Khi các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế nhập khẩu dầu thô của Nga, một lượng dầu mỏ kỷ lục của Mátxcơva đang nằm trên các tàu chở dầu sẽ được chuyển đến Ấn Độ và Trung Quốc. Với chính sách xoay trục khỏi châu Âu, Công ty Nghiên cứu thị trường Kpler (Vương quốc Anh) nhận định, châu Á sẽ là đối tác nhiều tiềm năng của Nga trong tương lai.
- OPEC hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu và nhu cầu dầu mỏ
- OPEC+ nhất trí tăng nhẹ sản lượng dầu mỏ
- EU chuẩn bị áp đặt một số hình thức cấm vận dầu mỏ Nga
Các nhà nhập khẩu dầu lớn ở châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ đã bị áp lực bởi giá dầu tăng vọt kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine. Hai nền kinh tế lớn của châu Á đã khai thác hàng triệu thùng dầu từ Nga để tận dụng các khoản ưu đãi lớn đối với dòng chảy hàng hóa này. Bên cạnh sự hấp dẫn của giá dầu rẻ hơn từ Nga, cả Bắc Kinh và New Delhi đều có quan hệ chặt chẽ với Mátxcơva. Trung Quốc đã nổi lên như một khách hàng sẵn sàng mua dầu của Nga khi các nước châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt lên nguồn năng lượng của Nga. Trong khi làn sóng Covid-19 làm giảm nhu cầu của Trung Quốc, các thùng dầu của Nga được bán với giá chiết khấu, khiến chúng trở nên rất hấp dẫn đối với nền kinh tế thứ hai thế giới. Các nhà phân tích nhận định vào tháng 4, Trung Quốc đã đăng ký mức tăng nhập khẩu dầu thô hằng năm đầu tiên kể từ tháng 1 nhờ lượng hàng đến từ Nga nhiều hơn.
Trong khi đó, theo truyền thống, Ấn Độ nhập khẩu dầu thô từ Iraq, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Nigeria, nhưng các quốc gia này đều đang điều chỉnh giá cao hơn khi giá dầu tăng cao. Là quốc gia nhập khẩu 85% lượng dầu, giá dầu tăng là “cú sốc” thực sự đối với Ấn Độ. Vì vậy, dầu thô giá rẻ của Nga đã thu hút ngay Ấn Độ và Mátxcơva trở thành nhà cung cấp dầu lớn thứ tư cho New Delhi. Hãng Bloomberg đưa tin, Mátxcơva đang đưa mức ưu đãi cho Ấn Độ thấp hơn giá trước cuộc xung đột tới 35USD/thùng. Theo đó, nước này đã nhận hơn 24 triệu thùng dầu thô của Nga trong tháng 5, tăng từ mức 7,2 triệu thùng trong tháng 4 và khoảng 3 triệu thùng trong tháng 3, và dự kiến sẽ nhận được khoảng 28 triệu thùng vào tháng 6. Lượng dầu của Nga được vận chuyển bằng đường biển tăng mạnh cho thấy thị trường năng lượng toàn cầu đã rơi vào hỗn loạn sau khi Mỹ, Anh và nhiều công ty của EU quay lưng với các hàng hóa của Nga, buộc nước này phải chuyển hướng sang khách hàng châu Á. Vào tháng Giêng, Nga cung cấp khoảng 1,5 triệu thùng dầu/ngày cho châu Á. Nhưng theo số liệu từ công ty theo dõi tàu chở dầu Petro-Logistics, dòng dầu của Nga đến châu Á qua đường biển đã tăng ít nhất 50% kể từ đầu năm.
Châu Âu từ lâu đã là khách hàng hàng đầu của Nga. Lục địa già từng nhận khoảng 40% khí đốt tự nhiên từ Mátxcơva, nhưng cuộc xung đột Nga - Ukraine đã thúc đẩy EU nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung từ quốc gia này. Sự kiện đã tái cấu trúc thị trường dầu mỏ toàn cầu và cho thấy Nga có thể sẽ điều chỉnh nguồn cung, nếu châu Á tiếp tục là đối tác mua dầu thô lớn nhất.