Số người trên 60 tuổi tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong vài thập niên tới đang đặt ra những thách thức ngày càng lớn với khu vực đông dân nhất thế giới này, từ những vấn đề kinh tế đến các vấn đề xã hội, mà nếu không được giải quyết, đó có thể trở thành một “quả bom hẹn giờ” nhân khẩu học với hệ lụy khôn lường.

Châu Á đang đối mặt với nhiều thách thức từ già hóa dân số

Châu Á đang đối mặt với nhiều thách thức từ già hóa dân số

“Quả bom hẹn giờ” nhân khẩu học

Dân số già đang trở thành vấn đề không nhỏ với nhiều quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương, từ những nền kinh tế hàng đầu như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đến các nước đang phát triển như Thái Lan. Việt Nam dù đang trong cơ cấu “dân số vàng” song cũng đồng thời nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất và được dự báo sẽ trở thành xã hội già vào năm 2036 nếu không có các giải pháp hiệu quả.

Theo báo cáo mới đây về thay đổi nhân khẩu học tại châu Á do Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương thuộc Liên hợp quốc thực hiện, dân số khu vực châu Á đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng có. Nhiều nước trong khu vực chỉ mất từ 20 đến 25 năm để tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên trong tổng dân số tăng từ 7% lên 14%, trong khi đa số các nước châu Âu phải mất ít nhất 50 năm mới đạt mức độ như vậy. Quá trình già hóa dân số ở châu Á cũng ghi nhận khoảng cách giữa các nhóm nước. Nhật Bản và Hàn Quốc là những nước đi đầu của làn sóng già hóa dân số ở châu Á, vốn bắt đầu sớm nhất châu lục, từ cuối thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước. Quá trình này diễn ra ngay sau những giai đoạn kinh tế bùng nổ. Nhóm những nước như Trung Quốc, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam bắt đầu sau nhưng lại có tốc độ già hóa rất nhanh. Các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia... hiện vẫn được đánh giá là xã hội trẻ nhưng cũng được dự báo sẽ sớm bước vào giai đoạn già hóa dân số.

Theo báo cáo, số người từ 75 tuổi trở lên tại Nhật Bản được dự báo sẽ lên tới 22,58 triệu vào năm 2030, chiếm khoảng 20% tổng dân số. Trong khi đó, 24,5% dân số Hàn Quốc hiện trên 70 tuổi và vẫn phải tiếp tục là một lực lượng lao động chính trong xã hội. Đáng chú ý, số người ở độ tuổi 70 cũng đã vượt số người ở độ tuổi 20 vào năm 2023 tại quốc gia này. Tại Trung Quốc, tính đến cuối năm 2023, dù số người từ 65 tuổi trở lên mới chiếm 15,4% tổng dân số, nhưng tăng tới 4% chỉ trong 5 năm. Trong khi đó, Thái Lan được cảnh báo sẽ trở thành xã hội siêu già vào năm 2029. Theo dự báo, đến năm 2037, tỷ lệ trẻ em của Thái Lan sẽ giảm xuống 14,3%, trong khi tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên 29,85%.

Các chuyên gia đánh giá, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến 2050, con số này được dự báo sẽ tăng lên hơn 25%. Bộ Y tế đưa ra dự báo đến năm 2038, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già” với hơn 21 triệu người cao tuổi, chiếm gần 20% tổng dân số.

Châu Á - Thái Bình Dương đang “già đi”, nhưng chính phủ và hầu hết người dân tại khu vực này đang phải vật lộn để theo kịp tốc độ. Chi phí chăm sóc sức khỏe và lương hưu đang tăng lên, ngay cả khi lực lượng lao động nộp thuế đang ít lại, tạo ra cái gọi là “quả bom hẹn giờ nhân khẩu học”. Theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2050, số người trong nhóm từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng vọt lên 1,3 tỷ người, chiếm khoảng 1/4 dân số ở châu Á - Thái Bình Dương. Sự thay đổi nhân khẩu học này là chưa từng có về tốc độ, một phần do sự suy giảm mạnh mẽ về tỷ suất sinh tại châu lục.

