Bất ngờ với câu trả lời chính xác về tính toán, văn thơ, bài luận của ChatGPT, nhưng giáo viên đều cho rằng siêu AI này không thể thay thế vai trò người thầy.

ChatGPT soạn giáo án trong 10 phút

Chỉ với 35.000 đồng, cô Trần Thị Thu Hoà (giáo viên trường Tiểu học Chu Văn An - Hà Nội) đã sở hữu một tài khoản sử dụng ChatGPT. Do siêu AI này chưa hỗ trợ ở Việt Nam nên cô tìm tòi, thay đổi địa chỉ IP và dùng đường link ở nước ngoài để đăng nhập.

Cô Hoà làm quen với ChatGPT bằng câu hỏi đơn giản cộng trừ số âm, số thập phân, một vài công thức toán học. "Kinh ngạc, chỉ vài giây, ChatGPT đưa ra kết quả chính xác tới 100%", cô nói.

Nâng độ khó câu hỏi, cô đặt ra yêu cầu viết một đoạn văn miêu tả con mèo bằng tiếng Việt. ChatGPT trả về kết quả đoạn văn dài chừng 200 chữ với nội dung miêu tả con mèo có phần lủng củng. Tuy nhiên, khi chuyển sang tiếng Anh, đoạn văn của ChatGPT được cải thiện hơn nhiều, câu cú ngắn gọn, nội dung ổn.

ChatGPT soạn giáo án 10 phút, giáo viên nghĩ gì trước nguy cơ bị thay thế? - 1

Nhiều thầy cô hào hứng trải nghiệm ChatGPT. (Ảnh minh hoạ: L.D)

Nữ giáo viên này còn đặt ra yêu cầu ChatGPT soạn một bài giảng cho học sinh lớp 5 về các nguyên tố đất và nước. Sau 10 phút, ChatGPT đưa ra bài giảng khoảng 500 chữ. Nội dung đoạn văn bản nêu lên khái niệm nguyên tố đất, nước trong tự nhiên. Khi so sánh kết quả tiếng Việt, thì nội dung bằng tiếng Anh chính xác hơn.

Cô Trần Thị Thu Hoà đánh giá, ChatGPT có thể soạn bài giảng trong vài phút ngắn ngủi, nhưng để sử dụng được vào dạy học sinh là khoảng cách rất xa. Bài giảng của ChatGPT còn thiếu nhiều nội dung cũng như kỹ năng về nghiệp vụ sư phạm, phương pháp dạy, câu hỏi chuyên sâu... AI này mới chỉ dừng lại ở mặt cung cấp thông tin đơn thuần.

"Điều tôi bất ngờ nhất là ChatGPT có thể bắt chước câu hỏi, cách diễn đạt, thói quen giao tiếp của người dùng rất nhanh, chỉ sau vài cuộc hội thoại", cô Hoà nói. Nếu ChatGPT được điều chỉnh để sử dụng ở Việt Nam, cô tin chắc đây sẽ là một trong những công cụ tìm kiếm thông tin hữu ích cho giáo viên, học sinh và phụ huynh.

'ChatGPT không thể thay thế giáo viên'

"Hãy nêu công thức và tính chất hoá học của oxi?" - là câu hỏi đầu tiên tôi đặt cho ChatGPTTrong thời gian chưa đầy 1 phút, ChatGPT trả lời ra kết quả chính xác", thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) chia sẻ.

Thầy cũng yêu cầu ChatGPT thực hiện một bài diễn văn phát biểu trước học sinh, giáo viên, phụ huynh về ứng dụng khoa học công nghệ trong trường học. AI này hoàn thiện bài diễn văn dài 200 từ chỉ trong vài phút, với cách diễn đạt trôi chảy, rõ nghĩa khi dùng với bản tiếng Anh. "Tôi hài lòng với kết quả ChatGPT đưa ra", thầy nói. Muốn có đáp án chính xác từ ChatGPT, ông khuyên người dùng cần đưa ra câu hỏi "càng chi tiết càng tốt". 

