm, ngành giáo dục và chính quyền cần có ban giám sát chất lượng bữa ăn bán trú, trong đó phải kiểm tra chuẩn dinh dưỡng theo định kỳ. Đồng thời, đảm bảo xem cơm, thức ăn các trường thực hiện có đầy đủ theo quy định, số tiền mà Nhà nước hỗ trợ các em học sinh vùng sâu, vùng xa có đủ không.
Nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, chính các thầy cô phải cùng ăn với học sinh và phụ huynh phải được quyền kiểm tra đột xuất bữa ăn của các con. Các phụ huynh phải tham gia lựa chọn, kiểm tra định kỳ thực phẩm đầu vào.
Với các nơi vùng sâu, vùng xa, phụ huynh không tham gia được thì chính quyền, các đoàn thể phải cùng vào hỗ trợ. Chỉ khi có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của toàn xã hội, các cấp, ngành mới mong bữa ăn của các em học sinh được đảm bảo.
Còn theo PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XII cho rằng, để đảm bảo hơn nữa an toàn trong bữa ăn học đường, giá cả phù hợp, nhà trường nên mời phụ huynh cùng tham gia vào quá trình lựa chọn đơn vị cung cấp bữa ăn học đường và cần thiết phải quy trách nhiệm cho hiệu trưởng nếu xảy ra ngộ độc hay chất lượng bữa ăn học đường bị phát hiện kém.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, quy định về đảm bảo ATVSTP cho các bếp ăn tập thể nói chung, trong đó có bếp ăn trường học đều đã được Cục ATVSTP của Bộ Y tế ban hành đầy đủ trong các văn bản. Tuy nhiên, có thể do việc kiểm tra, giám sát của các đơn vị chức năng tại các địa phương chưa được thực hiện thường xuyên nên có những nơi, những thời điểm, vấn đề này chưa thật sự được quan tâm, chú trọng.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nhà trường cần tạo điều kiện để phụ huynh cùng tham gia giám sát giá trị dinh dưỡng bữa ăn hàng ngày ở trường và quan trọng hơn là ATVSTP. Bên cạnh việc tăng cường giám sát thực phẩm đầu vào, các nhà trường cũng tích cực phối hợp với gia đình tuyên truyền cho học sinh cách thức giữ gìn vệ sinh cá nhân như thói quen rửa tay trước khi ăn, giữ gìn vệ sinh trong khi ăn và sau khi ăn. Cơ quan chức năng về ATVSTP cần phải có trách nhiệm hướng dẫn cho các bếp ăn về các quy định, kiểm soát quy trình; thường xuyên thanh, kiểm tra định kỳ và đột xuất, trong quá trình tiến hành kiểm tra, nếu phát hiện cơ sở nào vi phạm thì phải xử phạt nghiêm theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Chị Hồng Gấm (Hoàng Quốc Việt) cho biết, trước tình trạng bữa ăn học đường nhiều vấn đề lo ngại, chị thường xuyên dặn con mỗi lần đi học để ý bữa ăn hàng ngày, để nếu có vấn đề gì xảy ra, ban phụ huynh lớp sẽ có kiến nghị. “Hiện nay nhiều doanh nghiệp dễ dàng móc nối với lãnh đạo nhà trường để bớt xén khẩu phần ăn, tuồn thức ăn bẩn vào nhà trường. Vì vậy, nếu quản lý bữa ăn học đường chỉ dựa vào niềm tin đối với lãnh đạo nhà trường là rất rủi ro. Rất may trường con tôi luôn có sự giám sát chặt chẽ của ban phụ huynh trường và lớp, thường xuyên có phụ huynh tham gia giám sát khâu giao nhận thực phẩm, nên các con luôn có được bữa ăn chất lượng”, chị Gấm cho biết.
Tại Trường THCS Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội, phụ huynh cũng được tham gia cùng cán bộ của nhà trường để kiểm tra, kiểm soát thực phẩm đầu vào hàng ngày, hàng tuần tại trường. Chính vì vậy, mấy chục năm qua tại trường này chưa từng có một vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra.
Theo chị Nguyễn Minh Nguyệt (Cầu Giấy, Hà Nội), những mô hình như vậy cần được áp dụng rộng rãi. Phụ huynh cần được tiếp cận bữa ăn học đường của học sinh một cách dễ dàng để kiểm tra bất cứ lúc nào. Chỉ như vậy, nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm mới được đảm bảo.