Người dân thôn Sơn Đồng (Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội) phản đối việc chính quyền xã tự ý chôn lợn dịch bệnh ở gần khu dân cư.
Vào khoảng 18h ngày 4/5, chính quyền xã Tiên Phương (Chương Mỹ, Hà Nội) thực hiện việc đào hố chôn khoảng 20 con lợn bị bệnh tả tại thôn Sơn Đồng (Tiên Phương), nhưng bị người dân nơi đây phản đối gay gắt.
Theo người dân, những con lợn bị bệnh dịch tả hộc máu mồm, máu mũi được vận chuyển trên thùng xe không có bạt che lót ở phía dưới. Tại vị trí chôn, chỉ phủ 1 lớp bạt, còn ở bên thành hố chưa phủ hết, lợn bị vứt xuống hố không có bao bọc che phủ.
Một số con lợn bị bệnh đang chờ tiêu hủy.
Vị trí chôn lợn chỉ cách quốc lộ 6 40-50m, cách kênh nước 7m, cách đường dân sinh 5m và cách khu dân cư khoảng 200-300m.
Bên cạnh đó, những con lợn bị bệnh không phải là của người dân thôn này mà của thôn khác trong xã. Trước đó, lợn bệnh cũng từng được chôn ở vị trí khác nhưng không được người dân đồng ý nên lực lượng chức năng mang đến thôn Sơn Đồng tiêu hủy.
"Khi chúng tôi hỏi giấy tờ tiêu hủy nhưng xã không có, bên cạnh đó chính quyền xã cũng chưa thông qua ý kiến người dân Sơn Đồng", anh Nguyễn Văn M. nói.
Theo clip người dân ghi lại, khi bị người dân ngăn cản, lực lượng chức năng xã đã dừng việc chôn lấp và thừa nhận là chôn sai.
"Chúng tôi bảo không chôn ở đây nữa là chúng tôi sẽ không chôn và sẽ di chuyển lợn đi nơi khác. Giờ máy móc đang hỏng, vậy đề nghị các bác giải tán đi", ông Tống Quang Tâm, Trưởng công an xã Tiên Phương nói trong clip.
Những con lợn chết vứt xuống hố chôn chỉ sâu khoảng 2m.
Đáp lại lời trưởng công an xã, một cụ ông nói: "Các anh đào ngay đường đi, mà đào có được hố bao nhiêu mét đâu (sâu 2m), rồi các anh đổ hàng chục con lợn xuống và lấp kiểu gì... Bây giờ chúng tôi chỉ yêu cầu các anh làm thế nào cho chúng tôi được nhờ".
Về sự việc trên, tối 4/5, trả lời PV qua điện thoại, ông Tống Quang Tâm, Trưởng Công an xã Tiên Phương xác nhận việc chôn 20 con lợn bị bệnh tại thôn Sơn Đồng, cách khu dân cư khoảng 300m.
"Vị trí chôn cách khu dân cư khoảng 300m, hôm nay bắt đầu chôn khoảng 20 con. Như vậy nhé, chúng tôi đang có việc", ông Tâm nói.
Sau đó, đến khoảng 22h cùng ngày, PV liên hệ lại ông Tâm để hỏi thêm thông tin thì vị này từ chối trả lời.
Chiều 5/5, lợn bị bệnh vẫn đang được để tại trụ sở UBND xã Tiên Phương.
Được biết, đến chiều 5/5, số lợn chết vẫn đang được để tại trụ sở UBND xã Tiên Phương. Trong khi đó, trả lời PV, ông Nguyễn Như Vân - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phương cho biết, lợn bệnh đã được tiêu hủy tại khu Đồng Mông thuộc thôn Tiên Lữ tại xã.
Khi PV đặt câu hỏi về việc người dân thấy lợn chết để ở trụ sở UBND xã thì ông Vân lại "khéo léo" đáp: "Tôi đang bận tí nhé, còn mấy con đang đi tiêu hủy nốt".
Công văn số 1025/BTNMT-TCMT của Bộ Tài nguyên Môi trường chỉ đạo các địa phương về việc chôn lấp, tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả châu Phi có quy định như sau:
Khu vực chôn lấp lợn bị dịch bệnh tả
Khoảng cách từ bãi chôn lấp đến các khu vực đô thị, các thành phố, thị xã, thị trấn, công trình văn hoá, khu du lịch, chùa, bệnh viện, trạm y tế tốt nhất nên từ 3.000m trở lên.
Khoảng cách từ bãi chôn lấp đến các cụm dân cư phải từ 300m trở lên.
Khoảng cách từ bãi chôn lấp đến các đường giao thông:
- Đường quốc lộ, liên tỉnh, huyện: từ 1.000m trở lên
- Đường liên xã từ 500m trở lên.
Khoảng cách từ bãi chôn lấp tới nguồn nước (nguồn nước phục vụ cho tưới tiêu nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản) từ 30m trở lên.
Thu gom, vận chuyển lợn đến điểm tiêu hủy
Phương tiện vận chuyển xác động vật, sản phẩm động vật phải có sàn kín để không làm rơi vãi các chất thải trên đường đi;
Phương tiện vận chuyển xác động vật, sản phẩm động vật phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y ngay trước khi vận chuyển và sau khi bỏ bao chứa xuống địa điểm tiêu hủy hoặc dời khỏi khu vực tiêu hủy.
Như vậy, việc chính quyền xã Tiên Phương vận chuyển và tiêu hủy lợn bị bệnh đã không đúng quy định đảm bảo về môi trường và vệ sinh.
Nghệ An: Lại xuất hiện thêm 2 ổ dịch tả lợn Châu Phi Trên địa bàn Nghệ An vừa xuất hiện thêm 2 ổ dịch tả lợn Châu Phi ở huyện Nghi Lộc và Diễn Châu. Cơ quan ... |
Hai tỉnh công bố hết dịch tả lợn châu Phi Theo Cục Thú y, nhiều ổ dịch đã qua 30 ngày không phát sinh lợn bệnh, trong đó có Hoà Bình, Bắc Kạn công bố ... |