Đền Đồng Bằng ở Thái Bình được thiết kế theo kiểu “Tiền Nhị-Hậu Đinh” với 66 gian, tạo thành một quần thể kiến trúc bề thế, lộng lẫy.

1
Đền Đồng Bằng còn được gọi là Đền Đức Vua hay Đền Vua Cha Bát Hải Động Đình (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), là di tích có giá trị lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật.
2
3
Ngôi đền tọa lạc bên dòng sông Mai Diêm, xưa thuộc trang Đào Động, tổng Vọng Lỗ, huyện Phụ Phượng, nay thuộc thôn Đồng Bằng, xã An Lễ.
4
Theo ngọc phả của di tích, đền là nơi thờ Vua Cha Bát Hải Động Đình - người có công lớn trong việc đánh giặc giữ nước và chiêu dân lập ấp xây dựng giang sơn, xã tắc từ buổi sơ khai.
5
6
Từ thế kỷ XIV, Đền còn phối thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng các danh tướng nhà Trần đã có công lớn trong 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông và lập nên 8 trang Đào Động xưa.
7
8
9
Trong cung cấm có một giếng cổ ngay phía dưới ban thờ Đức Vua Cha. Bên cạnh đó còn chiếc ghế cổ và bộ hoàng bào của Đức Vua cùng bức tranh điêu khắp 8 con rồng tượng trưng cho 8 con sông chầu về giếng cổ, nơi hội tụ linh khí của vùng đồng bằng rộng lớn.
10
Năm 1986, Đền Đồng Bằng được xếp hạng là di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia, được công nhận là điểm du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh Thái Bình năm 2015. Năm 2016, Lễ hội truyền thống Đền Đồng Bằng được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
11
12
13
Tương truyền, vào thời Hùng Vương thứ 18, khi nước nhà bị giặc ngoại bang xâm lấn, triều đình đã điều động binh hùng, tướng giỏi để chống giặc, song thế giặc mạnh, quân tướng triều đình không chống đỡ nổi.
14
15
16
Triều đình đã phải lập đàn triệu "linh sơn tú khí" về giúp sức dẹp giặc. Thủy thần làng Đào Động đã ra phò Vua dẹp tan giặc dữ và có công đầu trong việc trấn giữ 8 cửa bể phía Tây.
17
18
Đất nước thái bình, Ngài đã được sắc phong “Trấn Tây An Nam - Tam Kỳ Linh Ứng - Vĩnh Công Đại Vương Thượng Đẳng Thần” và từ đó nơi đây trở thành vùng đất địa linh được cả nước ngưỡng vọng.
19
20
21
Ban đầu, đền chỉ là ngôi miếu nhỏ, nằm trong cảnh quan sông nước hữu tình của đất Đa Dực xưa. Tới thời Tiền Lê, đền đã được xây dựng, mở rộng thành 5 cung và 4 ban thờ công đồng khang trang, hoành tráng và được liệt vào “Tứ cố cảnh” thời Lý (Đào Động, Lộng Khê, Tô Đệ, A Sào).
22
Các họa tiết, hoa văn, đặc biệt là các linh vật được các nghệ nhân xưa tạo tác, sơn son thếp vàng tinh xảo, sống động, thể hiện sự uy nghiêm, linh thiêng.
23
24
25
Đến thế kỷ XIII, khi giặc Nguyên Mông tràn vào bờ cõi nước Nam, Đảo Động lại là nơi đóng quân và luyện tập thủy chiến, binh nhung của Nhà Trần. Trước khi xung trận, Hưng Đạo Đại Vương cùng các tướng lĩnh đều về dâng hương.
26
Sau ngày đại thắng, nhà Trần đầu tư công sức, tiền của để tôn tạo bản đền. Ngưỡng mộ trước cảnh đền, Tướng quân Phạm Ngũ Lão đã vịnh bài thơ hiện còn lưu lại trên bức cuốn thư tại cung Đệ Nhị.
27
28
29
Ngôi đền hiện nay được xây dựng, trùng tu vào cuối năm 1926. Đền chính được thiết kế theo kiểu “Tiền Nhị - Hậu Đinh” gồm 13 tòa, 66 gian tạo thành một quần thể kiến trúc bề thế.
30
Trải qua sự phong hóa của thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, ngôi đền đã có ít nhiều thay đổi, song vẫn được đánh giá là một di tích lịch sử văn hóa có giá trị mỹ thuật cao. Đặc biệt, tại đây còn lưu giữ được nhiều đồ tế khí có giá trị như: Các bài vị từ thời Lê khắc chữ vàng, điển hình là bài vị với nội dung: “Hùng triều anh linh/ Tác vĩ trấn kỳ giang/ Bát Hải Động Đình/ Vĩnh Công Đại Vương thần vị”
31
Toàn bộ công trình kiến trúc gỗ như: Cuốn thư, hoành phi, câu đối, đại tự từ thời Vua Khải Định, Bảo Đại vẫn còn được lưu giữ cơ bản nguyên vẹn.

Bà Bùi Thị Nhẫn, Trưởng phòng Văn hóa thông tin, Phó Ban Thường trực Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Đồng Bằng (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết, Di tích lịch sử quốc gia Đền Đồng Bằng là di tích nổi tiếng, cổ kính và linh thiêng. Di tích đã được công nhận là điểm du lịch tâm linh của tỉnh Thái Bình.

Lễ hội Đền Đồng Bằng gắn với Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, thực hành tín ngưỡng Tam Tứ Phủ và nghệ thuật hát Văn hầu đồng. Lễ hội được tổ chức thường niên vào tháng 8 hàng năm, thu hút được đông đảo nhân dân và khách thập phương đến tham quan, chiêm bái và thực hành tín ngưỡng tại di tích.

Minh Khang / VTC News