Nhiều giải pháp thích ứng sớm

Cùng với sự phát triển kinh tế và xã hội, từ năm 2000 đến nay, các nước và vùng lãnh thổ châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận cả tuổi thọ và tuổi thọ sống khỏe mạnh đều tăng, tuy nhiên tuổi thọ trung bình tăng nhanh hơn tuổi thọ sống khỏe mạnh. Điều này có nghĩa là người già châu Á sống lâu hơn nhưng phải sống chung với bệnh tật, số người già cần được chăm sóc dài hạn tăng lên. Không chỉ dẫn đến thay đổi cấu trúc nhân khẩu học, sự gia tăng dân số già trong khi dân số trẻ giảm còn tác động đáng kể tới kinh tế - xã hội.

Tình trạng trên tạo ra một vòng luẩn quẩn tác động không nhỏ với vấn đề dân số. Theo đó, lực lượng lao động có độ tuổi ngày càng cao, người trẻ ít cơ hội có việc làm hoặc việc làm lương thấp nên không dám lập gia đình, hoặc nếu lập gia đình thì không dám sinh con. Thực trạng này dẫn đến việc số người về hưu chiếm tỷ trọng cao và số người bước vào độ tuổi lao động ngày càng ít, từ đó thu nhập của các hộ gia đình bị ảnh hưởng.

Dân số già hóa nhanh chóng đã tạo gánh nặng cho hệ thống lương hưu, tăng nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ và cơ sở hạ tầng dành cho người cao tuổi như chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội, từ đó đặt ra thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững. Chính phủ Nhật Bản ước tính với xu hướng dân số già và giảm đi như hiện nay, chi phí chăm sóc người cao tuổi hàng năm trên đầu người sẽ tăng 75%, lên hơn 1.500 USD vào năm 2050 so với mức của năm 2019.

Sự già hóa dân số nhanh chóng tại các quốc gia/vùng lãnh thổ trên khắp khu vực này không chỉ đặt ra vấn đề phải chi trả cho lương hưu cao hơn, mà còn đặt ra thách thức về cách thức đáp ứng các nhu cầu chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần ngày càng tăng. Hiện nay, trung bình 57% số người trong nhóm tuổi từ 60 trở lên mắc ít nhất một bệnh không lây nhiễm, phổ biến nhất là tăng huyết áp, tiểu đường và bệnh tim, nhưng chỉ có 4/10 người được kiểm tra sức khỏe định kỳ. Gần 1/3 có các triệu chứng trầm cảm gia tăng, trong đó nhiều người nói rằng họ cảm thấy bị cô lập hoặc cô đơn. Châu Á đang già đi nhanh chóng, trong khi những điều kiện, cơ sở cần thiết cho một xã hội già, thậm chí siêu già, cần phải được chuẩn bị trước hàng chục năm. Do đó, việc bắt kịp và chủ động đón nhận “làn sóng bạc” đang là bài toán đặt ra nhiều thách thức với các quốc gia tại châu lục này.

Việt Nam dù chưa bước vào giai đoạn già hóa dân số, song đã có những thích ứng sớm với vấn đề này. Việt Nam đã bước đầu tăng tuổi nghỉ hưu với người lao động nhằm kéo dài thời gian lao động cho người cao tuổi, góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững, thích ứng với xu hướng già hóa dân số. Với kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng và nguồn lực tài chính, người cao tuổi hoàn toàn có thể trở thành tác nhân, nguồn lực quan trọng trong cộng đồng để đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, gia đình và cộng đồng. Chúng ta cũng hình thành các chính sách khuyến khích phụ nữ sinh con, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động, đầu tư vào giáo dục và đào tạo để phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thu hút, giữ chân nguồn lao động trẻ. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tham khảo kinh nghiệm của các nước đã ứng phó với già hóa dân số để xây dựng chính sách phù hợp thực tiễn để tăng cường tính tự chủ, độc lập, nhất là tài chính cho người cao tuổi, đồng thời tạo cho họ cơ hội, năng lực tham gia đầy đủ vào hệ thống an sinh, bảo hiểm xã hội và chăm sóc sức khỏe, đảm bảo quyền cho người cao tuổi để đạt đến “già hóa thành công”.

https://www.anninhthudo.vn/chau-a-doi-mat-voi-qua-bom-hen-gio-gia-hoa-dan-so-post586683.antd

Hoàng Tuấn / ANTD