ChatGPT chỉ có thể cung cấp các thông tin liên quan đến khoa học công nghệ, còn ở lĩnh vực văn hoá truyền thống thì đa phần nội dung bị sai, chưa chính xác với bối cảnh Việt Nam.

ChatGPT soạn giáo án 10 phút, giáo viên nghĩ gì trước nguy cơ bị thay thế? - 2

ChatGPT đưa ra một đoạn văn với nội dung lủng củng, không chính xác. 

Trước thông tin ChatGPT quá thông minh, dần thay thế nghề giáo, ông Phú khẳng định, với lĩnh vực đặc thù như giáo dục, ChatGPT không thể làm nhiệm vụ giảng dạy của người thầy. "Thầy cô không chỉ dạy kiến thức sách vở mà còn dạy các em đạo đức, tình người, cách sống và yêu thương đồng loại. Điều này không trí tuệ nhân tạo nào làm được", Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du nói.

Tuy nhiên, thầy Phú cũng khuyến khích giáo viên, học sinh trải nghiệm, sử dụng ChatGPT để trau dồi, làm phong phú hơn các kiến thức. Nếu các thầy cô biết cách tận dụng tốt ChatGPT thì việc dạy học sẽ nhàn và khiến học sinh thích thú hơn.

Ví dụ, thầy cô có thể giao bài tập về nhà yêu cầu học sinh tự tìm hiểu các kiến thức sơ đẳng "công thức hoá học của oxy", "cách tính hoá trị", "bộ gene người thế nào"... Sau khi các em tự đọc, tự tìm hiểu, giáo viên sẽ tổng kết lại kiến thức và mở ra những điều sâu xa hơn. 

Theo TS Nguyễn Văn Đông, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông (Hà Nội), năm 1970, máy tính và Internet ra đời, khi ấy nhiều người lo ngại việc tính toán của con người sẽ bị thay thế. Nhưng thực tế chứng minh dù hệ thống máy tính và Internet thông minh tới đâu thì các phép tính phức tạp vẫn cần đến con người. 

ChatGPT mới ra đời vài tháng nhưng đã trở thành xu hướng được cả thế giới quan tâm. Điểm khác biệt lớn nhất khi tìm kiếm thông tin trên ChatGPT và Google là số lượng thông tin. Với từ khoá "Bigdata", Google cho ra hàng triệu kết quả tìm kiếm gồm các nội dung giải thích thuật ngữ, bài báo, thông tin, cơ quan nghiên cứu có liên quan đến Bigdata..., người dùng dễ bị "ngộp thở" trong khối lượng kiến thức. Cùng từ khoá tìm kiếm đó, ChatGPT sẽ trả cho chúng ta một đoạn văn diễn đạt hoàn chỉnh, ngắn gọn khoảng 100 - 300 từ, người đọc dễ dàng hiểu vấn đề. 

TS Đông phản đối hoài nghi ChatGPT sẽ thay thế vị trí giảng dạy của người thầy. Ông nói, giáo dục không đơn thuần chỉ là cung cấp kiến thức mà còn là quá trình trao đổi hai chiều giữa người dạy và người học. Các câu trả lời của ChatGPT đa phần là kiến thức nền, được tổng hợp từ sách vở, tài liệu nghiên cứu... trong khi, để học sinh hiểu được vấn đề thì cần phải có sự diễn giải, mô tả, so sánh, điều này chỉ người thầy mới làm được.

"ChatGPT chỉ là một trong số nhiều công nghệ trí tuệ nhân tạo hiện nay. Các thầy cô nên trải nghiệm để hiểu và hướng dẫn học trò sử dụng đúng cách, hiệu quả, không dùng cho mục đích gian lận", TS Đông nói.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, sự tiến bộ của khoa học công nghệ là xu hướng tất yếu, vấn đề quan trọng nhất là chúng ta sử dụng nó thế nào. Sợ sự tiến bộ và kìm hãm sự phát triển của khoa học là một xu hướng lạc hậu.

