Dù dùng thước đo nào thì năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp xa so với các nước trong khu vực. Vì thế, ngày 7/8, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì một hội nghị quan trọng liên quan đến "Cải thiện năng suất lao động quốc gia".
Thua xa các nước trong khu vực
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN.
Với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt trên 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động). Tính theo giá so sánh, tăng 6% so với năm 2017.
Bình quân giai đoạn 2016-2018, năng suất lao động tăng 5,77%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015. Tính chung giai đoạn 2011-2018, năng suất lao động tăng bình quân 4,88%/năm.
Việt Nam đã có cải thiện về năng suất lao động nhưng còn thua kém nhiều nước. Ảnh: Lương Bằng |
Những năm qua, năng suất lao động của Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn.
Nếu năm 2011, năng suất lao động của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia lần lượt gấp năng suất lao động của Việt Nam 17,6 lần; 6,3 lần; 2,9 lần và 2,4 lần thì đến năm 2018 khoảng cách tương đối này giảm xuống tương ứng còn 13,7 lần; 5,3 lần; 2,7 lần và 2,2 lần.
Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê đánh giá: Năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng.
Tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2018 đạt 11.142 USD, chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Singapore, 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan, 44,8% của Indonesia và bằng 55,9% năng suất lao động của Philippines.
“Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước”, Tổng cục Thống kê nhận định.
Báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy những đánh giá tương tự.
Cụ thể, theo Bộ này, năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD/lao động, tăng 5,93% so với năm 2017). Tăng trưởng năng suất lao động đã phục hồi và tăng nhanh trong những năm gần đây, đạt bình quân 4,77%/năm trong giai đoạn 2011-2018 (so với mức 3,17%/năm trong giai đoạn 2007-2010).
Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá năng suất lao động của Việt Nam vẫn thua xa nhiều nước ASEAN. Tính theo giá so sánh năm 2010, năm 2018 năng suất lao động của Việt Nam bằng 1/30 lần Singapore, 29% năng suất lao động của Thái Lan, 13% năng suất lao động của Malaysia, 44% năng suất lao động của Philippines
“Dù dùng thước đo nào đi chăng nữa thì năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp xa so với các nước trong khu vực”, Bộ LĐ-TB&XH nhận định.
Tăng trưởng GDP nếu chỉ dựa trên tăng việc làm giản đơn, trình độ công nghệ và tay nghề lao động thấp thì thường không cao và thiếu bền vững Ảnh: Lương Bằng |
Vì sao thua kém các nước?
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến cho mức năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực và trên thế giới.
Chẳng hạn, quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ. Với xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế nhỏ, việc thu hẹp khoảng cách tương đối về thu nhập bình quân và năng suất lao động của Việt Nam với các nước thời gian qua là một thành tựu đáng ghi nhận nhưng chưa đủ để thu hẹp khoảng cách tuyệt đối về giá trị năng suất lao động so với các nước trong khu vực.
Ngoài ra, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực nhưng còn chậm. Các ngành công nghiệp, dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ mang tính chất động lực hay huyết mạch của nền kinh tế như tài chính, ngân hàng, du lịch của nước ta còn chiếm tỷ trọng thấp.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, đối với một quốc gia, tăng trưởng GDP nếu chỉ dựa trên tăng việc làm giản đơn, trình độ công nghệ và tay nghề lao động thấp thì thường không cao và thiếu bền vững. Trong khi tăng trưởng GDP theo hướng tăng năng suất lao động tuy là thách thức lớn (nhất là đối với một nước mà đội ngũ lao động có tư duy nông nghiệp lâu đời và tỷ lệ qua lao động qua đào tạo không cao như Việt Nam), nhưng đây lại là hướng đi có tiềm năng để tạo ra tăng trưởng cao, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng: Trong bối cảnh tự do hóa thương mại và Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển, đây vừa là cơ hội để Việt Nam phát triển kinh tế, nhưng cũng đưa đến nguy cơ Việt Nam dễ “bị bỏ lại xa hơn” các quốc gia trên thế giới nếu không có định hướng phát triển đúng và giải pháp hiệu quả. Một trong những điểm nhấn căn bản để thúc đẩy tăng trưởng, chính là cải thiện năng suất lao động.
Vì thế, đại diện Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia, trong đó thiết lập một cơ quan thường trực, chuyên sâu về năng suất lao động có nhiệm vụ phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam. Cử các đoàn sang học tập kinh nghiệm của Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc để áp dụng vào Việt Nam.
Ngoài ra, khu vực doanh nghiệp chiếm vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế; nâng cao năng suất lao động khu vực doanh nghiệp đóng vai trò quyết định tới việc nâng cao năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế.
Lương Bằng
Tại sao năng suất 1 lao động Singapore bằng 23 người VN? Chủ tịch Hội Khuyến học lo lắng giáo dục VN tụt hậu xa hơn so với các nước. Năm 2018 năng suất 1 lao động Singapore bằng 23 ... |
Thi đua yêu nước và “điểm nghẽn” năng suất lao động Năng suất lao động của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Đó là câu chuyện không còn mới nhưng chưa ... |
Khi năng suất lao động Việt thấp hơn cả Lào Chúng ta vừa phải nghe một tin chẳng mấy vui vẻ: Năng suất lao động (NSLĐ) Việt đang chỉ bằng 87,4% NSLĐ Lào. |