Sau 4 ngày làm việc, Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) lần thứ chín diễn ra ở thành phố Los Angeles (Mỹ) đã kết thúc và ghi dấu ấn bằng bản Tuyên bố chung nhằm cam kết phối hợp giải "bài toán" người di cư. Đây là kết quả quan trọng nhất mà các nhà lãnh đạo đạt được trong bối cảnh số lượng người di cư tại châu lục này đã lên tới mức đáng báo động.

Những đoàn người di cư số lượng lớn đã gây áp lực cho nhiều quốc gia châu Mỹ trong thời gian qua.
 
Theo thông báo chính thức từ OAS ngày 11-6, nội dung Tuyên bố chung kêu gọi bảo đảm an toàn và quyền lợi chính đáng cho tất cả người di cư và kêu gọi các lực lượng hành pháp và tình báo phối hợp chặt chẽ hơn để ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp. Tuyên bố chung cũng kêu gọi các quốc gia xây dựng hệ thống tị nạn của riêng mình, tạo thêm thị thực lao động và tăng cường thực thi biên giới để nhiều người di cư bị chặn lại trước khi họ có thể đến biên giới Mỹ. Điểm nhấn trong cam kết lần này là việc Mỹ khẳng định tiếp tục đẩy mạnh hành động.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng ủng hộ nhập cư hợp pháp, tuyên bố khoản hỗ trợ khoảng 65 triệu USD để ủng hộ việc tuyển dụng người nhập cư làm việc hợp pháp theo thời vụ tại các nông trang ở xứ Cờ hoa. Bên cạnh đó, Mỹ thông báo sẽ cấp 314 triệu USD cho chương trình hỗ trợ người nhập cư Venezuela ở Tây bán cầu; 171 triệu USD viện trợ nhân đạo và thực phẩm khẩn cấp cho người di cư Venezuela đang tị nạn tại Brazil, Colombia, Ecuador và Peru. Mỹ cũng sẽ tái khôi phục chương trình cho phép một số đối tượng là công dân Mỹ và những người định cư lâu dài tại Mỹ được đăng ký để đưa người thân ở Cuba và Haiti đến Mỹ thông qua một cơ chế tạm thời. Tổng thống Mỹ kiên quyết phản đối nhập cư bất hợp pháp, hành động mà ông nhấn mạnh là nguy hiểm, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ bảo đảm an ninh biên giới.

Tại hội nghị, một số quốc gia đã công bố cam kết tạo ra các chương trình pháp lý mới cho người di cư. Ecuador đã tiếp nhận một số lượng lớn người di cư Venezuela, có kế hoạch tạo ra địa vị pháp lý mới cho người nhập cư. Belize, bắt đầu từ tháng 8, sẽ cấp tư cách pháp nhân cho những người Trung Mỹ khác đã sống bất hợp pháp ở đó trong nhiều năm. Canada cam kết tiếp nhận vài ngàn người tị nạn từ Tây bán cầu và sẽ tuyển thêm người Haiti để có thị thực lao động. Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard đã đánh giá tích cực về một số kết quả đạt được, trong đó có những lời kêu gọi từ Tổng thống Mỹ J.Biden về hợp tác kinh tế và tìm cách ứng phó chung toàn khu vực với tình hình di cư.

Thống kê cho thấy, năm 2021, số lượng di cư tới biên giới Mỹ lên tới 1,7 triệu người, gấp 3 lần so với năm 2020. Làn sóng di cư từ Trung Mỹ và Haiti tới Mỹ liên tục dâng cao trong thời gian qua, chủ yếu là những người tìm cách thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực, bạo lực gia tăng và các thảm họa thiên nhiên ngày càng tồi tệ do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Những cuộc di cư đó không chỉ ảnh hưởng đến Mỹ mà còn tác động tới nhiều quốc gia khác. Colombia cho biết, đã nhận gần 2 triệu người Venezuela phải di dời do tình hình bất ổn chính trị và kinh tế. Costa Rica, quốc gia chỉ có 5 triệu dân, đã tiếp nhận hàng trăm ngàn người di cư chủ yếu từ Nicaragua. Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), Mexico đã nhận 130.863 đơn xin tị nạn vào năm 2021, nhiều thứ ba trên thế giới.

Một trong những hình thức di cư phổ biến nhất tại châu Mỹ là đoàn người tập trung tự phát, ban đầu chỉ khoảng vài trăm thành viên, trên đường di chuyển dần phát triển thành những nhóm hàng nghìn người tạo áp lực rất lớn. Vì vậy, sự đồng thuận đạt được tại OAS lần thứ chín kỳ vọng sẽ mang tới những chuyển biến tích cực cho vấn nạn người di cư tại châu lục này.

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/The-gioi/1034390/chau-my-chung-tay-giai-bai-toan-nguoi-di-cu

QUỲNH DƯƠNG / HNM.com.vn