"Dạy học không chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn phải tìm ra khả năng, năng lực riêng của từng học sinh để thúc đẩy các em phát triển. Trong giáo dục, tính cá nhân của mỗi thầy cô, học sinh, sinh viên rất cao và không gì có thể thay thế con người được. Tôi nghĩ, chúng ta không nên quan ngại mà nên khuyến khích người dùng thông minh, nhân văn và khoa học", GS Minh nói. 

Thay đổi cách dạy khi ChatGPT phổ biến

Việc ChatGPT dễ dàng hoàn thành một bài luận, bài văn khiến nhiều giáo viên lo lắng học sinh sẽ lười tư duy, sao chép và gian lận bài tập kiểm tra. 

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, nếu ChatGPT phổ biến, chắc chắn sẽ có trường hợp học sinh sao chép để làm văn hoặc tính toán, tìm câu trả lời trên ứng dụng đó.

Để ngăn chặn việc gian lận này, ông cho rằng giáo viên cần sát sao hơn trong việc dạy và đánh giá rõ năng lực từng học sinh. Khi đưa ra một đề kiểm tra môn Văn, 60 học sinh trong lớp sẽ là 60 cách tư duy và diễn đạt khác nhau. Trong khi ChatGPT chỉ trả một kết quả duy nhất, thầy cô sẽ dễ dàng phát hiện ra nếu có sự sao chép. 

TS Nguyễn Văn Đông cũng cho rằng, ChatGPT ra đời cũng là lúc chúng ta định nghĩa lại cách đánh giá học sinh, sinh viên. Các câu hỏi không chỉ đơn thuần là kiểm tra khái niệm, định nghĩa... mà hãy để các em nêu lên quan điểm, tư duy, vốn từ ngữ. "ChatGPT sẽ thúc đẩy quá trình học, tương tác và đánh giá xung quanh chữ "thật" giữa người với người", vị chuyên gia này chia sẻ.

Xu hướng giáo dục hiện nay là thay vì ra đề kiểm tra chỉ một đáp án thì các thầy cô đã quan tâm hơn đến việc hiểu năng lực thực sự của các em, đề thi mở, cho phép học sinh, sinh viên nói lên được tư duy, phản biện, lập luận của bản thân. Điều quan trọng không dừng ở việc đưa ra một đáp án đúng mà còn là "làm cách nào học sinh tìm ra các thông tin này". Câu trả lời của học sinh, sinh viên đưa sẽ phản ánh được năng lực người thầy cô có tương tác, định hướng tốt bài giảng hay không.

Tại một số trường đại học ở Mỹ, để ngăn tình trạng sao chép nội dung từ trên mạng, điểm bài luận môn của sinh viên chỉ chiếm trọng số 30% trong tổng số điểm tổng kết học kỳ. Sau khi sinh viên làm bài tập, nộp online cho giáo viên, các em sẽ phải trải qua buổi phóng vấn hoặc vấn đáp trực tiếp (trọng số điểm phần này chiếm 50 - 60%). Qua đó, giáo viên đánh giá được mức độ hiểu biết và chất lượng bài luận văn là thật hay sao chép.

Ra mắt cuối tháng 11/2022, ChatGPT là ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) được đào tạo để đưa ra câu trả lời giống một cuộc trò chuyện với người thật. Đến 31/1, ChatGPT đạt 100 triệu người dùng trên toàn cầu.

Theo thống kê của Similarweb, website của OpenAI có hơn 304 triệu lượt truy cập trong tháng 12, tăng hơn 1.500% so với tháng trước đó. Tại Việt Nam, chưa có thống kê cụ thể, nhưng theo Google Trends, những ngày qua, "ChatGPT", "OpenAI" liên tục nằm trong top từ khóa được tìm kiếm nhiều; những người nhận mở tài khoản nhận được hàng trăm yêu cầu mỗi ngày, cho thấy sự quan tâm của người Việt với công cụ này.

 https://vtc.vn/chatgpt-soan-giao-an-10-phut-giao-vien-nghi-gi-truoc-nguy-co-bi-thay-the-ar740132.html

Hà Cường / VTC News