Ông Trương Minh Hoàng: "Nếu bộ, ngành đó không thực hiện nghiêm túc việc trả trụ sở cũ thì kiểm điểm Ban cán sự Đảng đơn vị đó được không? Được quá đi chứ!".

Bộ Tài chính cho biết, tính đến tháng 12/2016, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý đối với gần 155.000 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích khoảng trên 3 tỷ m2 đất và khoảng 140 triệu m2 nhà.

Qua đó, các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với trên 123.800 cơ sở với tổng diện tích là 1.967 triệu m2 đất và 116 triệu m2 nhà. Trong số trên, cơ quan chức năng đã quyết định giữ lại tiếp tục sử dụng phần lớn diện tích với 1.857 triệu m2 đất; còn lại là bán, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất…

Tuy vậy, việc sắp xếp nhà, đất triển khai còn chậm, trong đó có nguyên nhân là một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm túc chấp hành chấm dứt việc cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết chưa đúng quy định.

Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương còn tâm lý cố giữ nhà, đất đang quản lý, sử dụng. Một số đơn vị đã được Nhà nước đầu tư xây dựng mới nhưng sau khi chuyền về trụ sở mới vẫn không bàn giao lại trụ sở cũ cho Nhà nước.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này vào sáng ngày 3/11, ông Trương Minh Hoàng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp Luật của Quốc hội cho rằng, Bộ Tài chính nên thực hiện thẩm quyền của mình là phát hành một văn bản đề nghị các bộ ngành này phải lên tiếng chính thức.

“Tôi tin chắc đã xây dựng trụ sở mới thì trụ sở cũ sẽ thừa ra, nếu có sử dụng cũng chỉ sử dụng một phần, phần nào thừa phải trả cho bộ phận quản lý công sản để người ta điều phối, tính toán hoạt động vào mục đích khác cho phù hợp.

Hơn ai hết các đồng chí được giao trách nhiệm đó phải phát hành văn bản. Khi phát hành văn bản, mà không trả lời thì mình được quyền đề nghị đến cấp cao hơn.

Nếu như họ không thực hiện thì mạnh dạn báo với Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ sẽ không bao che bất cứ sai phạm gì nếu chúng ta làm mạnh, làm đúng, kể cả các nhà công vụ cũng thế, khi hết nhiệm vụ thì phải thu lại”, ông Hoàng nêu quan điểm.

Ông Trương Minh Hoàng đề nghị, nếu bộ ngành nào chây ì không trả trụ sở cũ thì báo cáo Thủ tướng, thậm chí báo cáo ra Trung ương.

Trước những ý kiến cho rằng chưa thu hồi được các trụ sở cũ là do “nể nang, né tránh”, ông Trương Minh Hoàng cho biết ông chưa có căn cứ để đánh giá như vậy, nhưng bây giờ phải làm tới nơi, tới chống, phải công khai minh bạch.

“Bộ này không làm, bộ kia do dự, rồi nảy sinh tâm lý chừng nào họ trả tôi mới trả, nhiều đơn vị sẽ như vậy.

Theo tôi phát hành văn bản là công bằng nhất. Nếu trong một khoảng thời gian sau khi phát hành văn bản anh không thực hiện thì tiếp tục đốc thúc.

Đốc thúc lần thứ hai không trả thì báo cáo lên Thủ tướng, xem đây là báo cáo việc không thực hiện nhiệm vụ của bộ đó”, ông Hoàng nói.

Đề cập tới trách nhiệm cụ thể hơn, ông Trương Minh Hoàng cho rằng, bất kỳ vụ việc gì xảy ra thì người đứng đầu Bộ phải chịu trách nhiệm.

“Pháp luật hiện hành về tổ chức, bộ máy… đã quy định rất rõ trách nhiệm của ông Bộ trưởng được làm gì, thẩm quyền ra sao, chịu trách nhiệm gì chứ không phải không có.

Ngoài ra còn rất nhiều cuộc họp nữa. Họp Chính phủ đưa ra phê bình được không?

Không thực hiện thì ra họp Trung ương lại phê bình tiếp. Hàng năm còn có cuộc xin ý kiến phê bình Ban cán sự đảng các bộ, ngành nữa.

Chẳng hạn năm 2018, Bộ Chính trị sẽ thực hiện phê bình, tự phê bình thực hiện Nghị quyết Trung 4, khoá XII.

Nếu như bộ, ngành đó không thực hiện nghiêm túc việc trả trụ sở cũ thì kiểm điểm Ban can sự Đảng của đơn vị đó được không? Được quá đi chứ!

Cơ chế, quy định để xử lý trách nhiệm có hết rồi, vấn đề bây giờ có dám làm, có chịu làm hay không thôi”, ông Hoàng nói.

Theo ông Hoàng, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể công khai bộ ngành nào không chịu trả trụ sở bằng kênh chính thức; thậm chí nêu công khai trên phương tiện truyền thông để nhân dân biết.

Sử dụng sai mục đích sẽ bị thu hồi

Trên tờ Đầu tư, ông Nguyễn Tân Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, nhiều cơ quan, đơn vị đưa ra lý do trụ sở mới không bảo đảm diện tích làm việc nên giữ lại trụ sở cũ.

Tuy nhiên, lý do này sẽ bị vô hiệu hóa kể từ ngày 1/1/2018 vì cơ quan tài chính tham gia ngay từ khâu cơ quan, đơn vị nào đó đề nghị xây dựng trụ sở mới.

Cụ thể, ngay khi nhận được văn bản đề nghị cho ý kiến về việc giao đất, thu hồi đất trụ sở làm việc, cơ quan tài chính sẽ tính xem cơ quan, đơn vị, tổ chức di chuyển trụ sở làm việc có bao nhiêu biên chế từ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (thậm chí tính đến cả sự biến động về nhân sự), sau đó nhân với diện tích làm việc, diện tích sử dụng chung, diện tích đặc thù theo đúng tiêu chuẩn, định mức và so sánh với thiết kế xây dựng.

Nếu diện tích xây dựng mới không bảo đảm, cơ quan tài chính sẽ không đồng ý phương án giao đất, thu hồi đất.

Nếu trụ sở mới đáp ứng yêu cầu, cơ quan tài chính sẽ có ý kiến về việc sắp xếp trụ sở cũ thế nào: thu hồi; điều chuyển cho đơn vị, cơ quan, tổ chức khác đang thiếu diện tích làm việc; đấu giá quyền sử dụng đất… phù hợp với quy hoạch.

Vậy cụ thể thì ai có thẩm quyền thu hồi trụ sở làm việc? Ông Thịnh cho biết, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thu hồi đối với trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước thuộc Trung ương quản lý.

Tài sản không phải là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước thuộc Trung ương quản lý phải thu hồi, nhưng các bộ, ngành chủ quản không thu hồi; trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước thuộc địa phương quản lý phải thu hồi, nhưng địa phương không thu hồi.

Trường hợp phát hiện trụ sở làm việc do cơ quan nhà nước thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn địa phương bị sử dụng sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức, chế độ hoặc cho thuê, cho mượn, kinh doanh, liên doanh, liên kết không đúng quy định thì chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thu hồi.

Riêng đối với quyền sử dụng đất được giao để thực hiện dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mà tiến độ sử dụng đất bị chậm phải thu hồi được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai; trình tự, thủ tục thu hồi và xử lý tài sản sau thu hồi thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định thu hồi tài sản, cơ quan nhà nước có tài sản bị thu hồi phải bàn giao đầy đủ tài sản bị thu hồi và các hồ sơ có liên quan đến tài sản cho cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công.

Bộ GTVT lưu ý gì ở đồ án ga Hà Nội?

Hàng loạt lưu ý vừa được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công chính thức đưa ra trong văn bản góp ý với UBND TP.Hà ...

Di dời trụ sở các bộ ngành: "Đất vàng" sử dụng vào mục đích gì?

Sau khi các bộ, ngành chuyển về trụ sở mới, nhiều đơn vị vẫn “ôm” đất vàng, gây lãng phí lớn đối với ngân sách ...

Doanh nghiệp cõng lỗ nghìn tỷ lên sàn chứng khoán

Nhiều doanh nghiệp Nhà nước hấp dẫn do có đất vàng, có triển vọng tốt nhưng cũng không ít doanh nghiệp cõng lỗ nghìn tỷ ...

Bộ Tài chính lại quyết tâm đòi \'đất vàng\' trụ sở

Nhận trụ sở mới nhưng không trả lại trụ sở cũ là vấn đề bức xúc tồn tại từ nhiều năm chưa được giải quyết.

(http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Chay-i-khong-tra-tru-so-cu-bao-cao-Thu-tuong-bao-cao-Trung-uong-post180974.gd)

/ Theo Diệu Linh/Giáo dục Việt Nam